Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong hợp tác phát triển nông nghiệp. Ảnh: Đức Thanh
Những tín hiệu vui
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay, một số nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản đã sang làm việc với Viện, nhờ kết nối để sản xuất các loại rau, lúa đặc sản tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu ngược sang các thị trường này.
Thực tế, vài năm gần đây, nhằm đón đầu các hiệp định thương mại tự do sẽ được ký kết và có hiệu lực, rất nhiều nhà đầu tư đến từ nhiều nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp… đã đổ bộ sang nước ta để tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, nhiều nhất là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
Tháng 4/2015, Tập đoàn Showa Denko (Nhật Bản) đã quyết định đầu tư 1 triệu USD xây dựng nhà máy rau sạch tại tỉnh Hà Nam bằng công nghệ đèn led - công nghệ giúp rau tăng trưởng nhanh gấp 2,5 lần so với trồng trong ánh sáng thường. Hiện Showa Denko đã có 21 nhà máy trồng rau sạch theo công nghệ đèn led tại Nhật Bản.
Trước đó, Tập đoàn ISE Food (cũng đến từ Nhật Bản) đã bày tỏ mong muốn được hợp tác chuyển giao kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng hiệu quả cao tại TP.HCM.
Xem ra, thành công của một số mô hình như làng Thần kỳ kiểu Nhật (liên doanh Việt Nam - Nhật Bản) hay mô hình sản xuất hoa của Công ty Jadin (Nhật Bản) đã kích thích nhiều nhà đầu tư Nhật Bản mạnh dạn đổ vốn vào nông nghiệp Việt Nam.
Lâm Đồng là địa phương được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhất. Toàn tỉnh có hơn 100 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thì có tới hơn 61% là dự án nông nghiệp. Hiện tại, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang hỗ trợ Lâm Đồng xây dựng Cụm công nghiệp nông nghiệp.
Ông Yamamoto Kenichi, Phó đại diện Văn phòng JICA cho biết, ý tưởng này nhận được sự quan tâm, mong muốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Một trong những mục đích của JICA là giúp Lâm Đồng hình thành cụm công nghiệp nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu sang Nhật Bản.
Không chỉ thị trường Nhật Bản, mà FTA Việt Nam - Hàn Quốc vừa được ký kết cũng sẽ tạo một luồng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam. Hiện tại, Tập đoàn KRC của Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo KRC khẳng định, mục tiêu của KRC là kéo hàng loạt doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, theo mô hình các chuỗi liên kết.
Ngoài ra, việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp ký kết, cùng với hàng loạt FTA khác đã có hiệu lực được kỳ vọng sẽ khiến vốn FDI vào nông nghiệp khởi sắc thời gian tới.
Chuẩn bị chậm sẽ lỡ sóng
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 5/2015, cả nước có 530 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 3,7 tỷ USD (chiếm 2,9% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư của cả nước).
Quy mô vốn bình quân của dự án trong ngành nông nghiệp là 7 triệu USD/dự án. Con số này hầu như không đổi từ nhiều năm nay. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2015, cả nước chỉ có thêm 2 dự án FDI mới trong lĩnh vực này, với số vốn đăng ký cấp mới là 0,43 triệu USD. Như vậy, thu hút vốn FDI vừa ít, vừa chậm và nếu không có giải pháp đột phá, thì tình trạng này sẽ còn kéo dài.
Hiện nay, cả các địa phương, doanh nghiệp và nông dân đều rất lúng túng trong việc mời gọi đầu tư hoặc thúc đẩy liên doanh, liên kết với doanh nghiệp FDI. Theo TS. Đào Thế Anh, nếu không nhanh chóng đổi mới phương thức hoạt động để tiếp nhận được quan tâm của các doanh nghiệp FDI, thì nông nghiệp nước ta sẽ có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội. Trong khi đó, các nước trong khu vực cũng đang tăng cường gọi vốn FDI vào nông nghiệp.
Được biết, để tạo đột phá, Bộ NN&PTNT được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án “Tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến 2030”. Dù đã được đưa ra lấy ý kiến tham vấn các bên hơn một năm, song đến nay, Đề án vẫn chưa được trình Chính phủ.
Theo mục tiêu ban đầu, tổng vốn FDI vào ngành nông nghiệp được kỳ vọng nâng lên mức 4,5 tỷ USD vào năm 2020 và 6 tỷ USD vào năm 2030. Đồng thời, nâng tỷ trọng vốn đầu tư FDI trong nông nghiệp trên tổng vốn đầu tư FDI trong toàn bộ nền kinh tế lên mức 4 - 5% sau năm 2020.
Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Nông nghiệp Việt Nam là ngành có nhiều tiềm năng phát triển và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhà đầu tư từ các nước này đang rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đã đến làm việc với Bộ NN&PTNT để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đây là một tín hiệu đáng mừng”.
Cũng theo ông Long, định hướng ưu tiên thu hút FDI vào nông nghiệp Việt Nam là gọi vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đây cũng là một cách để tiếp tục hút vốn ngoại vào nông nghiệp.