Nuôi bộ máy cồng kềnh, khó tăng vốn cho đầu tư
Trong khi nhìn nhận mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% trong năm 2019 mà Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét thông qua là khả thi, nhiều đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, việc duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP cao đang đối mặt với thách thức khi khó tăng vốn chi cho đầu tư phát triển vì chi thường xuyên vẫn lớn.
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thăng (Hải Dương), qua nghiên cứu Báo cáo thẩm tra sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy những tín hiệu đáng mừng như cơ cấu chi ngân sách nhà nước chuyển dịch theo chiều hướng tích cực:
Giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách... Tuy nhiên, sự chuyển dịch chưa mạnh mẽ, tỷ trọng chi thường xuyên còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi ngân sách.
Con số này thực hiện trong năm 2017 là 64,68%, dự toán năm 2018 là 64,11%, trong khi chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 26,2%. Tỷ lệ chi thường xuyên lớn do tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối…
Cùng mối lo trên, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, trong 3 năm qua, việc giải ngân cho đầu tư phát triển chưa năm nào đạt mục tiêu và cần làm rõ nguyên nhân. Ông cho rằng, việc này đã làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, việc cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước còn cao: Số thực hiện năm 2017 là 64,68%, ước thực hiện năm 2018 là 63,29%.
“Về chi thường xuyên trong năm 2019, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, có kế hoạch, biện pháp thực hành tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị…”, ông Hải nhấn mạnh.
Để có thêm nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển, ngoài cắt giảm chi thường xuyên, các đại biểu Quốc hội còn đề xuất Chính phủ cần có giải pháp huy động nguồn lực trong dân.
“Điều tôi quan tâm là nguồn lực trong nhân dân còn rất lớn. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để khơi thông nguồn vốn này như xây dựng cơ chế hợp tác công - tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… bước đầu mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều giải pháp được đưa ra còn chứa đựng những rủi ro lớn về chính sách pháp luật như các công trình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (BT, BOT, BO) đang khiến nhà đầu tư quan ngại và cũng gây lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đủ để khơi thông dòng vốn này, phục vụ có hiệu quả cho phát triển đất nước…”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) đề xuất.
Cần gỡ khó cho doanh nghiệp
Khu vực doanh nghiệp là "đầu tàu", có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, nên việc doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ tác động không tích cực đến nỗ lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cả về lượng và chất.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho hay, trong 9 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới tăng thấp, chỉ đạt 2,8%, trong khi cùng kỳ tăng 15,4%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 48,1%, trong khi cùng kỳ tăng 9,4%; số doanh nghiệp giải thể tăng 32,1%, trong khi cùng kỳ tăng 4,4%.
"Trước thực trạng này, đề nghị Chính phủ trong năm 2019 cần tập trung nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời đánh giá lại hiệu quả của việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để có giải pháp giúp cho doanh nghiệp phát triển…", ông Tiến nói.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Sinh nhìn nhận, doanh nghiệp, doanh nhân đang phải đối mặt với rủi ro từ chính sách pháp luật. Doanh nghiệp thành lập nhiều, nhưng giải thể cũng nhiều không kém, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại lay lắt.
"Với thực trạng này, mục tiêu xây dựng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động thực chất vào năm 2020 khó đạt được. Vì vậy, nguyện vọng của cử tri là mong muốn Quốc hội, Chính phủ xây dựng một môi trường chính sách pháp luật ổn định, tôn trọng sự phát triển của quy luật kinh tế thị trường, hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo động lực để các doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh trong phát triển và hội nhập quốc tế", ông Sinh nói.
Để tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ cần quyết liệt và hiệu quả hơn trong cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn nữa cho doanh nghiệp.
“Đề nghị Chính phủ rốt ráo chỉ đạo cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh, phân cấp một số lĩnh vực để tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư nhanh chóng, nhất là việc phân bổ nguồn vốn", đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu.
Ông Phương cũng phản ánh, qua giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, nhiều doanh nghiệp cho biết, hầu hết các dự án đều mất rất nhiều thời gian chờ đợi vốn vì phải qua nhiều trung gian, qua nhiều bộ.
Trong bộ có nhiều cục, trong cục lại có các phòng ban và cá nhân phụ trách. Chính vì có quá nhiều tầng lớp như vậy nên nguồn vốn đến được doanh nghiệp rất chậm trễ, thậm chí có những dự án điều chỉnh một vấn đề nhỏ, nhưng phải mất hàng năm mới thực hiện được...”, .
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng bày tỏ quan điểm, tuy có những chuyển biến bước đầu, nhưng cải cách hành chính vẫn còn chồng chéo, tạo ra các rào cản đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này cộng với sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các bộ ngành, địa phương còn bất cập, nên khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn, phiền hà khi trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ, quyền lợi, kiến nghị của mình...
Nên thành lập Trung tâm hành chính công của Chính phủ
Nhiều tỉnh đã thành lập trung tâm hành chính công, làm tốt công việc một cửa, một cửa liên thông. Song, tôi cũng nhận thấy việc này chưa thật liên thông giữa trung ương, bộ ngành với địa phương.
Thời gian qua, việc cấp phép cho doanh nghiệp thành lập và đi vào hoạt động thuộc thẩm quyền của bộ, ngành vẫn còn chậm và kéo dài, sự phối hợp giữa các bộ chưa chặt chẽ. Có dự án của địa phương trình lên cấp bộ hàng năm vẫn chưa được giải quyết và trả lời, ví dụ như dự án điện rác ở Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Do vậy, đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành khắc phục vấn đề này. Theo tôi, nên thành lập Trung tâm hành chính công của Chính phủ để công tác cải cách thủ tục hành chính được thống nhất, nhanh gọn, hiệu quả.
Ông Cao Đình Thưởng,Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ
Cần có cơ chế đột phá, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân
Cần có cơ chế đột phá, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Việc này có ý nghĩa chính trị, chiến lược quan trọng. Đã có Nghị quyết 19, Nghị quyết 01, Nghị quyết 20 nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng cần xem lại thực thi và thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Nếu chỉ sửa vài câu chữ thì tính đơn giản hóa không đáng kể, sửa đổi theo hạ thấp điều kiện thì cơ bản không làm thay đổi môi trường kinh doanh.
Lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98,1%, là đối tượng chính tạo nguồn thu ngân sách, quyết định sự bền vững của phát triển kinh tế lại khó tiếp cận ưu đãi, đặc biệt là vốn.
Ông Nguyễn Như So, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam