Báo ĐTCK đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Hiền, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Người công bố thông tin của DPM về vấn đề này.
Thưa bà, nếu không mua được DCM như kế hoạch ĐHCĐ DPM đã thông qua, chiến lược đầu tư, phát triển của Tổng công ty sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Theo Thông báo số 309/TB-VPCP ngày 28/8/2012 của Văn phòng Chính phủ, chúng ta được biết chủ trương sẽ duy trì đồng thời Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí và Công ty TNHH một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau và sẽ thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau khi có đủ điều kiện.
Kế hoạch đầu tư vào dự án Đạm Cà Mau được ĐHCĐ DPM thông qua ngày 27/4/2012 vừa qua mới chỉ là chủ trương từ phía DPM và DPM cần phải được sự chấp thuận từ cổ đông, do giá trị giao dịch lớn. Phương án triển khai cụ thể tiếp theo còn phụ thuộc vào cơ quan chủ quản và các cơ quan quản lý. Do vậy, theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, DPM sẽ dừng thực hiện chủ trương này. Trong tương lai, khi Đạm Cà Mau thực hiện cổ phần hóa, DPM sẽ xem xét lại cơ hội đầu tư nếu các điều kiện cho phép.
Do vấn đề nêu ra tại ĐHCĐ mới chỉ là chủ trương, nên DPM cũng đã có những dự liệu trước trường hợp chưa thực hiện được việc mua Đạm Cà Mau. Chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh chiến lược phát triển nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững, duy trì vị thế vững mạnh về quy mô và sản lượng để tăng cường năng lực cạnh tranh. Trong thời gian tới, DPM sẽ tập trung nguồn lực vào những dự án quan trọng khác như NH3, Amonitrat, H2O2.
Trong trường hợp DPM và DCM là hai đơn vị độc lập, việc kinh doanh, bán hàng của DPM có gặp khó khăn gì không, thưa bà?
Với chất lượng sản phẩm, thương hiệu sản phẩm đã được khẳng định trên thị trường hơn 8 năm và hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, chúng tôi tin tưởng rằng, Đạm Phú Mỹ sẽ tiếp tục được nông dân tin dùng. DPM hiện tại vẫn là đơn vị được giao bao tiêu sản phẩm Đạm Cà Mau nên chúng tôi không gặp khó khăn gì về ki,nh doanh.
Ngoài ra, DPM và DCM đều là những công ty lớn trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), do đó, chúng tôi tin rằng, PVN sẽ có những định hướng chỉ đạo hoạt động sản xuất - kinh doanh của hai đơn vị một cách hài hòa, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan và chiến lược dài hạn trong lĩnh vực phân bón.
Với nguồn tiền mặt dồi dào hiện nay, nếu không đầu tư vào Đạm Cà Mau nữa, DPM dự kiến sẽ sử dụng khoản tiền này như thế nào cho hiệu quả? DPM có ý định tăng tỷ lệ chia cổ tức?
Hiện tại, nguồn tiền này đang được gửi tại những ngân hàng lớn, đảm bảo an toàn. Theo chiến lược phát triển dài hạn, DPM sẽ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính là phân bón và hóa chất.
Như đã trao đổi ở trên, hiện DPM đang tập trung nguồn lực để đầu tư vào một số dự án phân bón, hóa chất và DPM sẽ sử dụng nguồn tiền này khi cần thiết. Nếu các điều kiện thuận lợi, những dự án này sẽ được triển khai vào năm 2013 - 2014.
Về vấn đề cổ tức, DPM cam kết sẽ đảm bảo cổ tức 25% như kế hoạch và có thể xem xét nâng tỷ lệ cổ tức nếu như lợi nhuận cả năm 2012 được duy trì tốt.
Sau những kết quả rất ấn tượng trong 2 quý vừa qua, bà có thể cho biết về tình hình sản xuất - kinh doanh của DPM trong quý III?
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của DPM trong quý III dự kiến vẫn rất tốt. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành nông nghiệp, quý III là thấp vụ nên sản lượng bán hàng có giảm nhẹ. Hiện nay, lợi nhuận sau thuế lũy kế của 8 tháng ước đạt khoảng 2.300 tỷ đồng.