Theo ông, việc Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP sẽ tác động ra sao đến tiến trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới?
Nghị định 34 là yêu cầu của thực tiễn trong quá trình xử lý nợ xấu mà Nghị định 53 đã phác thảo ra. Tinh thần cơ bản của Nghị định 53 là công ty VAMC thuộc NHNN mua nợ xấu từ các TCTD theo giá trị sổ sách. VAMC trả tiền bằng một trái phiếu đặc biệt.
Loại trái phiếu này có 2 đặc trưng. Thứ nhất, TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro trong 5 năm, tức là mỗi năm trích lập 20% của mệnh giá trái phiếu từ chi phí kinh doanh. Thứ hai, trái phiếu này chưa được tái cấp vốn hoặc làm thế chấp vay vốn NHNN thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Nghị định 53 đã phát huy tác dụng bước đầu, nhưng còn nhiều hạn chế.
Chẳng hạn như TCTD muốn lấy tiền ngay sau khi bán nợ xấu thì bằng cách nào? Họ muốn mua đứt bán đoạn nợ xấu ngay bây giờ theo giá thị trường thì sao? Vì thế, Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung một số điều sẽ đáp ứng các yêu cầu này. VAMC và TCTD sẽ thỏa thuận mua nợ xấu theo giá thị trường chứ không theo giá trị sổ sách. Đương nhiên giá thị trường mua bán nợ xấu được tham chiếu từ giá trị tài sản đảm bảo biến động theo thị trường.
Chắc chắn Nghị định 34 sẽ thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn, vì nó đáp ứng những yêu cầu rất thiết thực của thị trường. Thể hiện qua việc nó làm lưu động hóa nhanh hơn các tài sản đảm bảo, cũng có nghĩa là nó trả lại cho các TCTD lượng vốn huy động mà bấy lâu nay bất động trong các khoản vay.
Nhưng việc TCTD bán nợ xấu cho VAMC lâu nay được cho là giải pháp mua thời gian?
Nói “mua thời gian” thì có vẻ trừu tượng quá. Theo tôi, bán nợ xấu cho VAMC là cách mà các TCTD “tạm ứng lợi nhuận của tương lai để mua vắc xin chữa nợ xấu hiện tại”. Chẳng hạn như trích lập dự phòng rủi ro trên các trái phiếu mà các TCTD nắm giữ sau khi bán nợ xấu cho VAMC, thực chất làm giảm lợi nhuận từ hiện tại tới tương lai.
Ngay cả khi mua đứt bán đoạn nợ xấu theo giá thị trường thì họ cũng phải hạch toán ngay khoản lỗ do chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị thị trường của nợ xấu.
TS. Trương Văn Phước
Làm thế nào để xứ lý được khoản nợ xấu khổng lồ mà VAMC đã mua từ các TCTD?
Có hai giải pháp cơ bản mà theo tôi có thể xử lý được các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua. Trước hết, cần phân loại các tài sản đảm bảo mà VAMC đang nắm giữ để đưa ra bán trên thị trường.
Đồng thời, cần xây dựng một thị trường mua bán nợ có sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các tín hiệu phục hồi nền kinh tế là tương đối rõ sẽ tạo điều kiện để thị trường bất động sản có thể ấm nóng trở lại. Nhờ đó, sức cầu về tài sản đảm bảo sẽ tăng lên.
Vậy cần thêm giải pháp gì để có thể đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu, thưa ông?
Để có thể hoàn thiện hơn việc xử lý nợ xấu thì cùng với con đường độc đạo xử lý nợ xấu nói trên, cần thiết phải xây dựng được thị trường mua – bán nợ xấu, xây dựng pháp luật để cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia mua bán – nợ.
Điều này cũng không mâu thuẫn với việc mua nợ xấu của VAMC hay việc các TCTD đẩy mạnh siết nợ, cấn nợ, phát mãi tài sản, tăng trích lập dự phòng…
Trong cách chữa bệnh thì có nhiều loại thuốc khác nhau, nhưng trong điều kiện xử lý nợ xấu không dùng vốn ngân sách thì chúng ta phải thực hiện các giải pháp trên để có thể từng bước xử lý được nợ xấu.
Việc hình thành thị trường mua, bán nợ được đề cập, nhưng vẫn chưa được triển khai?
Theo tôi, bên cạnh những giải pháp xử lý nợ như thời gian vừa qua, cần phải xây dựng một hệ thống các văn bản, khuôn khổ pháp lý để tạo lập một thị trường mua - bán nợ gồm: những nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua – bán nợ theo nguyên tắc thỏa thuận, theo nguyên tắc giá cả thị trường. Từ đó, sẽ làm cho quá trình xử lý những khoản nợ xấu VAMC đã mua cũng như ngay các khoản nợ mà các TCTD chưa bán được cho VAMC sẽ có thêm các điều kiện thuận lợi để có thể xử lý nhanh hơn.
Đồng thời phải xây dựng nhiều chính sách khác để làm cho tài sản đảm bảo là thị trường bất động sản ấm dần lên. Từ đó, tạo cơ hội tốt để TCTD có thêm điều kiện để xử lý nợ xấu. Sự hồi phục của nền kinh tế, phục hồi của thị trường bất động sản cùng với những hoạt động khác trong nền kinh tế như: nhu cầu tín dụng tăng trưởng cao hơn, lạm phát được kiểm soát, lãi suất giảm dần… cũng sẽ giúp quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn.
Xử lý nợ xấu của ngân hàng kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường bất động sản?
Trên thực tế, nợ xấu của hệ thống ngân hàng được phân bổ ở nhiều lĩnh vực, chứ không phải tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản. Cần phải hiểu rõ vấn đề khi nói nợ xấu liên quan đến bất động sản đó chính là các tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản.
Đây mới là vấn đề lớn, chứ không phải nợ xấu liên quan đến các nhà kinh doanh, chủ đầu tư bất động sản. Nhưng xử lý nợ xấu khó khăn một phần do thị trường bất động sản khó khăn, nhất là các tài sản đảm bảo đó không có tính linh động và độ lưu động cao, hay nói cách khác là tính thanh khoản kém thì quá trình xử lý nợ xấu sẽ càng khó khăn hơn.
Nếu như bây giờ chúng ta thay đổi về chính sách nhà ở, nhà đất thì có thể tạo ra một môi trường để các nhu cầu của nhà đầu tư phát triển lên, tác động tích cực lên thị trường bất động sản.
Những lý do đó đã đặt ra câu chuyện cần khuyến khích thị trường bất động sản, dĩ nhiên bất cứ một thị trường nào phát triển cũng phải đặt ra chính sách đi kèm để ngăn ngừa rủi ro và các mặt tiêu cực của nó. Vì thế, việc Nhà nước đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển lành mạnh mà biểu hiện gần đây nhất là thay đổi hệ số rủi ro trong cho vay, giảm đáng kể từ mức 250% xuống còn 150% sẽ là độ mở đối với hoạt động tín dụng lĩnh vực này.
Rủi ro đối với tín dụng bất động sản luôn có, nhưng hiện rủi ro ở lĩnh vực này ít hơn so với trước đây nên tỷ lệ dự phòng mức rủi ro trong phân loại nợ đối với bất động sản cũng thấp xuống. Đây cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh bất động sản đã giảm giá mạnh thời gian qua và chúng ta đang khuyến khích thị trường phát triển một cách lành mạnh, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nhu cầu luân chuyển lượng tài sản lớn trong bất động sản.
Lãi suất ngân hàng cũng giảm mạnh so với 2 năm trước, điều này đã kích cầu sức mua đối với phân khúc nhà ở. Vì thế, các ngân hàng bắt đầu rộng cửa rót vốn cho cá nhân vay mua nhà bên cạnh gói 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 5%/năm của Chính phủ là động lực kích cầu sức mua bất động sản trong thời gian tới.
Mặt khác, các quy định khi cho phép người nước ngoài được mua nhà, đất tại Việt Nam… là để xử lý bài toán thị trường bất động sản nói chung. Cùng với việc phục hồi của thị trường bất động sản, các thủ tục pháp lý dần được cải tiến, rút ngắn, thu gọn thì tôi cho rằng, quá trình xử lý nợ xấu sẽ có điều kiện đẩy nhanh tiến độ.