Không gian phát triển sẽ mở hơn cho doanh nghiệp

Theo kết luận của Chính phủ, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch sẽ sớm được ban hành nhằm giúp triển khai công tác lập quy hoạch của thời kỳ 2021 - 2030. Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trao đổi về tầm quan trọng của việc ban hành Nghị định đối với các địa phương, cũng như kế hoạch phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Thưa ông, khi nào Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch sẽ được ban hành? Ý nghĩa của việc ban hành Nghị định đối với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp như thế nào?

Theo kết luận của Chính phủ, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch sẽ sớm được ban hành nhằm giúp triển khai công tác lập quy hoạch của thời kỳ 2021-2030. Việc ban hành nghị định này có nhiều ý nghĩa, nhưng theo tôi có 2 ý nghĩa quan trọng nhất.

Việc xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các địa phương nhằm xác định định hướng phát triển cho các địa phương, các ngành trong giai đoạn tới, giúp địa phương chủ động hơn và sớm hoàn thành được nhiệm vụ này theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch.

Việc định hướng phát triển cho các địa phương, cho các ngành ở một giai đoạn còn phục vụ việc xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Nghị định sớm được ban hành sẽ giúp các địa phương sớm nghiên cứu quy hoạch cho một giai đoạn phát triển, từ đó đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp các vấn đề phát triển trọng yếu để chuyển những định hướng đó thành quyết tâm chính trị cho tất cả các Đảng bộ trong thời gian tới.

Việc xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo Luật Quy hoạch là một vấn đề mới, vấn đề khó chưa có tiền lệ. Lần đầu tiên, chúng ta có một nghị định quy định chi tiết nội dung của tất cả các bản quy hoạch. Lần đầu tiên, chúng ta có một luật quy định những vấn đề về sự phát triển của các lãnh thổ và trách nhiệm công khai của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này theo góc độ tiếp cận của kinh tế thị trường.   

Hiện nay, các địa phương đang mong chờ nghị định hướng dẫn, trong khi doanh nghiệp đang mong chờ bản quy hoạch được phê duyệt của các địa phương để xây dựng chiến lược phát triển của mình. Các địa phương đều mong muốn, đều khát vọng có sự bứt phá về phát triển trong thời kỳ quy hoạch tới. Nếu Luật và Nghị định được tổ chức triển khai tốt sẽ giúp các địa phương thực hiện được khát vọng phát triển đó.

Khi bản quy hoạch được phê duyệt, các nhà đầu tư có thể chủ động xây dựng chiến lược phát triển của mình phù hợp với các quy định của Luật, với định hướng của Nhà nước. 

Việc ban hành Nghị định sẽ giúp giải quyết những vấn đề gì về quy hoạch hiện nay? Với việc tiếp cận mới theo hướng thị trường, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi gì?

Luật Quy hoạch giao Chính phủ hướng dẫn 13 vấn đề và Nghị định này có nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể 13 vấn đề đó. Đây là 13 vấn đề cần hướng dẫn nội dung chi tiết về quy trình, thủ tục. 

Trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành tập trung xây dựng hướng dẫn các vấn đề này một cách đầy đủ, chi tiết, cố gắng hạn chế hướng dẫn bằng các thông tư.

Luật Quy hoạch đưa ra trật tự trong quy hoạch, tạo nên sự đồng bộ, thống nhất. Để tạo ra sự thống nhất trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch địa phương, vùng và quy hoạch ngành, Điều 5 của Luật Quy hoạch đưa ra hệ thống quy hoạch quốc gia và Điều 6 quy định mối quan hệ giữa các quy hoạch của các cấp và của các loại quy hoạch.

Điều quan trọng nhất được Quốc hội đánh giá rất cao khi thông qua Luật Quy hoạch là cách tiếp cận quy hoạch theo nền kinh tế thị trường. Với tinh thần đó, Luật Quy hoạch đã loại bỏ quy hoạch sản phẩm, quy định về trách nhiệm, công khai cung cấp thông tin, do đó sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.

Bản quy hoạch tới đây không còn là quy hoạch chỉ tiêu theo kinh tế tập trung trước đây, mà là quy hoạch lãnh thổ, nghĩa là tổ chức không gian phát triển cho lãnh thổ như thế nào để đảm bảo phát triển bền vững và những vấn đề gì thuộc kinh tế thị trường thì Nhà nước không quy định trong bản quy hoạch.

Trong bản quy hoạch, Nhà nước đưa ra tư tưởng về định hướng phát triển lãnh thổ, đưa ra những khuyến nghị và tổ chức không gian phát triển đó. Điều đó có nghĩa là, bản quy hoạch quan tâm đến vấn đề về phát triển hạ tầng như thế nào, bảo vệ tài nguyên môi trường ra sao, sử dụng tài nguyên có hiệu quả.

Ví dụ, với một vùng phát triển nông nghiệp, bản quy hoạch đưa ra khuyến nghị người dân, doanh nghiệp phát triển loại gì, còn doanh nghiệp, người dân sẽ tự quyết định, Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng khi họ đi đúng hướng. Hay trong quy hoạch sân golf, Nhà nước chỉ quy định loại đất nào sẽ được làm sân golf, chứ không đưa ra quy định số lượng sân golf, mà nhà đầu tư sẽ là người đưa ra quyết định đó.

Việc thiếu nhất quán trong quá trình thực hiện luật vẫn là quan ngại của nhà đầu tư, doanh nghiệp bấy lâu nay. Để đảm bảo tính hiệu quả của việc thi hành Luật Quy hoạch, đâu sẽ là giải pháp, thưa ông?

Thực tế cho thấy, một số luật và nghị định có sự “vênh nhau” về mặt hướng dẫn. Tuy nhiên, Luật Quy hoạch không đưa ra các cơ chế chính sách, mà đưa ra định hướng phát triển và Nghị định sắp tới sẽ cụ thể hóa các vấn đề đó, nên sẽ không xảy ra tình trạng này. Trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo sự đồng thuận, tính thống nhất trong việc thực hiện trong thời gian tới.

Tin bài liên quan