Khung cảnh tan hoang ở khu vực nóc Ông Đề, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) sau vụ sạt lở cuối tháng 10/2020 vùi lấp nhiều hộ dân

Khung cảnh tan hoang ở khu vực nóc Ông Đề, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) sau vụ sạt lở cuối tháng 10/2020 vùi lấp nhiều hộ dân

Không để người dân sống dưới gầm thảm họa - Bài 1: Hiểm họa rình rập

0:00 / 0:00
0:00
Hơn 20 người đang trú mưa bất ngờ phi qua bên kia đường rồi, mặt người nào cũng cắt không ra giọt máu. Nửa quả đồi chảy sạt xuống úp trọn 6 căn nhà.

Lời Tòa soạn: Mùa mưa mới lại đến. Lũ lụt, sạt lở đất, biển lấn làng lại tái diễn khắp dải đất miền Trung. Thiệt hại sau mỗi đợt mưa lũ cứ chồng lên qua từng năm, gia tăng về số lượng, nặng nề về mức độ tàn phá. Thiên tai ập đến, khó lường, khó đoán định làm xơ xác nhiều vùng đất ở miền Trung. Phải làm gì để người dân không nơm nớp lo sợ sống dưới gầm thảm họa, để họ sống bình yên, an toàn trong ngôi nhà của mình, để họ gắn với quê hương, không phải ly tán...

Bài 1: Hiểm họa rình rập

Hơn 20 người đang trú mưa bất ngờ phi qua bên kia đường rồi, mặt người nào cũng cắt không ra giọt máu. Nửa quả đồi chảy sạt xuống úp trọn 6 căn nhà. May mà không có thiệt hại về người!

Hãi hùng hôm nay

Đó là cảnh tượng kinh hoàng được người dân ở thị trấn Tắc Pỏ, xã Trà Mai (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) kể lại sau khi trải qua giây phút đối diện với lằn ranh sinh tử vào cuối tháng 10/2021.

Ở Tắc Pỏ, đã qua bao mùa rẫy, không ai nghĩ đến chuyện sạt lở núi. Vậy nhưng, nó đã xảy ra, ngay trung tâm thị trấn và ngay cả những nơi mà chính quyền địa phương cũng không ngờ tới. Trước khi những cơn mưa nặng hạt kéo dài cuối tháng 10/2021 đổ xuống, chính quyền cũng chỉ phát đi cảnh báo, người dân cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất.

“Dân làng chúng tôi nghĩ là cảnh báo ở đâu đó thôi, chứ ngay tại thị trấn, sườn đồi cũng thấp, làm sao đến lượt mình. Nhưng điều khủng khiếp đó đã xảy ra, ngay trên đỉnh đầu hằng ngày vẫn nhìn về phía mặt trời, nghĩ đến mà tối thui mặt mày”, ông Nguyễn Văn Chung sống ở thị trấn Tắc Pỏ vẫn chưa quên được phút giây kinh hoàng đó.

“Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, nghe tiếng ầm, theo bản năng liền bật lên rồi lao ra đường để thoát thân. Định thần quay lại, thấy ngọn đồi đang sạt, rồi những ngôi nhà phía dưới biến mất”, ông Hà Đức Thịnh, người trú trong tiệm sửa xe máy thêm vào câu chuyện cả đời mới một lần chứng kiến.

Cảnh chạy thoát khỏi vụ sạt lở 6 nhà dân diễn ra ngày 24/10/2021 tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Cảnh chạy thoát khỏi vụ sạt lở 6 nhà dân diễn ra ngày 24/10/2021 tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Còn ở Quảng Ngãi, cũng vào thời điểm cuối tháng 10, nhiều vụ sạt lở đất đã xảy ra, khiến người dân vô cùng lo lắng.

“Chúng tôi nghe một vài âm thanh như tiếng róc tre thôi. Không nghĩ là vết nứt của đất, rồi hàng trăm khối đất đá từ sườn núi đổ ào xuống đường như thế. Xui xẻo cho anh này là đúng lúc đó đi ngang qua, cả người và xe bị đất vùi gần một nửa”, ông Hồ Văn Lâm, xã Trà Nham (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) kể lại vụ sạt lở đèo Eo Chim trên tuyến đường Trà Bồng - Tây Trà trong ngày 25/10 vừa qua.

“May là trời lúc đó đã tạnh mưa, người dân gần đó nhìn thấy sạt lở và người bị nạn, nên đã bới đất đá bò qua đến cứu người và xe ra ngoài”, bà Hồ Thị Thanh, cũng ở xã Trà Nham nói thêm.

Nạn nhân mà ông Hồ Văn Lâm nhắc đến là Hồ Long Nhật (16 tuổi, ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng). Nhật bàng hoàng nhớ lại: “Em đang đi công việc từ xã Trà Bình sang Trà Tân, mặc áo mưa đi qua đèo, gió to lắm, nên không nghe gì cả. Lúc đất đá đang sạt xuống, em nhìn thấy, cuống cuồng không biết chạy cho nhanh, đơ ra nhìn vậy rồi bị vùi sâu trong bùn đất”.

“Chiếc xe máy của nó (Hồ Long Nhật - PV) bị đất vùi chôn luôn, còn nó bị đất đẩy ra xa cả chục mét, may mắn sống sót”, ông Nguyễn Văn Trà (ngụ xã Trà Tân) thuật lại cuộc giải cứu. Nhìn tay chân trầy xước, nước da vốn đen sẵn, nay trở nên tím tái, chúng tôi hiểu, Nhật vừa trải qua một kiếp nạn.

“Đi đường miền núi mùa mưa bị sạt lở đã là nỗi ám ảnh kinh hoàng, nhưng còn có thể lý giải nguyên nhân được. Ở đây, ngay trung tâm thành phố, đang đi trên đường mà còn bị núi sạt lở, đất đá ào xuống “choảng” cho 3 người bị thương phải nhập viện cấp cứu”, bà Nguyễn Hoàng Thiên Ngân, nạn nhân trong vụ sạt lở núi Bà Hỏa (phường Lê Hồng Phong, TP. Quy Nhơn) thốt lên.

Ông Lê Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP. Quy Nhơn cho biết, sự việc xảy ra khoảng 7h45’ ngày 25/10/2021. Nhiều tảng đá từ núi Bà Hỏa ở độ cao khoảng 30 m đã sạt xuống đường Nguyễn Tất Thành. Thời điểm núi Bà Hỏa bị sạt lở, nhiều cán bộ, người dân đi lại qua khu vực nút giao thông ngã 5 Đống Đa bị đá văng trúng đã bị thương.

Thống kê sơ bộ trong đợt mưa lũ tại miền Trung từ ngày 18/10 đến ngày 25/10/2021, tại các địa bàn này đã có khoảng 20 người chết và mất tích; số làng mạc, khu dân cư bị cô lập do sạt lở rất lớn. Đợt mưa lũ cũng đã khiến hạ tầng giao thông tại các địa phương hư hỏng nghiêm trọng ở nhiều đoạn. Trong đó, Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định - Phú Yên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình chi chít ổ gà, ổ voi, còn đường sắt thì bị lũ cuốn nền đường, chỉ còn hệ thống ray, gỗ trơ ra như xương cá.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khá lo lắng khi đưa ra con số: “Có 93 điểm nguy cơ sạt lở tại địa phương đã được công bố rộng rãi đến người dân và yêu cầu địa phương tại chỗ không được quy hoạch bố trí dân cư ở các điểm này. Vì vậy, vào mùa mưa bão năm nay, đến thời điểm này, Quảng Nam chưa có thiệt hại về người do sạt lở đất. Tuy nhiên, qua những đợt mưa vừa rồi, hiểm họa khó nói trước”.

Ngậm ngùi hôm qua

Bồn chồn nhìn về phía những ngọn đồi từng bị sạt lở, trong đó có nóc Ông Đề, xã Trà Leng, Trà Vân, ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói: “Ở Nam Trà My, cứ đến mùa mưa lũ, cả lãnh đạo và người dân vùng sạt lở đều run. Gần chục năm trở lại đây, sạt lở nặng liên tiếp xảy ra ở nhiều địa bàn”.

Nhắc đến xã Trà Leng, giọng ông Mẫn chùng xuống. Trà Leng, cái tên gợi nhiều mất mát, đau thương. 53 nạn nhân đã bị vùi lấp tại đây vào tháng 10 năm trước, trong đó có 34 người sống sót, bị thương; 6 người chết và 13 người mất tích.

Đúng vào dịp giỗ đầu của những nạn nhân xấu số, theo chân già làng Nguyễn Ngọc Anh, chúng tôi đến những ngôi nhà mới được dựng lên để bố trí cho những gia đình có thân nhân trong tai họa lở đất. Đường về Trà Leng sau một năm, địa chất đã tương đối ổn định, nay gặp những cơn mưa xối xả lại nham nhở. Rẻo cao lại chìm trong những âu lo và ẩn họa. Trong những ngôi nhà mới, nỗi đau cũ dường như còn dồn nén, u uẩn.

Bà Hồ Thị Hà năm nay chưa đầy 40 tuổi, nhưng khuôn mặt hằn những vết chân chim đơn kép. Mỗi một nếp nhăn như chứa đựng ở đó nỗi đau thăm thẳm. Đôi mắt long lanh của cô sơn nữ ngày nào đã biến mất, chỉ còn lại là những thẫn thờ, lạc lõng, vô hồn, vô định.

Bà Hà kể, hơn 12 giờ trưa hôm đó, trời mưa to, gió rừng nghe rít từng đợt, cả nhà đang quây quần thì một tiếng nổ lớn phát ra. Trong chớp mắt, đất đá ào xuống vùi lấp 2 đứa con, cha và mẹ ruột. May mắn, phần đất đổ về phía bà Hà ít hơn, nên vừa kêu cứu, bà vừa rướn người gắng hết sức bình sinh lôi được hai con ra khỏi đống bùn đất nhão nhoẹt. Hàng xóm nghe thấy chạy đến ứng cứu lôi được mẹ của bà ra ngoài, khi quay lại thì không thấy người cha đâu nữa. Đất đá chảy xệ, san phẳng ngôi nhà, mãi ngày hôm sau, thi thể của cha mới được tìm thấy. Bà Hà ngưng câu chuyện, đôi mắt lại xa xăm nhìn về hướng nóc Ông Đề. Trong ánh mắt của người đàn bà ấy, vẫn chứa đựng nhiều nỗi đau.

Rào Trăng, Thừa Thiên Huế những ngày tang thương.

Rào Trăng, Thừa Thiên Huế những ngày tang thương.

Cũng trong năm 2020, tai họa đã theo đất đổ xuống Rào Trăng (Thừa Thiên Huế). Hơn một năm sau, nửa quả núi sập đổ, đá và đất Rào Trăng ngút ngàn vẫn còn in dấu. Nhiều người trước đó hầu như không biết đến cái tên Rào Trăng cho đến khi vụ sạt lở mất mát làm rung chuyển nhân tâm.

Từ đó đến nay, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều cuộc tìm kiếm quy mô, nhưng mới chỉ tìm thấy thi thể của 6/17 người. Rào Trăng 3 đang u uẩn chuyện 11 công nhân nằm đâu đó chưa về, khiến lòng ai cũng day dứt.

Ở đây, những đêm trăng như thắp thêm hy vọng cho các gia đình chưa đưa được thi thể người thân trở về… Để dòng nước mắt vơi, biết bao mồ hôi của các chiến sĩ đã đổ… Rừng ở Rào Trăng vẫn đang xôn xao tình người giữa tang thương.

Đã có người gọi cuộc tìm kiếm của lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế là cuộc tìm kiếm lịch sử. Kể từ thời điểm xảy ra thảm họa thiên tai, 7 giai đoạn tìm kiếm trong 9 tháng trời ròng rã, hơn 300 nhân lực của nhiều lực lượng, đơn vị đã xới những bãi bồi, từng tấc đất, lật từng hòn đá trên sông Rào Trăng để tìm kiếm thi thể còn lại.

Thượng tá Phan Thắng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Công cuộc tìm kiếm đang tạm thời gián đoạn do miền Trung bước vào mùa mưa bão mới. Toàn bộ nhân lực tìm kiếm đã rút về căn cứ an toàn, nhưng chúng tôi vẫn còn canh cánh nỗi niềm khi 11 thi thể công nhân vẫn chưa được tìm thấy. Chúng tôi sẽ quay lại, nhất định sẽ quay lại”.

Lời khẳng định của Thượng tá Phan Thắng như nhen nhóm lên hy vọng cho những người thân đang mỏi mòn chờ thông tin mới từ Rào Trăng.

Từ ngày 12/10 đến ngày 2/11/2020, đã xảy ra các vụ sạt lở đất tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), Sở Chỉ huy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị); xã Trà Leng, Trà Vân thuộc huyện Nam Trà My (Quảng Nam), xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) của tỉnh Quảng Nam khiến 74 người chết, 34 người mất tích, 46 người bị thương.

Thống kê từ Tổng cục Phòng, chống thiên tai về lũ quét và sạt lở đất tại Việt Nam vào tháng 10/2019, trong giai đoạn 1953 - 2006, tại Việt Nam đã xảy ra 448 trận lũ quét và sạt lở đất, trung bình 7 trận/năm. Nhưng sang giai đoạn 2016 - 2019, trung bình có 10 - 20 trận/năm, riêng khu vực miền Trung là 8 - 10 trận/năm.

Hiện nay, trên cả nước hiện có 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2.710 km, trong đó có 91 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng) với tổng chiều dài 218 km; 735 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 911 km; 1.229 điểm sạt lở còn lại với tổng chiều dài 1.581 km.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan