Không để lãi suất phá hủy môi trường kinh doanh

Không để lãi suất phá hủy môi trường kinh doanh

Ngay trước thềm hoạch định chiến lược kinh doanh cho năm 2019, không ít doanh nghiệp hiện không khỏi lo ngại bởi đang phải đối mặt với rủi ro mới khi lãi suất vay vốn, tín dụng có nguy cơ tăng.
Trong vài tuần gần đây, mặt bằng lãi suất huy động liên tục được nhiều ngân hàngdâng cao, những kỷ lục mới liên tiếp được thiết lập. Nếu cộng thêm khuyến mãi, lãi suất dài hạn trên thị trường đã ngấp nghé 9%/năm, trong khi lãi suất huy động dưới 6 tháng trước đây được chia thành nhiều kỳ hạn, nay hầu hết “nhảy số” về mức sát trần cho phép là 5,5%/năm. 

Việc ngân hàng nhìn nhau tăng lãi suất là chuyện chẳng đặng đừng.

Thứ nhất, thanh khoản cục bộ của một số ngân hàng đang căng thẳng, phản chiếu qua câu chuyện lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng cao.

Thứ hai, nhu cầu vay vốn cuối năm tăng cao, trong khi nhiều doanh nghiệp lại rút tiền để chi lương thưởng cuối năm khiến nguồn cung của các ngân hàng bị thiếu hụt, phải tăng huy động để bù đắp và dự phòng.

Thứ ba, bắt đầu từ năm 2019, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40%. Bởi vậy, để đảm bảo cho vay bình thường, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để hút vốn dài hạn. Chưa kể, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và sức ép chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng khiến lãi suất tiền đồng tăng lên để đảm bảo dòng tiền không đổ xô, chảy vào ngoại tệ.

Lãi suất huy động liên tục tăng khiến doanh nghiệp nhấp nhổm bởi điều này chắc chắn sẽ tác động tới lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Năm 2018, tăng trưởng kinh tế tuy vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khả quan, song những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt vẫn còn rất lớn. Nếu lãi suất cho vay tăng lên, doanh nghiệp sẽ phải tính lại bài toán đầu tư sản xuất, kinh doanh cho năm tới.

Thực tế, khách hàng một số lĩnh vực như bất động sản, tiêu dùng… đã bắt đầu “ngấm đòn” khi lãi suất cho vay tăng lên. Kỳ vọng của doanh nghiệp khi xét tới yếu tố thanh khoản của hệ thống và cung tín dụng của thị trường hiện nay là xu hướng tăng lãi suất sẽ dừng lại sau thời điểm Tết nguyên đán.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố hạn chế room tín dụng năm nay và dự kiến tiếp tục khống chế tăng trưởng tín dụng ở mức 15-16% trong năm 2019 để kiềm chế lạm phát cũng góp phần bình ổn thị trường tín dụng. Quan trọng hơn, đó là Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định quyết tâm ổn định mặt bằng lãi suất, ổn định kinh tế vĩ mô để hỗ trợ doanh nghiệp. Mới đây, cơ quan quản lý cũng đã bóng gió về việc sẽ có giải pháp với những ngân hàng tăng lãi suất bất hợp lý.

Trong bối cảnh lãi suất đầu ra bị khống chế, tín dụng bị siết chặt, ngân hàng thương mại sẽ không thể mãi dâng lãi suất huy động. Hơn nữa, với mức lãi suất huy động tăng dưới 1% trong năm 2018, nếu ngân hàng xử lý tốt nợ xấu, tiết giảm chi phí, cơ cấu lại danh mục cho vay theo hướng đẩy mạnh bán lẻ, giảm phụ thuộc vào tín dụng… thì lãi suất cho vay sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Nói cách khác, áp lực về vốn huy động thời gian gần đây cũng là cảnh báo để các ngân hàng đẩy mạnh tái cấu trúc chính mình theo hướng phát triển bền vững. 

Với quan điểm điều hành thận trọng, giữ chắc ổn định vĩ mô, chắc chắn năm 2019, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục yêu cầu hệ thống ngân hàng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Song thẳng thắn mà nói, doanh nghiệp Việt Nam hiện còn thâm dụng vốn lớn, tỷ lệ tín dụng trên GDP cũng ở mức cao (135% GDP). Khi phụ thuộc quá lớn vào vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp sẽ dễ gặp rủi ro khi lãi suất thị trường thay đổi. Chính vì vậy, giảm phụ thuộc vào tín dụng hiện là bài toán đặt ra gay gắt với nhiều doanh nghiệp.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ tháng 2/2019. Như vậy, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn trong huy động vốn trên thị trường trái phiếu; ngân hàng cũng dễ thở hơn khi xoay vốn, có thể mạnh tay phát triễn lĩnh vực dịch vụ, thay vì loay hoay với bài toán huy động, cho vay và lãi suất như thời gian qua.

Sau nhiều năm thấm thía bài học về lãi suất phi mã, điều quan trọng với cơ quan quản lý nhà nước trong lúc này là không để “bóng ma” lãi suất quay trở lại, phá vỡ thành quả ổn định vĩ mô và niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Tin bài liên quan