Một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch sản xuất trở lại. Ảnh minh hoạ

Một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch sản xuất trở lại. Ảnh minh hoạ

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
Để không xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng, một số doanh nghiệp đã được lên kế hoạch sản xuất trở lại, vừa chống dịch, vừa sản xuất an toàn.

Vẫn chưa thể sản xuất trở lại

Theo kế hoạch, đáng nhẽ ngày 28/5, bắt đầu có những doanh nghiệp đầu tiên ở 4 khu công nghiệp (KCN) đang phải tạm dừng hoạt động ở Bắc Giang, là Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, và Song Khê - Nội Hoàng, khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Đó là các công ty Sanwa Việt Nam, Fuhong Precision Component Bắc Giang (KCN Đình Trám); Nhà máy giấy Xương Giang (KCN Song Khê - Nội Hoàng); New Wing Interconnect Technology (KCN Vân Trung); New Hope; Đặc khu Hope; Si Flex Việt Nam và Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu (KCN Quang Châu).

Tuy nhiên, thông tin cho biết, cho đến nay, việc sản xuất trở lại vẫn chưa thể thực hiện được. Để được quay trở lại hoạt động, các công ty này phải trải qua giai đoạn kiểm tra, đánh giá, đủ điều kiện an toàn thì mới được phép hoạt động trở lại

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp, ngoại trừ Công ty New Wing, chưa hoàn thiện hồ sơ trình Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang thẩm định về các điều kiện để hoạt động trở lại. Hơn thế, hầu hết các công ty chưa thể đón đủ ngay người lao động vì công nhân đang tạm nghỉ việc nơi cư trú, phòng trọ tại các huyện, trong đó có địa phương đang cách ly xã hội.

Như vậy việc khôi phục lại hoạt động sản xuất trước mắt chưa thực hiện được ngay. Dù vậy, đây vẫn là một quyết định đầy dũng cảm. Diễn biến dịch Covid-19 ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày càng phức tạp, với số ca bệnh tăng nhanh.

Trao đổi với báo giới, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, việc đưa các KCN hoạt động trở lại là rất cấp bách. Bởi nếu chờ đến khi dập dịch xong mới sản xuất trở lại thì chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy.

“Nếu để đứt gãy chuỗi cung ứng từ các doanh nghiệp ở Bắc Giang sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế cả nước”, ông Lê Ánh Dương nói.

Như Báo Đầu tư đã thông tin, rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đang đặt nhà máy sản xuất tại 4 KCN ở Bắc Giang. Các tên tuổi lớn như Foxconn, Luxshare, Goertek, Hosiden, Samkwang Vina, Seojin,… đều có cơ sở sản xuất tại đây, với sản lượng sản xuất hàng năm rất lớn. Năm ngoái, các doanh nghiệp ở Bắc Giang đã đóng góp 11,2 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, riêng xuất khẩu đồ điện tử đạt trên 3,1 tỷ USD, thiết bị điện thoại hơn 2,95 tỷ USD, thiết bị điện, pin năng lượng mặt trời trên 2,26 tỷ USD…

Các doanh nghiệp này nếu phải dừng hoạt động lâu dài không chỉ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đó, tới kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bắc Giang, mà còn là kế hoạch sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Rất nhiều doanh nghiệp tại Bắc Giang là nhà cung ứng linh kiện sản xuất cho các doanh nghiệp khác.

Năm ngoái, khi Covid-19 xảy ra, Trung Quốc phải phong tỏa nhiều thành phố, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị đứt gãy và ảnh hưởng tới sản xuất toàn cầu, chứ không riêng gì các nhà máy tại Trung Quốc. Tuy quy mô sản xuất ở Bắc Giang còn nhỏ, song những phản ứng dây chuyền tới các doanh nghiệp khác là rất có thể.

Không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy

“Chúng tôi không chỉ thiếu nguyên liệu đầu vào, mà thiếu cả nhân lực. Nhiều nhà cung ứng của chúng tôi đặt nhà máy ở Bắc Giang. Một số lượng lớn lao động của chúng tôi cũng đến từ tỉnh này”, một doanh nghiệp có nhà máy đặt tại Bắc Ninh cho Báo Đầu tư biết.

Thiếu “nhiều thứ” trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này đang bị ảnh hưởng, thậm chí còn ảnh hưởng nhiều hơn cả thời điểm đầu năm trước.

Theo đại diện của doanh nghiệp này, năm ngoái, khi chuỗi cung ứng đứt gãy thì cầu thị trường cũng giảm do ảnh hưởng Covid-19. Nhưng năm nay, cầu hàng hóa đang quay trở lại, đặc biệt ở các thị trường Mỹ và châu Âu, đơn hàng đã có nhưng lại thiếu nhân lực, thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Vì thế, điều mà doanh nghiệp này lo ngại, đó là có thể sẽ bị đối tác phạt vì không thể kịp thời sản xuất để đáp ứng các đơn hàng.

Không lâm cảnh buộc phải tạm dừng hoạt động như các doanh nghiệp ở Bắc Giang, nhưng các doanh nghiệp ở Bắc Ninh cũng đang gặp những khó khăn như vậy. Các quy định về giãn cách xã hội, tạm không sử dụng lao động từ Bắc Giang đang gây khó cho không ít doanh nghiệp trên địa bàn.

Thông tin cho biết, các doanh nghiệp lớn ở Bắc Ninh, như Canon, Foxconn, Biel Crystal, Tenma Việt Nam… vẫn đang rất nỗ lực, vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất an toàn. Việc phân chia ca kíp hợp lý cũng đang được thực hiện để đảm bảo tiến độ sản xuất - kinh doanh, hạn chế tối đa sự gián đoạn của chuỗi cung ứng sản phẩm.

“Chúng tôi vẫn đang thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đồng thời phân ca sản xuất, đảm bảo sản xuất an toàn”, ông Khaw Chee Wee, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Biel Crystal Việt Nam nói.

Các nỗ lực vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, theo đúng phương châm “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch” đang được thực hiện ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Trong bối cảnh hiện nay, việc sớm khôi phục lại sản xuất là vô cùng quan trọng để chuỗi sản xuất và cung ứng không bị đứt gãy.

Thông tin từ ông Lê Ánh Dương, mô hình thí điểm cho sản xuất trở lại trước mắt được Bắc Giang thực hiện ở quy mô nhỏ, sau đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra.

Nó cũng có ý nghĩa với các địa phương khác trong cả nước, nhất là ở những tỉnh tập trung nhiều KCN, nhiều doanh nghiệp sản xuất, khi mà nguy cơ bùng phát Covid-19 có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Cùng với nỗ lực duy trì sản xuất, việc quyết liệt chống dịch cũng vô cùng cần thiết. Liên quan đến vấn đề này, ngoài các biện pháp khoanh vùng, cách ly y tế, việc tiến hành tiêm vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp là biện pháp cần thiết.

Thông tin từ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ sẽ phân bổ mỗi tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh 150.000 liều vaccine, và sẽ hỗ trợ để hoàn thành tiêm chủng trong vòng 1 đến 2 tuần.

Được biết, rất nhanh sau kế hoạch này, những mũi tiêm vaccine đầu tiên cho các công nhân ở các khu công nghiệp đã được tiến hành.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan