Công cụ đỡ giá
Đầu tuần này (12/12), Công ty cổ phần Phú Tài đã gửi đến các cổ đông tờ trình phương án mua lại 6,5 triệu cổ phiếu PTB, tương đương 9,55% lượng cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến diễn ra trong quý I-II/2023. Trước đó, trung tuần tháng 11/2022, kế hoạch mua cổ phiếu quỹ và lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đã được HĐQT công bố, dù chưa đưa ra thông tin chi tiết.
Không riêng Phú Tài, thị trường chứng khoán giảm sâu trên diện rộng cũng đã kích hoạt lệnh mua cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp. Gần đây nhất, Kido bất ngờ bổ sung tờ trình mua cổ phiếu quỹ vào nội dung họp cổ đông bất thường dự kiến tổ chức ngày 20/12, bên cạnh phương án trả cổ tức “khủng” 50% bằng tiền mặt đã công bố trước đó.
Tương tự, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) sẽ họp cổ đông vào ngày 28/12. Doanh nghiệp này đang trình phương án chia cổ tức 20% bằng tiền mặt trong năm 2023 và kế hoạch mua 100 triệu cổ phiếu quỹ với mức giá tối đa 34.000 đồng, gấp rưỡi thị giá cổ phiếu hiện tại.
Trường hợp khác, Nam Long mới đây đã thông qua chủ trương dự chi tối đa 1.000 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ.
Làn sóng mua lại cổ phiếu đã không ít lần xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam, như đợt rơi sâu hồi tháng 3/2020 khi thị trường hoảng loạn vì đại dịch. Kế hoạch mua cổ phiếu quỹ đợt này cũng được nhiều doanh nghiệp công bố khi tâm lý sợ hãi kéo thị trường giảm sâu trên diện rộng và hàng loạt cổ phiếu về vùng định giá hấp dẫn.
Theo ông Lê Vỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phú Tài, phương án mua lại cổ phiếu quỹ của Phú Tài là nhằm tăng thanh khoản cho cổ phiếu và gia tăng lợi ích cho cổ đông. Từ mức đỉnh gần 92.500 đồng, giá cổ phiếu PTB đã lao dốc xuống 36.000 đồng. Dù mới đưa ra những thông tin ban đầu, song kế hoạch mua cổ phiếu quỹ hồi giữa tháng 11 đã là động lực cho sức bật của PTB, giúp cổ phiếu này đến nay đã tăng hơn 19% từ đáy.
Ngay cả cổ phiếu đi ngược dòng với đà giảm chung của thị trường như KDC, thì doanh nghiệp vẫn cho rằng, giá cổ phiếu chưa phản ánh hết giá trị thực tế và tiềm năng phát triển. Phương án chi hơn 600 tỷ đồng mua lại cổ phiếu, theo người đứng đầu Kido, là nhằm ổn định giá cổ phiếu và giảm bớt số lượng cổ phiếu lưu hành.
Nguồn: Tổng hợp. |
Quy định ngày càng khắt khe hơn
Tạm tính theo con số tối đa mà 4 doanh nghiệp trên công bố, số tiền chi ra cho các giao dịch mua cổ phiếu quỹ đã vượt trên 4.000 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến hai doanh nghiệp lớn từng “đánh tiếng” mua lại cổ phiếu là IDICO và VPBank.
Tổng công ty IDICO - CTCP vừa qua đã phải thông báo tạm ngưng thực hiện phương án mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ và giảm vốn điều lệ do các vấn đề về tài liệu, hồ sơ chưa đảm bảo. Theo quy định, hồ sơ báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cần báo cáo tài chính gần nhất được kiểm toán cũng như tài liệu chứng minh công ty có đủ nguồn để mua lại cổ phiếu.
Vướng mắc của IDICO là nguồn để mua lại cổ phiếu theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán chưa đảm bảo. IDICO đã có văn bản đề nghị UBCKNN chấp thuận cho Công ty được sử dụng báo cáo quý III/2022 (tự lập) hoặc bán niên (soát xét) để làm tài liệu chứng minh có đủ nguồn hoặc đề nghị UBCKNN hướng dẫn để IDICO thực hiện đúng quy định hiện hành. HĐQT Công ty đã tạm ngưng phương án trong thời gian chờ hướng dẫn.
Với trường hợp của VPBank, ngân hàng này đã đề nghị Trung tâm Lưu ký chứng khoán hủy danh sách cổ đông lấy ý kiến về việc mua cổ phiếu quỹ. VPBank không đưa ra lý do, chỉ cho biết đã thay đổi kế hoạch lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.
Đối với các ngân hàng, quy định liên quan đến giảm vốn điều lệ (hệ quả bắt buộc khi mua lại cổ phiếu) thực tế còn đang có khoảng trống pháp lý, bởi đây là một trong nội dung thay đổi cần được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể.
Những năm qua, quy định liên quan đến giao dịch mua lại cổ phiếu của chính công ty ngày càng khắt khe hơn. Kể từ Luật Doanh nghiệp năm 2014, cổ phần được mua lại, thay vì được coi là cổ phần thu về và thuộc số cổ phần được quyền chào bán, đã trở thành cổ phần chưa bán. Công ty phải làm thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại.
Ngoài quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ và tài liệu cần báo cáo lên UBCKNN, việc thực hiện giao dịch mua lại cũng được yêu cầu chi tiết.
Từ năm 2015, Bộ Tài chính đã quy định các doanh nghiệp phải đặt khối lượng tối thiểu 3% và tối đa 10% khối lượng giao dịch đã đăng ký. Đồng thời, giá đặt mua tối đa bằng giá tham chiếu + (giá tham chiếu x 50% biên độ dao động giá cổ phiếu).
Công ty đại chúng phải thực hiện giao dịch mua lại cổ phiếu của chính mình theo đúng nội dung đã công bố thông tin. Thậm chí, tại Thông tư 203/2015/TT-BTC (nay đã được thay thế bởi Thông tư 120/2020/TT-BTC), việc công bố thông tin về các giao dịch, nhưng không thực hiện, không đặt lệnh hay đặt lệnh ngoài biên độ… còn là hành vi bị “nghiêm cấm”.
Các quy định khắt khe hơn là điều cần thiết bởi thông tin giao dịch mua lại cổ phiếu quỹ có thể tác động đáng kể đến giá cổ phiếu. Hơn nữa, giao dịch này có thể khiến nguồn lực chung của công ty về tay số ít cổ đông có lợi thế về thông tin muốn rút vốn, cũng như tất toán khoản đầu tư vào công ty.
Đạo luật Chống lạm phát của Mỹ (IRA) đánh thuế các giao dịch mua cổ phiếu quỹ
Giao dịch mua lại cổ phiếu quỹ vốn không xa lạ với thị trường chứng khoán Việt Nam và thực tế cũng phổ biến trên toàn cầu. Theo dữ liệu của S&P Global, giá trị của các thương vụ mua lại cổ phiếu của riêng nhóm các công ty thuộc S&P 500 trong năm 2021 đã xác lập kỷ lục mới 881,7 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 519,8 tỷ USD của năm 2020.
Cùng là khoản tiền do doanh nghiệp chi ra cho các cổ đông, song khác với khoản thu nhập từ cổ tức mà bên mua sẽ bị đánh thuế thu nhập cá nhân, việc bán cổ phiếu cho công ty cũng tương tự giao dịch mua/bán cổ phiếu thông thường.
Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2023, các doanh nghiệp Mỹ khi tiến hành mua lại cổ phiếu sẽ phải chi trả khoản thuế 1% tính trên giá trị thị trường của lượng cổ phiếu mua lại. Đây là một trong các quy định nêu trong Đạo luật Chống lạm phát (IRA), được Tổng thống Mỹ ký ban hành tháng 8/2022.
Với khoản chi phí lớn trên, lãnh đạo các doanh nghiệp tại Mỹ sẽ phải cân nhắc nhiều hơn trước quyết định mua lại cổ phiếu của chính mình.