Room tín dụng được nới, nhưng điều kiện vay vốn của các ngân hàng vẫn chặt chẽ

Room tín dụng được nới, nhưng điều kiện vay vốn của các ngân hàng vẫn chặt chẽ

Không dễ tiếp cận vốn giá rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay, song để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ cuối năm không hẳn là điều dễ dàng đối với doanh nghiệp, nhất là gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Vốn rẻ dành cho doanh nghiệp khỏe

Đến nay đã có hơn 20 ngân hàng giảm lãi suất, ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp từ 1,5 - 3%/năm so với lãi suất thông thường, song vốn rẻ chỉ được ngân hàng dành cho khách hàng “khỏe” ở lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh.

Chẳng hạn, TPBank giảm 1,5 - 2,5%/năm lãi suất cho vay gói tín dụng 5.000 tỷ đồng, trong đó dành 2.000 tỷ đồng ưu tiên các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, xuất khẩu, phát triển xanh, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, khách hàng có sử dụng đa dịch vụ của Ngân hàng.

Từ nay đến ngày 31/3/2023, KienlongBank triển khai chính sách cho vay ưu đãi có tổng hạn mức 2.000 tỷ đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng dành hạn mức 500 tỷ đồng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, xuất nhập khẩu ký hợp đồng tín dụng mới, với lãi suất giảm 1 - 2%/năm và miễn phí trả nợ trước hạn.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản sẽ được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thông qua thị trường mở (OMO), cho vay tái cấp vốn, hoán đổi ngoại tệ...

“Đây là chỉ đạo, chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo Ngân hàng Nhà nước để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ”, ông Tú nhấn mạnh.

Thế nhưng, để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm không hẳn dễ dàng đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu tài sản thế chấp.

Bà Lan Uyên, tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản ở Đồng Nai cho biết, doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, nhất là vốn vay ưu đãi lãi suất. Vì thế, doanh nghiệp phải xoay xở trong khả năng nguồn vốn tự có để hoàn tất các đơn hàng đã nhận trong mùa kinh doanh cuối năm.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất do không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Có những hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì chính quyền địa phương chưa quy định mức thu nhập thấp trên địa bàn. Có hợp tác xã đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng không có hóa đơn giá trị gia tăng theo yêu cầu của Bộ Tài chính, mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, hợp đồng mua bán.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã nới thêm 1 - 2% room tín dụng, nâng tổng room tín dụng năm 2022 lên 15 - 16%/năm, tạo dư địa để đưa thêm một lượng vốn khoảng 200.000 tỷ đồng vào nền kinh tế.

TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tuy được nới room tín dụng, song các ngân hàng phải tìm doanh nghiệp tốt để cho vay. Với các doanh nghiệp tốt, nhiều ngân hàng muốn cấp tín dụng. Vốn tín dụng không hề thiếu.

Cần nới điều kiện ưu đãi lãi suất 2%

Lãi suất ưu đãi chủ yếu dành cho các doanh nghiệp “khỏe”.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2022, tức sau hơn nửa năm thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, các ngân hàng thương mại mới giải ngân được gần 21.000 tỷ đồng, số tiền thực hiện hỗ trợ lãi suất gần 45 tỷ đồng.

Trước đó, ngành ngân hàng dự kiến dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm 2022, với số tiền lãi hỗ trợ khoảng 16.035 tỷ đồng, trong tổng số 40.000 tỷ đồng từ ngân sách cho 2 năm 2022 - 2023. Sang năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là rất tốt, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý. Nguồn vốn hỗ trợ là tiền của ngân sách, rủi ro bị truy cứu trách nhiệm ở mức cao nếu có sai sót, nên các ngân hàng thương mại rất ngại triển khai, ngay cả người vay cũng thận trọng, vì sợ sau này sẽ bị thanh tra, kiểm tra. Trong khi đó, bản thân gói hỗ trợ lãi suất 2% không tạo nên động lực thực thi, vì lợi ích dành cho các ngân hàng thương mại nhỏ, nhưng trách nhiệm lại cao.

Với doanh nghiệp, không phải lĩnh vực nào cũng có thể tiếp cận được gói vốn này. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vietravel, Ngân hàng Nhà nước thiết kế chính sách tín dụng cho doanh nghiệp trước và sau dịch Covid-19 hiện chưa có nhiều khác biệt. Ông Kỳ kiến nghị sửa đổi tiêu chí, điều kiện cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp đều gặp khó khăn nên rất khó đáp ứng được các điều kiện cho vay mà các ngân hàng áp dụng giống như dành cho doanh nghiệp khỏe. Hiện chưa có doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ nào được hỗ trợ lãi suất 2%, dù ngành này đang thiếu vốn trầm trọng.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, sức ép tài chính với doanh nghiệp rất lớn nên việc bảo đảm nguồn vốn từ nay đến cuối năm và giai đoạn sau này rất quan trọng. Chính phủ cần đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khai thông gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Theo phân tích của giới chuyên gia tài chính, ngay khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đã nhìn thấy một số khó khăn nhất định như đối tượng vay vốn phải có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính nhìn nhận, ngân hàng có khó khăn là làm thế nào để đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp, việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp với các bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, có những hạn chế trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ông Đôn cho hay, qua thông tin khảo sát và nắm bắt thông tin, chính doanh nghiệp cũng có tâm lý e ngại khi tiếp cận nguồn vốn này. E ngại vì sau này sẽ bị thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, có ngành nghề được vay, có ngành nghề lại không, dẫn tới những doanh nghiệp đa ngành nghề phải thực hiện bóc tách cũng là vấn đề khó. Phía cơ quan nhà nước cũng có rủi ro nhất định, nhất là việc hướng dẫn triển khai chính sách như thế nào cho đúng, bởi sau này cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ thanh tra, kiểm tra.

Tin bài liên quan