Thưa bà, hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang mua lại cổ phần của các trung gian thanh toán trong nước, tỷ lệ lên tới 90%. Đây là lý do khiến NHNN đang nghiên cứu đưa ra quy định hạn chế room vốn ngoại ở lĩnh vực này. Quan điểm của bà ra sao?
Theo tôi, cái gì cũng có hai mặt. Thời gian qua, các tổ chức không phải ngân hàng muốn cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán ở Việt Nam đều phải được NHNN cấp phép. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các trung gian thanh toán này chưa được NHNN quy định cụ thể mà đang thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Động thái mới đây của NHNN (xem xét áp dụng room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài trong dự thảo sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt), có thể một phần do cơ quan quản lý thấy khó kiểm soát nếu để hoạt động mua bán, chuyển nhượng cổ phần trung gian thanh toán diễn ra tự do, trong khi hoạt động trung gian thanh toán là lĩnh vực có liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực ngân hàng (lĩnh vực có hạn chế sự tham gia sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài).
Ngoài ra, mục đích của NHNN cũng có thể nhằm bảo hộ các fintech Việt có quy mô vốn còn nhỏ và tạo sự cạnh tranh công bằng hơn giữa các công ty trong nước và nước ngoài.
Tiềm lực vốn của các trung gian thanh toán nước ta rất nhỏ bé trong khi phát triển thị trường này cần nguồn vốn lớn, đây là lý do các fintech Việt thích liên doanh với nhà đầu tư ngoại. Thế nhưng, thanh toán cũng là lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh tiền tệ nếu không kiểm soát được. Theo bà, việc các nhà đầu tư ngoại sở hữu chi phối ngày càng nhiều trung gian thanh toán là có lợi hay bất lợi?
Trong bối cảnh cách mạng 4.0, công nghệ thường đi nhanh hơn chính sách, không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực và trên thế giới cũng gặp phải vấn đề tương tự. Ở thời kỳ đầu phát triển, trung gian thanh toán -đa phần là các fintech khởi nghiệp mới chỉ có ý tưởng và công nghệ- rất cần bơm vốn để phát triển và mở rộng. Do đó Chính phủ các nước thường cho phép các công ty này không bị khống chế việc bán cổ phần, các nhà đầu tư ngoại được tự do rót vốn.
Chính các nhà đầu tư ngoại này đã mang tiền, công nghệ, kỹ năng quản trị và kinh nghiệm vào, giúp thị trường phát triển. Vì ngay tại thời điểm ban đầu, thị trường vẫn đang dò dẫm, người tiêu dùng chưa thấy cái lợi của trung gian thanh toán. Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại vốn có kinh nghiệm và nhìn thấy lợi ích to lớn ở thị trường này nên đã nhanh tay bỏ vốn vào mua các trung gian thanh toán trong nước.
Tại Việt Nam, mặt tích cực của việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường trung gian thanh toán thời gian qua là giúp thị trường này phát triển, giúp hệ thống ngân hàng có thêm cánh tay nối dài để tiếp cận và cung cấp các dịch vụ thanh toán mới cho khách hàng.
Tuy nhiên, khi thị trường trung gian thanh toán đã phát triển ở quy mô nhất định, có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán cũng như hoạt động ngân hàng thì cơ quan quản lý mới nhận thấy cần đưa ra một khung pháp lý phù hợp, trong đó có vấn đề đưa ra room sở hữu cho vốn ngoại để quản lý thị trường tốt hơn. Có thể nói, quyết định xem xét áp room vốn ngoại của NHNN là quyết định mang tính thời điểm trong bối cảnh hiện nay.
Hiện 70% người dân chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, trung gian thanh toán, các ví điện tử được kỳ vọng sẽ khỏa lấp bớt khoảng trống này. Tuy nhiên, nếu NHNN hạn chế room ngoại, sự phát triển của thị trường này có bị ảnh hưởng, thưa bà?
Theo quy định, tại Việt Nam hiện nay, tất cả tài khoản ví điện tử đều bắt buộc phải liên kết với tài khoản ngân hàng, việc nạp tiền vào Ví và rút tiền ra khỏi Ví đều phải thực hiện qua tài khoản của khách hàng. Chính vì vậy, nếu nói mục đích phát triển các ví điện tử để nhắm tới khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng (unbank) là không hợp lý.
Hơn nữa, việc thúc đẩy người dân sử dụng ví điện tử phải từ hai phía: người tiêu tiền và người nhận tiền. Ở nước ta hiện có hơn 20 công ty được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ ví điện tử nhưng giữa người dùng các ví chưa có sự liên thông, chưa tạo được hệ sinh thái dùng chung rộng rãi cho các ví và thị trường cũng chưa có ví điện tử nào có khả năng chi phối (ví dụ như Alipay hoặc WechatPay ở Trung Quốc). Đây có thể là những nguyên nhân chính khiến thị trường này chưa phát triển mạnh.
Chính vì vậy, để phát triển được người dùng ví điện tử đến các đối tượng unbank rất cần có sự hỗ trợ, tháo gỡ từ các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như sự đầu tư mở rộng tiện ích, điểm chấp nhận ví tới vùng nông thôn, miền núi của các doanh nghiệp.
Quay trở lại với vai trò của nhà đầu tư ngước ngoài trong phát triển thị trường trung gian thanh toán Việt Nam, theo tôi, bài toán đặt ra là đánh đổi, và NHNN cần cân nhắc mặt nào có lợi nhiều hơn để đưa ra quyết định hợp lý. Nếu không cho phép các nhà đầu tư ngoại được mua cổ phần sở hữu chi phối thì rủi ro an toàn tiền tệ và chủ quyền về không gian số sẽ thấp đi, nhưng có thể các nhà đầu tư ngoại sẽ dè dặt hơn trong việc tham gia thị trường Việt Nam. Theo đó, nguồn vốn đổ vào thị trường sẽ ít đi, khả năng thu hút khách hàng và mở rộng thị trường của các công ty trung gian thanh toán sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, dẫn đến sẽ có những tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cũng như việc thúc đẩy phổ cập tài chínhcủa Việt Nam.