Chủ thể giao dịch
Quy định về mở tài khoản theo Thông tư số 23/2014/TT-NHNN (sửa đổi theo Thông tư số 32/2016/TT-NHNN), hay về cho vay theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN cũng không thể làm khác hơn là loại bỏ các tổ chức không có tư cách pháp nhân nêu trên khỏi đối tượng khách hàng sử dụng tài khoản và vay vốn ngân hàng.
Việc xác định lại chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự nói chung, quan hệ hợp đồng nói riêng như trên là hoàn toàn chính xác và cần thiết.
Vì đã là chủ thể tham gia giao dịch, nếu không phải là một cá nhân, một con người cụ thể bằng xương, bằng thịt, thì chỉ có thể là pháp nhân, tức là con người pháp lý.
Mọi chủ thể, nếu không có tư cách pháp nhân, không được pháp luật thừa nhận là một thực thể pháp lý hợp pháp, thì chỉ có thể giao dịch với tư cách của một, hoặc một số cá nhân.
Vướng mắc liên quan
Tuy nhiên, nguyên lý đúng đắn này lại mới chỉ bắt đầu thay đổi trong một bộ luật, trong khi các chủ thể trên còn được ghi nhận tại trên 40 đạo luật, liên quan đến nhiều quan hệ pháp luật khác thì không thể nói thay hay bỏ được ngay, đặc biệt là khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực (từ ngày 1/1/2017).
Hộ gia đình, đang gắn liền với hàng chục triệu hộ sử dụng đất đã và đang được cấp "sổ đỏ" theo 3 Luật Đất đai năm 1987, 2003 và 2013.
Quyền sử dụng đất được Nhà nước công nhận cấp cho hộ gia đình, vậy sao có thể nói đơn giản là không giao dịch với hộ gia đình?
Chính vì vậy, Điều 101 Bộ luật Dân sự đã quy định: Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Hộ kinh doanh tuy không còn được công nhận trong Bộ luật Dân sự 2015, nhưng vẫn đang hiện diện tại Luật Doanh nghiệp 2014, được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đang ký hộ kinh doanh. Do vậy, dù chỉ giao kết với tư cách cá nhân thì vẫn không thể bỏ qua tư cách của một chủ thể kinh doanh hợp pháp, nhất là hộ kinh doanh có từ 2 cá nhân trở lên.
Tổ hợp tác, tuy hiện nay không còn được ghi nhận là một chủ thể trong Luật Hợp tác xã 2012 và Bộ luật Dân sự 2015, nhưng vẫn đang tồn tại trên thực tế và được đề cập trong ít nhất 5 đạo luật hiện hành.
Doanh nghiệp tư nhân tuy chưa bao giờ được quy định cụ thể trong cả 3 Bộ luật Dân sự, nhưng lại được quy định là một chủ thể rất rõ ràng trong tất cả các Luật Doanh nghiệp. Chủ thể này không phải là pháp nhân, nhưng cũng không thể chỉ là một cá nhân tham gia giao dịch như thông thường.
Ngoài ra, còn nhiều tổ chức khác không phải là pháp nhân, nhưng cũng không đơn thuần hoạt động và giao dịch với tư cách cá nhân. Ví dụ, nhà chùa theo Pháp lệnh Tôn giáo 2004, nhà trẻ theo Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi năm 2009), chi đoàn theo Luật Thanh niên 2005...
Thậm chí, có một số quy định cho phép kết hợp chủ thể pháp nhân như liên danh nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2013.
Phương án giải quyết
Muốn hay không muốn, hiện nay, các tổ chức trên vẫn cứ là chủ thể trong các quan hệ pháp luật lao động (người sử dụng lao động), doanh nghiệp (chủ thể kinh doanh), đầu tư (nhà đầu tư), đất đai (người sử dụng đất), ngân hàng (hộ gia đình vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội), tài chính-kế toán (chủ thể nộp thuế và kế toán)...
Vì vậy, cần phải song hành thừa nhận, chấp nhận đó là thời kỳ chuyển đổi pháp luật. Do đó, vẫn cần ghi nhận hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và các chủ thể tương tự bên cạnh chủ thể cá nhân trong các giao dịch dân sự, kinh tế, ngân hàng. Kể cả sau này, có thể loại bỏ tất cả chủ thể hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác ra khỏi các đạo luật, nhưng vẫn không thể bỏ chủ thể doanh nghiệp tư nhân.
Thời gian đòi hỏi để sửa chữa một quy định sai lầm ít nhất bằng với thời gian nó đã được thực thi. Điều đó có nghĩa là, nếu như ngay bây giờ xoá bỏ hết các quy định pháp luật liên quan đến hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác..., thì cũng phải mất vài chục năm nữa mới có thể giải quyết xong cơ bản hậu quả pháp lý liên quan. Chẳng hạn, 50 năm nữa vẫn phải xử lý hợp đồng mua bán nhà đất đã ghi nhận quyền sở hữu của hộ gia đình.
Do đó, rất cần phải có các quy định và hướng dẫn xử lý các vấn đề về chủ thể giao dịch nêu trên để tránh khó khăn, vướng mắc, ách tắc, thậm chí vô hiệu các giao dịch kinh doanh của ngân hàng nói riêng và dân sự nói chung.