Bên cạnh nỗ lực chống dịch, thì điều vô cùng cần thiết là phải tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đã bắt đầu có những tính toán và dự báo về mức độ ảnh hưởng này. Theo đó, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm có thể chỉ đạt 4 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,8%.
Nếu đúng như vậy, thì có nghĩa, tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục không như kịch bản đề ra.
Theo kịch bản ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, tăng trưởng GDP quý II/2021 là 7,11%; 6 tháng là 6,22%. Trong khi đó, theo kịch bản đã được điều chỉnh vào cuối quý I/2021, thì tăng trưởng GDP quý II/2021 là 7,19%; 6 tháng là 5,92%.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, do ảnh hưởng của Covid-19, nên tăng trưởng GDP quý I/2021 chỉ đạt 4,48%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Quý II năm nay, nếu một lần nữa, tăng trưởng GDP không như kịch bản, cũng do ảnh hưởng của Covid-19, thì áp lực của nửa cuối năm sẽ rất lớn. Và hẳn nhiên, phải rất nỗ lực thì mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
Chính vì thế, nhiệm vụ trong lúc này là tập trung cao độ cho kiểm soát dịch bệnh, khôi phục lại sản xuất, thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, làm sao để tháng cuối cùng của quý II/2021, nền kinh tế không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.
Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này. Ông đặc biệt lưu ý các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian trước mắt, trong đó có tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, năng lượng lớn, trọng điểm; khẩn trương có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng…
Thực tế, bên cạnh xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, thì giải ngân đầu tư công được coi là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Năm ngoái, nhờ tích cực giải ngân đầu tư công, nên Việt Nam đã có tăng trưởng dương, trong khi nhiều nền kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng.
Năm nay, đầu tư công tiếp tục được coi là một trong những yếu tố quan trọng của “cỗ xe tam mã” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song 5 tháng qua, giải ngân vốn đầu tư công đang chậm, mới đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%). Hơn thế, việc giá thép và nhiều vật liệu xây dựng khác đang vào cơn “bão giá”, khiến đầu tư công đối mặt nguy cơ đình trệ. Nếu vậy, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế năm nay.
Trong bối cảnh đó, có ý kiến cho rằng, cần tìm kiếm, thiết kế thêm các động lực tăng trưởng mới. Chẳng hạn như, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, tạo cơ hội cho các vùng kinh tế động lực có bước đột phá. Gần hơn là bên cạnh các gói hỗ trợ, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp…
Đây chính là những biện pháp cần rốt ráo thực hiện, nhất là trong bối cảnh Covid-19 đang ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế. Ở Bắc Giang, tính tới chiều 3/6, đã có 24 doanh nghiệp, với trên 6.000 lao động, đủ điều kiện sản xuất an toàn được phép hoạt động trở lại, nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp đang tạm dừng sản xuất. Ở Bắc Ninh, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng. Còn ở TP.HCM, nguy cơ Covid-19 thâm nhập các khu công nghiệp là không nhỏ, đe dọa trực tiếp hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Thách thức với nền kinh tế đang hiện hữu, nhất là khi đầu tư nước ngoài có xu hướng chậm lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng, lực lượng lao động giảm… Đáng chú ý là số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, cho thấy sức chống chịu của doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh.
Tựu trung, bên cạnh nỗ lực chống dịch, thì điều vô cùng cần thiết là phải tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Không thể để đà hồi phục của nền kinh tế bị chặn lại!
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!