Tín dụng tăng nóng, ngân hàng lo thiếu dư địa triển khai hỗ trợ lãi suất
Theo Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, tính đến hết tháng 6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35%, gấp rưỡi cùng kỳ năm ngoái (chỉ tăng khoảng 6%). Trong khi đó, huy động vốn đạt 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với đầu năm (cùng kỳ tăng 4,09%).
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất nhấp nhổm tăng, gói hỗ trợ lãi suất 2% được các doanh nghiệp mong ngóng từng ngày. Nhiều doanh nghiệp cho biết, đã đề nghị với ngân hàng, song chưa được trả lời về việc có được hỗ trợ lãi suất hay không.
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đã lên tới 9,35%, nếu tín dụng tăng mạnh nữa là rất nguy hiểm. Khi lạm phát và lãi suất tăng cao, thì mọi thành tích đạt được thời gian qua có nguy cơ quay lại số không.
- Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank
Ông Phạm Huy Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay, thời gian qua, các ngân hàng thương mại quá thận trọng trong triển khai, nên gói hỗ trợ lãi suất chưa đến được nhiều doanh nghiệp. Một số ngân hàng hạn chế room tín dụng khiến tiến độ giải ngân gói vay ưu đãi cũng chậm hơn.
Ông Hùng kiến nghị, quy trình xét duyệt của ngân hàng thương mại về gói hỗ trợ lãi suất cần được đẩy nhanh hơn nữa, tránh tình trạng như gói hỗ trợ người lao động thuê nhà, 6 tháng mới giải ngân được 1%. Đồng thời, điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất quá khắt khe, có tình trạng các ngân hàng, các chi nhánh khác nhau có cách hiểu khác nhau.
Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, tín dụng 6 tháng đầu năm tăng rất mạnh khiến room tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm không còn nhiều. Do đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% có nguy cơ triển khai chậm, vì chỉ áp dụng với các khoản giải ngân mới từ đầu năm nay.
Trước lo lắng của ngân hàng và doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú khẳng định, doanh số cho vay mới với các đối tượng được cho vay hỗ trợ lãi suất từ đầu năm đến nay đã lên tới 2,8 triệu tỷ đồng, đồng nghĩa các khoản lãi phải trả của doanh nghiệp không phải là ít. Dù Nghị định hướng dẫn gói hỗ trợ lãi suất mới được triển khai hơn một tháng, song lại áp dụng với các khoản vay từ đầu năm 2022, nên các ngân hàng không phải lo thiếu room hỗ trợ lãi suất, mà việc cần làm ngay bây giờ là hoàn thiện cơ chế cho vay nội bộ để triển khai hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.
Liên quan đến room tín dụng, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho hay, room tín dụng mà NHNN cấp cho Agribank năm nay là 7%. Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng 6%, chỉ còn dư địa 1% cho 6 tháng cuối năm. Mặc dù vậy, ông Ấn vẫn bày tỏ mong muốn NHNN tiếp tục kiểm soát tín dụng chặt chẽ 6 tháng cuối năm, bởi nếu tăng trưởng tín dụng quá cao trong khi huy động vốn tăng chậm, các ngân hàng sẽ chạy đua lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và lạm phát tăng cao.
Gỡ vướng cho ngân hàng, song sẽ không “chiều lòng” room tín dụng
Bên cạnh room tín dụng, vấn đề mà nhiều ngân hàng băn khoăn khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% là đối tượng triển khai chưa rõ ràng, nguy cơ không được quyết toán vẫn tiềm ẩn. Lãnh đạo TPBank cho hay, ngân hàng này còn một số khoản hỗ trợ lãi suất từ năm 2010-2011 không thể quyết toán, phải ghi nhận vào tổn thất.
Cũng rơi vào cảnh tương tự, Agribank còn băn khoăn về việc thủ tục quyết toán có báo cáo doanh nghiệp được kiểm toán và báo cáo thuế của doanh nghiệp, nhưng trong trường hợp 2 báo cáo này không trùng khớp, ngân hàng thương mại chưa biết xử lý ra sao. Chưa kể, với các khách hàng ở khu vực nông thôn, hồ sơ chứng từ đầu vào (hóa đơn đỏ) là vấn đề không dễ dàng và đây sẽ là các vướng mắc của ngân hàng khi thực hiện kiểm toán.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với NHNN thiết kế các quy định rõ ràng về quy trình xây dựng dự toán, thanh quyết toán, hạn chế vướng mắc, đảm bảo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại thực hiện. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đợt này có thêm quy định về kiểm toán hàng năm, về thẩm định của NHNN và các cơ quan chức năng.
Liên quan tới đối tượng triển khai gói hỗ trợ lãi suất, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, đối tượng được hỗ trợ lãi suất phải đảm bảo 2 điều kiện: có ngành nghề đăng ký kinh doanh thuộc 9 ngành nghề quy định trong Nghị định 31/2022/NĐ-CP; mục đích vay vốn cũng để phục vụ 9 nhóm ngành nghề này, ngoài việc đáp ứng các điều kiện vay vốn thông thường.
Về room tín dụng cho các ngân hàng, lãnh đạo NHNN cho biết, cuối tuần sau, NHNN sẽ tổ chức hội nghị toàn ngành triển khai nhiệm vụ cuối năm, trong đó đưa ra định hướng về tăng trưởng tín dụng 6 tháng. Nhiều chuyên gia cho rằng, với áp lực lạm phát tăng nhanh, NHNN sẽ không nới mạnh room tín dụng cho các ngân hàng. Tín dụng năm nay chỉ tăng khoảng 15%, đồng nghĩa chỉ một số ngân hàng được nới room.