Không nên đưa bảo hiểm vào danh mục dịch vụ thiết yếu

(ĐTCK-online) Hiệp hội Bảo hiểm cho rằng, không nên đưa dịch vụ bảo hiểm vào đối tượng đăng ký vào dự thảo Quyết định danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vì nhiều lý do.

 

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa nhận được dự thảo tờ trình Chính phủ và dự thảo Quyết định của Chính phủ do Bộ Công thương soạn thảo về việc ban hành danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, trong đó có dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, không nên đưa dịch vụ bảo hiểm vào đối tượng đăng ký nói trên vì nhiều lý do.

Thứ nhất, dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ không thuộc nhóm ngành hàng dịch vụ thiết yếu cho đời sống con người như ăn, ở, mặc, học hành, đi lại, điện, nước, chữa bệnh… Dịch vụ bảo hiểm cũng không hội đủ 4 tiêu chí xác định như dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ Công thương. Thực tế cho thấy, chỉ sau khi có khả năng tài chính đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu và trả nợ, các tổ chức, cá nhân mới nghĩ đến nhu cầu bảo hiểm, mới mua bảo hiểm.

Thứ hai, tại dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Công thương cho rằng có loại bảo hiểm bắt buộc người tiêu dùng phải sử dụng, từ đó buộc các DN bảo hiểm phải đăng ký. Đây là cách hiểu sai về Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Chính phủ giao cho cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành ban hành quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm bắt buộc. Hiện nay, sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 126/2008/TT-BTC và Thông tư 220/2011/TT-BTC. DN bảo hiểm phải thực hiện nghiêm chỉnh quy tắc, điều khoản biểu phí theo quy định, thậm chí mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm cũng tuân thủ theo đúng nội dung, hình thức được Bộ Tài chính quy định. Vì vậy, nếu phải đăng ký hợp đồng thì cũng không khác gì buộc Bộ Tài chính đăng ký sản phẩm bảo hiểm bắt buộc với Bộ Công thương, bởi những quy tắc, điều khoản, biểu phí (nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm) đều do Bộ Tài chính ban hành.

Thứ ba, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm còn quy định thêm các loại dịch vụ bảo hiểm là bảo hiểm hưu trí, tai nạn, chăm sóc y tế con người, dự thảo Quyết định lại chưa đề cập đến việc có phải đăng ký hợp đồng mẫu với các loại hình này hay không? Ngoài ra, Luật sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng có quy định về trường hợp DN bảo hiểm phi nhân thọ tại nước ngoài bán sản phẩm qua biên giới vào Việt Nam và chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập tại Việt Nam (không cần thành lập pháp nhân). Tuy nhiên, tại dự thảo Quyết định chưa nêu vấn đề này.

Thứ tư, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, có 3 mức độ kiểm soát sản phẩm bảo hiểm trước khi đưa ra thị trường gồm:

- Sản phẩm bảo hiểm bắt buộc: do Bộ Tài chính ban hành quy tắc, điều khoản biểu phí bảo hiểm (nội dung chính của hợp đồng bảo hiểm);

- Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ: DN bảo hiểm trình quy tắc, điều khoản, biểu phí, hợp đồng bảo hiểm, minh họa bán hàng để Bộ Tài chính phê duyệt;

- Sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ: DN bảo hiểm soạn thảo, ra quyết định ban hành, sau đó phải báo cáo Bộ Tài chính mới được triển khai.

Vậy nếu phải đăng ký với Bộ Công thương sẽ làm tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết khi đã có Bộ Tài chính giữ vai trò quản lý nhà nước.

Thứ năm, các hình thức giao kết hợp đồng bảo hiểm bao gồm: ký hợp đồng bảo hiểm; người mua bảo hiểm gửi giấy yêu cầu bảo hiểm, DN bảo hiểm cấp đơn bảo hiểm; người mua bảo hiểm gửi giấy yêu cầu bảo hiểm, DN bảo hiểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm.

Các văn bản trên đều được rút ngắn bằng cách không đưa nội dung đã có trong quy tắc, điều khoản, biểu phí (do Bộ Tài chính ban hành, do Bộ Tài chính phê chuẩn, do DN bảo hiểm ban hành đăng ký với Bộ Tài chính), mà chỉ trích dẫn căn cứ vào quy tắc, điều khoản, biểu phí Bộ Tài chính ban hành hoặc phê chuẩn... Vậy cách đăng ký hợp đồng mẫu trên như thế nào?

Thứ sáu, nếu bắt buộc đăng ký hợp đồng bảo hiểm thì sẽ vô tình làm cho trên 7 triệu hợp đồng bảo hiểm với nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được ký kết từ năm 1996 (khi bắt đầu triển khai bảo hiểm nhân thọ) đến nay, có thời hạn bảo hiểm 20 năm, 30 năm hoặc suốt đời, nếu có nội dung khác với sản phẩm đăng ký cũng không thể sửa đổi được.

Điều cuối cùng gây nên sự băn khoăn là sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ phụ thuộc nhiều vào nội dung, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài. Khi đã chắc chắn có nơi nhận tái bảo hiểm, các DN bảo hiểm mới dám ký hợp đồng bảo hiểm. Vậy trường hợp này phải đăng ký thay đổi thường xuyên theo từng đối tượng tài sản được bảo hiểm và người được bảo hiểm. Khi không có hợp đồng bảo hiểm nào giống nhau, vậy đăng ký hợp đồng như thế nào cho thoả đáng khi các DN bảo hiểm vừa phải báo cáo với Bộ Tài chính, vừa phải đăng ký với Bộ Công thương.