Sóng ngầm của Airbnb
Trong khi Grab và những đơn vị cung cấp nền tảng kết nối hoạt động vận tải hành khách ở Việt Nam vẫn chông chênh với những bàn thảo chưa thống nhất của các cơ quan nhà nước về việc xếp họ vào khung quản lý nào, Airbnb và những dịch vụ chia sẻ phòng ở đang âm thầm tạo sóng. 6.500 là con số được nhắc tới khi thống kê số cơ sở tham gia Airbnb ở Việt Nam có thể không thực sự đúng với thực tế.
Nếu tính từ thời điểm tháng 1/2015, khi Airbnb đăng một bài viết trên linkedin công ty và gửi hàng loạt email tới các chủ nhà có phòng cho thuê tại Việt Nam về thông tin tuyển dụng chuyên viên hợp tác Airbnb đến nay, Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn... đã lọt vào những điểm nóng có sức tăng trưởng nhanh nhất của Airbnb. Những cuộc đào tạo để trở thành chủ nhà của Airbnb thu hút sự quan tâm rất lớn.
Thậm chí, trong báo cáo về vấn đề này công bố vào cuối năm ngoái, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã dùng tới từ “dè chừng” khi nói về thái độ của các khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú truyền thống với Airbnb.
“Chúng tôi đã làm việc với một số quản lý khách sạn nhỏ ở trung tâm TP.HCM, họ nói tuần nào cũng theo dõi danh sách thêm vào trên Airbnb, vì số chủ nhà trên ứng dụng này tăng quá nhanh và rất nhiều trong đó đang cho thuê loại phòng có chất lượng tương đương khách sạn của họ. Họ lo ngại về việc bị chia sẻ lượng khách hàng của họ”, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp luật, Ban Pháp chế (VCCI) cho biết.
Nhưng những phản ứng đó dường như quá “nhẹ nhàng”. Theo quy định của pháp luật, kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Nghĩa là khi hoạt động cung cấp dịch vụ này, các chủ thể kinh doanh phải đáp ứng những điều kiện theo quy định và phải thực hiện một số thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý về việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh như với các cơ sở lưu trú truyền thống.
Nhưng việc chưa có động thái gì từ phía cơ quan nhà nước đối với mô hình kinh doanh này cũng khiến chủ nhà trên Airbnb lo lắng. Trên trang kinhdoanhairbnb.com, những câu hỏi về tính pháp lý của mô hình kinh doanh này luôn được đặt ra.
Các chủ nhà cũng an ủi nhau rằng, giống như mô hình kinh tế chia sẻ khác tại Việt Nam như Grab và Uber, Airbnb sẽ gặp trở ngại khi các cơ quan quản lý bàn đến vấn đề thu thuế. Cách thâm nhập thị trường của ông lớn này rất âm thầm và nhẹ nhàng, không hoành tráng như Uber và Grab và sự “sống khỏe” của Grab trong thời gian qua cho họ niềm tin, Airbnb sẽ không đối diện trực tiếp với các cơn giông bão...
Những khoảng trống phải khỏa lấp
Kinh tế chia sẻ sẽ là tâm điểm của các kế hoạch hoàn thiện chính sách trong 2 năm 2019 và 2020. Đây là kế hoạch mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất trong Dự thảo Đề án Mô hình kinh tế chia sẻ. Không chỉ có Grab, Airbnb, Dự thảo Đề án này đang nhắc tới cả dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P) - mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay vốn.
Sẽ hoàn thành kịp thời hạn Đề án Mô hình kinh tế chia sẻ
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019, ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, sẽ hoàn thành kịp tiến độ thời hạn để trình Thủ tướng Chính thủ xem xét, phê duyệt sớm Đề án Mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam. “Chúng ta phải xác định kinh tế chia sẻ là một cơ hội mới về thay đổi phương thức kinh doanh từ sở hữu tài sản sang sử dụng tài sản mà không cần sở hữu. Nó là một hình thức kinh doanh phi truyền thống nhưng về nguyên tắc thì chúng ta phải công nhận nó là tất yếu”, ông Mạnh nói.
Ông Mạnh cũng thông tin, Dự thảo Đề án đã đề cập một số cơ chế chính sách, cũng như các quy định của pháp lý mới có tính chất khuyến khích đổi mới sáng tạo cũng như khuyến khích các hoạt động của kinh tế chia sẻ có dư địa, có điều kiện phát triển. “Chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị chính sách đảm bảo sự công bằng giữa các mô hình kinh doanh truyền thống và mô hình kinh doanh của kinh tế chia sẻ, tránh sự xung đột, cũng như không đảm bảo được sự công bằng giữa các hoạt động kinh doanh”, ông Mạnh cho biết.
Đây là phương thức hoàn toàn khác biệt so với mô hình cho vay truyền thống, không dựa vào tổ chức trung gian như ngân hàng.., mà thông qua nền tảng trực tuyến cùng với hệ thống công nghệ tài chính tiên tiến. Lãi suất được thiết lập bởi hệ thống đánh giá của công ty P2P trên cơ sở phân tích thông tin tài khoản tín dụng, thông tin mạng xã hội và nhiều nguồn khác tùy theo văn hóa từng nước.
Nhưng ở Việt Nam, P2P chưa được cấp phép, nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư. Đang có khoảng 10 doanh nghiệp kiểu này, như huydong.com, Tima, SHA, Bobivi, vaymuon.vn...
Đương nhiên, việc không gọi đúng bản chất của hoạt động kinh doanh luôn ẩn chứa rủi ro cho khách hàng, nhà đầu tư và cho cả quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dù không muốn, nhưng sẽ luôn ở thế bị soi... vì bị cho là nhạy cảm.
Cũng phải nhắc lại chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong cuộc làm việc về Dự thảo Đề án. Ông nhấn mạnh: “Cách tiếp cận là tạo điều kiện cho nó ra đời, phát triển chứ không thể mặc kệ hoặc là không làm được thì cấm”.
Đây là lý do Dự thảo Đề án đang đề xuất phải tạo ra môi trường kinh doanh để các mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống đều hoạt động thuận lợi, mà trước hết là hoàn thiện cơ chế chính sách.
24 nhóm nhiệm vụ đã được đề xuất giao cho 12 bộ, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...
Đặc biệt, đã có đề nghị gọi các mô hình kinh doanh này là mới, thay vì nhạy cảm... để có ứng xử phù hợp.