TS. Vũ Trọng Bình
Thưa ông, nói đến liên kết vùng, hình ảnh hay được nhắc tới là 63 “nền kinh tế” trong nền kinh tế Việt Nam…
Khi nghiên cứu Đề án Nghiên cứu, đề xuất chủ trương chính sách về kinh tế vùng, liên kết vùng, chúng tôi cũng nhận thấy, chiến lược phát triển của nhiều địa phương ít có sự khác biệt, thiếu tính đặc thù. Nhiều địa phương lấy công nghiệp hóa làm mục tiêu phát triển, công nghiệp làm mũi nhọn với cơ cấu kinh tế gần giống nhau. Có lẽ, họ đang bị áp lực đạt được mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa chi phối khiến thiếu chiến lược phát huy tiềm năng, lợi thế của mình. Hay như khi nghiên cứu các chương trình xúc tiến đầu tư của các địa phương, tình trạng thu hút đầu tư theo kiểu cạnh tranh vẫn còn, thiếu sự kết nối nội vùng.
Đây là vấn đề lớn, vì quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng rất nhiều sau 30 năm đổi mới. Từ năm 1989 đến 2014, GDP của Việt Nam đã tăng tới 30 lần, từ 6,3 tỷ USD lên 186 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tăng 21 lần. Quy mô hoạt động kinh tế địa phương, doanh nghiệp đã vượt xa các ranh giới hành chính.
Một doanh nghiệp đóng trụ sở ở tỉnh này, nhưng tầm hoạt động cả vùng hoặc tới các vùng, miền khác là bình thường. Song sự cát cứ địa phương và mối liên kết vùng không rõ ràng đang làm khó các hoạt động theo chuỗi. Đơn giản là việc thực hiện thủ tục hành chính ở các tỉnh khác nhau cũng là gánh nặng rồi.
Đề án của Ban Kinh tế trung ương đã nhắc tới kiến nghị phải xem quá trìnhtái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo vùng cần được nhìn nhận như một bộ phận của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Phải nói rõ, phát triển kinh tế vùng như một quy luật tự thân của kinh tế thị trường theo không gian kinh tế. Trên thế giới, chính sách phát triển kinh tế vùng, liên kết kinh tế vùng đã phát triển mạnh trên nhiều cấp độ: nội vùng, giữa các vùng trong một nước, giữa các vùng của nước này với vùng của nước khác... Chủ thể tham gia rất đa dạng: giữa chính quyền của các vùng để tạo ra khung khổ thể chế chung; giữa nông dân với nhau để tạo ra tổ chức kinh tế hợp tác liên vùng; giữa doanh nghiệp để tạo ra sự kết nối các chuỗi giá trị vùng, khu vực và toàn cầu…
Ở Việt Nam, nhận thức về liên kết vùng cũng khá sớm, đã được nhắc tới từ Đại hội Đảng lần thứ VIII. Các kỳ Đại hội Đảng lần thứ IX, X, XI, XII đều tiếp tục xác định rõ định hướng chiến lược phát triển vùng. Nhưng thực tế vẫn còn khoảng cách giữa việc thực thi, thể chế hóa và nghị quyết.
Có thể nhắc tới một vài ví dụ như cách phân vùng kinh tế - xã hội, theo nhiều chuyên gia là chưa thực sự phù hợp, chưa phát huy được lợi thế so sánh từng vùng. Các vùng kinh tế trọng điểm cũng chưa thể hiện được vai trò đầu tàu, ít có khác biệt về lựa chọn thu hút đầu tư, quy mô lại trải rộng, bám theo đường sá, hạ tầng chung, chen lấn với các đô thị… khiến tác động lan tỏa gần như rất thấp…
Trong khi đó, nếu có chiến lược phát triển vùng, sẽ có chiến lược xúc tiến đầu tư theo vùng. Các nhà đầu tư sẽ không phải lựa chọn lời mời của một vài tỉnh, mà sẽ lựa chọn các vùng với những lợi thế đan xen nhau. Khi đó, quyết định đầu tư sẽ không phải là một dự án mà là một chuỗi dự án để phục vụ chính chuỗi sản xuất của nhà đầu tư. Không gian đầu tư này sẽ tạo ra lợi thế lớn của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư trong khu vực hiện nay. Về phía Nhà nước, xúc tiến đầu tư sẽ hiệu quả hơn.
Trở lại ví dụ doanh nghiệp có quy mô hoạt động ra khỏi một tỉnh, chỉ riêng việc thực hiện thủ tục hành chính theo một đầu mối, cách thức thống nhất, chi phí đầu tư đã giảm đáng kể… Rõ ràng, trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, phải đặt cao yêu cầu về chiến lược phát triển vùng, để từ đó có những thay đổi về quản trị, điều hành kinh tế của tỉnh, của vùng và Trung ương…
Nghĩa là sẽ có những tỉnh mũi nhọn và những tỉnh vệ tinh?
Một cách hình ảnh thì chấm dứt cuộc chạy đua của các địa phương tới một mục tiêu như nhau. Vùng Tây nguyên không thể đua với Vùng kinh tế trọng điểm phía nam trên cùng một tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội. Việc hình thành chiến lược phải phù hợp với từng vùng, trên cơ sở lợi thế so sánh, gắn với quy hoạch, đầu tư, quản trị dịch vụ công... Đây là cách tạo ra các mũi nhọn, các “cực tăng trưởng” đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương. Sẽ không còn cơ cấu kinh tế “khép kín” của địa phương. Khi đó, không gian kinh tế sẽ mở rộng và cơ hội để khai thác tối đa nguồn lực của xã hội sẽ tăng lên.
Tất nhiên, sẽ còn nhiều việc phải thay đổi, quan trọng nhất là nhận thức, thể chế hoá có hiệu quả các chủ trương của Đảng ở cả Trung ương và địa phương; phát triển các loại thị trường theo vùng, có thể chế thực sự đột phá về kinh tế vùng…