Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ)
Rất nhiều vụ tham nhũng có liên quan tới khu vực tư, song đối tượng ngoài nhà nước mà Luật PCTN điều chỉnh lại rất ít. Thưa ông, làm sao chống được tham nhũng ở khu vực này?
Theo quy định, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập, phê duyệt điều lệ, có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện phải áp dụng các biện pháp PCTN.
Quy định này không chỉ để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, mà đây là việc tiếp tục thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về PCTN trong giai đoạn mới.
Việc mở rộng phạm vi PCTN ra ngoài khu vực nhà nước còn nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, bảo đảm mọi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật. Bởi nếu có hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước, như đưa hối lộ, môi giới hối lộ để các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình thuận lợi hơn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của doanh nghiệp khác, tổ chức khác.
Theo quy định, công ty cổ phần có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên đã chào bán cổ phiếu ra công chúng, hoặc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, hoặc cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu được coi là công ty đại chúng. Như vậy, đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật đối với khu vực doanh nghiệp không ít. Đó là chưa kể hàng chục ngàn tổ chức tín dụng (ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính…) cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.
Nhưng so với số lượng doanh nghiệp, cơ sở hoạt động sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã, thì đối tượng điều chỉnh của luật còn chưa nhiều, thưa ông?
Phải hiểu chống tham nhũng là chống toàn diện cả khu vực nhà nước lẫn khu vực tư, cả doanh nghiệp, tổ chức lẫn cá nhân, chứ không có sự phân biệt nào. Các đối tượng kể trên được luật hóa cụ thể trong Luật PCTN là nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Cụ thể, tổ chức tín dụng, công ty đại chúng và một số tổ chức xã hội phải thực hiện các nguyên tắc, nội dung, hình thức, trách nhiệm về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động theo Luật PCTN. Ngoài ra, tổ chức tín dụng, công ty đại chúng và một số tổ chức xã hội còn phải thực hiện các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; trách nhiệm, xử lý đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình quản lý, phụ trách.
Đây là các biện pháp nhằm phòng ngừa tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước có ảnh hưởng đến nhiều người, còn để chống tham nhũng thì tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng đều bị xử lý.
Làm sao có thể phòng ngừa được tham nhũng khi những người giữ chức vụ, quyền hạn có thể tham nhũng ở công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội lại không phải kê khai tài sản, thu nhập?
Không yêu cầu những người có chức vụ, quyền hạn đối với khu vực ngoài nhà nước phải kê khai tài sản, thu nhập vì bắt buộc kê khai tài sản không khả thi do họ có nhiều nguồn thu nhập khác nhau và khối lượng tài sản biến động liên tục theo thị trường. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do người nước ngoài quản lý, pháp luật Việt Nam không thể và cũng không có quyền yêu cầu người nước ngoài kê khai tài sản của họ cũng như vợ, chồng, con chưa thành niên tại nước ngoài.
Tuy không phải kê khai tài sản, thu nhập, nhưng chúng ta vẫn có công cụ để phát hiện, xử lý nếu công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội để xảy ra tham nhũng, như khi có dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm các nguyên tắc, nội dung, hình thức, trách nhiệm về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; vi phạm các nguyên tắc trong kiểm soát xung đột lợi ích thì Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh sẽ tiến hành thanh tra. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện hành vi tham nhũng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý, thậm chí là truy tố nếu vi phạm hình sự.
Luật không quy định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức cá nhân khác. Liệu đây có phải là lỗ hổng trong công tác chống tham nhũng, thưa ông?
Không bắt buộc phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội, nhưng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác phải xây dựng quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Ngoài ra, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề sẽ giám sát việc chấp hành pháp luật về PCTN của các thành viên, hội viên.
Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước nếu cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì chưa có chế tài xử lý. Vì vậy, để ngăn chặn hành vi tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước, chúng tôi sẽ xây dựng nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với các loại vi phạm này.