Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Lộ, thị trường bất động sản vẫn khó khăn, nên dù các chính sách tín dụng với thị trường này đã thông thoáng, cởi mở hơn, tiến độ giải ngân tín dụng vẫn rất chậm và chưa có tác động đáng kể đến thị trường.
“Gói vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng, tới thời điểm này chỉ giải ngân được trên 5%. Còn các chương trình ưu đãi lãi suất cho vay bất động sản của các ngân hàng cũng chỉ là hô hào, giải ngân không bao nhiêu, trong khi, tồn kho bất động sản vẫn còn quá lớn. Vốn nằm chết trong đống tài sản bất động này, dẫn tới hậu quả là nợ xấu ngân hàng tăng”, ông Lộ nói.
Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, gói vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã được giảm dần lãi suất và tăng thời hạn trả nợ, nhưng những biện pháp hỗ trợ này chỉ có tác động tới phân khúc nhà ở xã hội, chứ không thể phá ngay “tảng băng” thị trường bất động sản.
Hiện các chính sách kích cầu hướng vào bất động sản đang được quan tâm, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường, giúp giải quyết nợ xấu của ngành ngân hàng tốt hơn. Đồng thời, các chính sách cởi trói và tháo gỡ khó khăn cho bất động sản cũng dần được đưa ra. Vì thế, theo đánh giá của các chuyên gia, trước mắt, chưa thể kỳ vọng sớm các chính sách kích cầu tín dụng bất động sản có thể phát huy tác động nhanh, nhưng với hướng dần điều chỉnh cơ cấu thị trường phù hợp hơn với đòi hỏi của thực tiễn, cùng với lãi suất giảm dần sẽ là điều kiện tốt để kích cầu tín dụng ở lĩnh vực này. Có thể, người có nhu cầu mua nhà còn kỳ vọng giá bất động sản, cũng như lãi suất giảm thêm, nhưng một khi mọi thứ đã đi vào hợp lý, thì kỳ vọng trên theo thời gian sẽ bớt dần và nhu cầu vay vốn mua nhà sẽ gia tăng.
Thị trường bất động sản cũng đang dần được hình thành theo xu hướng tăng trưởng bền vững, đồng thời với những dấu hiệu dần tích cực hơn từ nền kinh tế sẽ là điều kiện tốt để khơi thông tín dụng ở lĩnh vực này. Còn hiện nay, mặc dù có rất nhiều gói tín dụng ưu đãi được đưa ra, song tiến độ giải ngân vốn vẫn không được như kỳ vọng.
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank nhìn nhận, lãi suất chưa hẳn là rào cản lớn nhất đối với tín dụng mua nhà. Lãi suất cho vay hiện đã giảm dần về mức hợp lý, tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay trong thời gian tới là rất khó, vấn đề còn lại là giá của các loại bất động sản và sự hồi phục của nền kinh tế.
Nợ xấu tập trung vào lĩnh vực bất động sản cũng làm hạn chế lớn đối với tăng trưởng dư nợ của lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, hầu hết ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực bất động sản, nhưng cũng chỉ tập trung vào phân khúc cho cá nhân vay mua nhà để ở và sửa chữa nhà…
Gần đây, còn có thêm gói vốn 50.000 tỷ đồng và 70.000 tỷ đồng, với mục đích giải phóng tồn kho vật liệu xây dựng, tác động tích cực lên thị trường bất động sản đã được các ngân hàng công bố. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, chuỗi liên kết này là nhằm liên kết các ngân hàng lại để tránh trùng lắp trong cho vay và vào một chuỗi khép kín, nhằm dễ bề quản lý khoản vay, giúp quản lý dòng tiền tốt, chứ chưa hẳn đã tác động ngay đến thị trường bất động sản như kỳ vọng của nhiều người.
Một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng cũng cho rằng, nếu nói về các gói hỗ trợ chính sách từ Nhà nước cho bất động sản, thì chỉ có gói 30.000 tỷ đồng, còn các gói tín dụng khác như gói 50.000 tỷ đồng hay 70.000 tỷ đồng… chỉ là một biện pháp kỹ thuật của các ngân hàng để quản lý dòng tiền tốt hơn. Ngoài ra, nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho cá nhân vay mua nhà được các ngân hàng công bố liên tục thời gian qua chủ yếu là hô hào, còn tiến độ giải ngân thực tế vẫn khá chậm.
Theo TS. Trần Du Lịch, bất động sản khó có thể kỳ vọng tan băng trong thời gian ngắn, nhưng trước mắt, với các giải pháp kích cầu bằng tín dụng nói trên cũng sẽ làm thị trường nhà, đất bình dân dần ấm lên. Từ đó, mới có thể kỳ vọng các phân khúc cao cấp hơn phục hồi trong thời gian tới khi kinh tế tăng trưởng, nợ xấu được giải quyết và lúc này tín dụng lĩnh vực bất động sản mới kỳ vọng tăng trở lại, ngân hàng dễ khơi thông đầu ra.