Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Phổi trung ương.
Với hàng chục bệnh viện, cơ sở y tế bị cách ly vì có ca bệnh Covid-19 chỉ trong một thời gian ngắn, theo chuyên gia cần cắt đứt sự gia tăng các cơ sở y tế trở thành ổ dịch bởi nếu tiếp diễn sẽ gây ra nhiều hệ luỵ.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã có 3 ca bệnh Covid-19, đều là cán bộ, bác sĩ của Phòng Chỉ đạo chương trình.
GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương thừa nhận, trong quá trình rà soát, bệnh viện có để lọt trường hợp thứ 3 mắc Covid-19 là F1, chứ không phải F2 như đánh giá ban đầu. Do đó, bệnh viện thông báo với địa phương (nơi ở của ca bệnh) chậm 2 ngày.
Hiện, toàn bộ cán bộ trong Phòng Chỉ đạo chương trình đều được coi là F1, gửi về địa phương để đi cách ly tập trung. Bệnh viện Phổi trung ương cũng xét nghiệm lại toàn bộ các khu vực nguy cơ cao.
Hiện nay, 176 mẫu xét nghiệm nguy cơ cao nhất đã cho kết quả âm tính, bao gồm các trường hợp của Phòng Chỉ đạo chương trình, Khoa Vi sinh và một số trường hợp có tiền sử tiếp xúc. Các trường hợp F2 cũng có kết quả xét nghiệm âm tính.
Để phòng chống dịch, Bệnh viện Phổi Trung ương hạn chế tiếp nhận đến khám, chữa bệnh (hiện chỉ khoảng 20 bệnh nhân đến khám); hạn chế nhận bệnh nhân chuyển tuyến, chuyển viện; dừng hoạt động khám ngoài giờ, khám theo yêu cầu, khám thứ Bảy, Chủ nhật. Bệnh viện vẫn tiếp tục nhận bệnh nhân cấp cứu và khám chuyên môn và tăng cường khám trực tuyến.
Trước thực tế tại Bệnh viện Phổi trung ương, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Phổi Trung ương phải đặt cảnh báo ở mức độ cao nhất, rà soát các kịch bản tình về huống trong bệnh viện không dừng ở 3 ca bệnh, tiếp tục thực hiện xét nghiệm 3-5 ngày một lần cho cán bộ, nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và người nhà khu vực nguy cơ cao.
“Bệnh viện phải rất cảnh giác, yêu cầu các bệnh nhân Covid-19 khai báo kỹ càng, cụ thể để bảo toàn được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên”, ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đề nghị Bệnh viện Phổi Trung ương tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm cho cán bộ, nhân viên và người bệnh; quán triệt cán bộ bệnh viện thực hiện nghiêm các quy định chống dịch, thực hiện giãn cách trong các khoa phòng.
“Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành lao và các bệnh phổi của Bộ Y tế, do đó, công tác phòng, chống dịch phải được thực hiện nghiêm túc”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê khẳng định.
Là một trong 10 cơ sở y tế bị cách ly do có ca bệnh Covid-19 tới khám, Bệnh viện Đa khoa Medlatec chính thức tiếp nhận bệnh nhân tới khám và điều trị trong ngày hôm nay 18/5.
Trước đó, ngày 7/5/2021, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở 42-44 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội tạm dừng hoạt động và không tiếp nhận bệnh nhân tới khám.
Như vậy sau khi Bệnh viện Medlatec được hoạt động trở lại, vẫn còn nhiều cơ sở khác đang trong tình trạng cách ly như Bệnh viện Nhiệt đới cơ sở 2; Bệnh viện K; Bệnh viện Quân Y 105; Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng; Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên; Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc; Bệnh viện Da liễu Trung ương Quỳnh Lập; Bệnh viện Phổi Lạng Sơn và Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP Đà Nẵng).
Hai cơ sở y tế tư nhân bị xử phạt do không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 là Bệnh viện Hồng Ngọc cơ sở hai, Phòng khám đa khoa quốc tế Thu Cúc, Trần Duy Hưng, Hà Nội.
Để phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế, vừa qua Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên đánh giá bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống Covid-19 theo quy định.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí bệnh viện và phòng khám an toàn. Kiên quyết đóng cửa, tạm dừng hoạt động cũng cơ sở không đạt tiêu chuẩn; xem xét xử lý kỷ luật các cơ sở không chấp hành quy định.
Các cơ sở này, định kỳ xét nghiệm nhân viên làm việc ở khu vực sàng lọc, phân luồng, cách ly, cho người bệnh ở một số khoa, phòng có nguy cơ cao hoặc những người bệnh chịu ảnh hưởng nặng khi nhiễm Covid-19 gồm người bệnh tại khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm...
Về kê đơn thuốc, với người bệnh mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1-3 tháng, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạn chế chuyển tuyến, chỉ chuyển bệnh nhân tới bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện. Thông báo và thống nhất với bệnh viện tuyến cuối việc chuyển người bệnh đến trước khi chuyển tuyến.
Các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 khi cho bệnh nhân Covid-19 xuất viện phải thông báo cho Sở Y tế các tỉnh, TP nơi người bệnh cư trú để tiếp tục tổ chức quản lý, cách ly, theo dõi, xét nghiệm người bệnh, người nhà người bệnh theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, các biện pháp phòng hộ cá nhân, không đến các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm như ăn tiệc buffet, đến công viên giải trí, đến rạp chiếu phim, đến quán bar, karaoke...