Không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau trên chặng đường phát triển của đất nước

Không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau trên chặng đường phát triển của đất nước

(ĐTCK) Trong hành trình xóa nghèo ấn tượng của Việt Nam thời gian qua có sự hiện diện đầy ý nghĩa của các đối tác phát triển. Sự nhiệt tâm của các nhà tài trợ cùng chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ đang tạo nên niềm tin ngày càng vững chắc hơn, rằng không có bất cứ người dân nào bị bỏ lại phía sau trên chặng đường phát triển của đất nước.

Mong muốn cải thiện cuộc sống

A Lưới là một huyện miền núi nghèo nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, với gần 75% số dân là đồng bào dân tộc Tà Ôi. Đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả. Nguồn lương thực chính là cây lúa nương, cây ngô, song rất bấp bênh do phương thức sản xuất du canh, chủ yếu là: phát cây, đốt rẫy, trỉa hạt...

Bên cạnh sản xuất lương thực, người Tà Ôi còn dệt vải thổ cẩm (còn có tên gọi là zèng) một sản phẩm văn hóa tiêu biểu. Hiện một bộ phận người dân ở A Lưới vẫn duy trì dệt zèng như áo, khố, khăn, tấm treo, gùi... nhưng chỉ phục vụ cho bản thân và gia đình. Từ ngày tuyến đường lên A Lưới được đầu tư mở rộng, thuận tiện cho giao lưu hàng hóa, người dân Tà Ôi mới tìm cách tiêu thụ sản phẩm dệt zèng ra các tỉnh lân cận, song thu nhập cũng chẳng được là bao.

Với nỗ lực của người dân, ngành chủ quản và đặc biệt của nhà tài trợ, Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê-kông đã mang lại kết quả tích cực ban đầu, nhưng việc thu hút khách tham quan vẫn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có.

Bởi vậy, việc phát triển các ngành nghề thủ công là rất cần thiết để góp phần nâng cao đời sống của người dân nơi đây. Theo đó, huyện đã xây dựng chương trình lập dự án khôi phục nghề dệt zèng ở các xã Hương Lâm, A Ðớt, Nhâm, thị trấn A Lưới và A Roàng.

Ngoài ra, Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê-kông của ADB đã phối hợp với địa phương tiến hành các hoạt động tư vấn, như thiết kế mẫu theo nhu cầu thị trường, hướng dẫn thợ dệt tiếp cận với các chất liệu, kỹ thuật để nâng cao tính ứng dụng của sản phẩm.

Chị Mai Thị Hợp, nghệ nhân dệt zèng ở thị trấn A Lưới chia sẻ: “Mong lắm phát triển nghề dệt zèng vừa để duy trì bản sắc dân tộc vừa để cải thiện đời sống,  bởi sau thời gian làm nương buổi sáng, buổi chiều dệt zèng thu nhập tăng thêm 2 - 3 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu không có Trung tâm du lịch đưa du khách đến thì dệt zèng xong biết bán cho ai?”.

Nhà tài trợ thực tâm

Nhằm hỗ trợ người dân, Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê-kông đã hỗ trợ xây dựng Trung tâm thông tin du lịch A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Từ ngày có Trung tâm, lượng khách du lịch tăng lên đáng kể. Cụ thể, trong giai đoạn 2014 - 2015, huyện A Lưới đã tiếp nhận khoảng 13.000 khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ông Steven Schipani, cán bộ ADB phụ trách Dự án cho biết, Trung tâm do 3 phụ nữ có năng lực và nhiệt tình điều hành. Các phần xây dựng rất phù hợp, tiện lợi cho mục đích sử dụng và bảo dưỡng. Tại đây cung cấp các dịch vụ bao gồm đặt chỗ, hậu cần và bán quà lưu niệm. Các thiết bị được cung cấp cũng rất thích hợp và được bảo trì tốt.

“Hợp phần này của Dự án được đánh giá cao về tính bền vững trong hoạt động, ấn tượng nhất là việc đã chuyển một phần trong chương trình đầu tư lớn của Chính phủ thành một khu vực công cộng đẹp trong thị trấn và khuyến khích du lịch”, ông Steven Schipani nói và nhấn mạnh thêm: Nếu Trung tâm đã tiếp nhận 13.000 khách trong 2 năm qua, bao gồm cả người dân sở tại, thì hợp phần của dự án đã thu được khoảng 645.000 USD trong năm vận hành đầu tiên. Đó là một số tiền không hề nhỏ với những người dân nghèo khó nơi đây.

Bên cạnh Trung tâm A Lưới, A Hua và A Ka - A Chi Du lịch Cộng đồng (Thừa Thiên - Huế) cũng đã đón khoảng 5.500 khách du lịch trong nước và quốc tế trong thời gian trên.

Trung tâm cung cấp các dịch vụ bao gồm ở cùng gia đình bản địa (homestay), ăn uống, các tour bằng xe đạp và đi rừng, biểu diễn văn nghệ, bán đồ thủ công, lưu niệm đặc biệt của dân tộc Tà Ôi.

Ông Steven Schipani cho hay, tổng doanh thu liên quan đến dịch vụ tour du lịch tại đây đạt mức 11.700 USD và bán sản phẩm lưu niệm đạt 18.000 USD.

Đáng chú ý là 2 doanh nghiệp du lịch cộng đồng đã tuyển dụng 107 nhân công, trong đó 48% là chị em phụ nữ. Nhờ hoạt động du lịch ổn định, các trung tâm đã có đủ nguồn thu để vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng, mặc dù vẫn yêu cầu hỗ trợ thêm về đào tạo tiếp thị và phục vụ khách hàng.

“Với việc số lượng khách du lịch sẽ tiếp tục tăng lên do cửa khẩu quốc tế La Lay với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ở gần khu vực này được mở mới đây và Chính phủ đã chú trọng đến khuyến khích du lịch tại A Lưới, hợp phần này của Dự án được đánh giá có nhiều khả năng vận hành bền vững”, ông Steven Schipani nhận định.

Không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau trên chặng đường phát triển của đất nước ảnh 1

Việc phát triển các ngành nghề thủ công là rất cần thiết để góp phần nâng cao đời sống của người dân các huyện miền núi nghèo thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế 

Muốn nhanh thì phải... từ từ

Với nỗ lực, mong mỏi của người dân, ngành chủ quản và đặc biệt của nhà tài trợ, Dự án đã mang lại kết quả tích cực ban đầu, nhưng thực tế, việc thu hút khách tham quan vẫn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có.

Chị Lê Thị Thêm, Trưởng Phòng Văn hóa huyện A Lưới cho biết, từ khi có Trung tâm, khách đến A Lưới nhiều hơn nhưng chủ yếu là khách lẻ, “tây ba lô” đi du lịch bụi, thời gian lưu trú không lâu. Mỗi tháng, chỉ có khoảng 5 nhóm đến xem người dân địa phương dệt zèng, mua đồ, tắm suối nước nóng, thăm rừng nguyên sinh và thưởng thức đồ ăn địa phương…

Nguyên nhân du khách còn “e ngại” với du lịch A Lưới được những người làm du lịch ở đây cho biết là do thủ tục để tham quan tại các điểm du lịch vùng biên giới, nhất là đi dạo, thăm quan khu vực rừng nguyên sinh… quá phức tạp; dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch chưa phát triển; các điểm du lịch chưa được đầu tư tương xứng; hiện đang thiếu nhiều hướng dẫn viên được đào tạo bài bản, thông thạo tiếng bản ngữ và biết ngoại ngữ; công tác liên kết du lịch còn hạn chế…

“Ít khách du lịch thì bán hàng sao được, cuộc sống cũng chưa thể cải thiện được nhanh”, chị Hợp nói.

Không để người dân bị gạt ra rìa

Tại “Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) - 2016”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mặc dù an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện… nhưng tỷ lệ đói nghèo ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số vẫn ở mức cao. Còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém phải quyết tâm, tập trung khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

“Chính phủ Việt Nam khẳng định bảo đảm an sinh xã hội luôn là một nhiệm vụ ưu tiên… Chúng tôi mong nhận được hỗ trợ, tư vấn, đề xuất các chính sách trong thời gian tới, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo. Rất mong các đối tác phát triển luôn nhất quán và tạo điều kiện cho Việt Nam thực hiện tốt mục tiêu quan trọng này”, Thủ tướng nói.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ADB luôn ý thức rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện có hiệu quả hơn các dự án của ADB và các đối tác phát triển nhằm đem lại những lợi ích thiết thực và tác động phát triển to lớn hơn, bao trùm hơn đến người dân Việt Nam, đặc biệt là những người dân nghèo, phụ nữ và trẻ em sinh sống tại những vùng sâu, vùng xa với hoàn cảnh khó khăn.

Cuối tháng 9/2016, Chiến lược Đối tác Quốc gia với Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Ban giám đốc điều hành của ADB thông qua. Ông Eric Sidgwick cho biết, theo chiến lược này, ADB luôn cam kết hỗ trợ nhiều ưu tiên của Chính phủ, qua đó khuyến khích tạo việc làm và tăng cường khả năng cạnh tranh, tăng cường tính bao trùm của cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, cải thiện tính bền vững về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Bằng cách làm này, chúng tôi sẽ cố gắng đưa các công nghệ mới nhất, hiệu quả nhất vào trong các chương trình hỗ trợ của ADB để đảm bảo các lợi ích được bền vững. ADB sẽ duy trì mức độ hỗ trợ cho Việt Nam, trong khi áp dụng các biện pháp để cải thiện tính sẵn sàng và chất lượng các dự án sẽ được tài trợ, cũng như thực hiện có hiệu quả các dự án hiện tại. ADB cũng sẵn sàng tăng quy mô hỗ trợ nếu Chính phủ yêu cầu bổ sung thêm các nguồn lực cho phát triển”, ông Eric Sidgwick nói.

Tin bài liên quan