Luật sư Trần Hồng Cường (Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á).
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhiều nhà đầu tư không thể thực hiện được dự án. Là nhà tư vấn đầu tư, bà đánh giá thế nào về ảnh hưởng của Covid-19 đến dự án của các nhà đầu tư hiện nay?
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020 do Tổng cục Thống kê công bố, tổng vốn FDI vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước.
Dù chưa có nghiên cứu đánh giá cụ thể nguyên nhân làm giảm vốn đầu tư, nhưng bước đầu, có thể hiểu rằng, Covid-19 đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Việc hạn chế đi lại khiến nhà đầu tư phải hủy chuyến công tác tới Việt Nam, dẫn đến trì hoãn việc ra quyết định đầu tư. Với dự án đang thực hiện, Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện...
Dưới góc độ pháp lý, thế nào là trường hợp bất khả kháng và trường hợp này được áp dụng tại Việt Nam như thế nào?
Khoản 1, Điều 156, Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam quy định, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Một sự kiện được xác định là sự kiện bất khả kháng phải đáp ứng được một số điều kiện:
Thứ nhất, đó phải là sự kiện khách quan và không thể lường trước được.
Bộ luật Dân sự 2015 không quy định tiêu chí để xác định một sự kiện được xem là xảy ra một cách khách quan. Tuy nhiên, có thể diễn giải rằng, một sự kiện xảy ra một cách khách quan khi sự kiện đó xảy ra không theo ý chí của các bên.
Thứ hai, sự kiện đó không thể lường trước được.
Bộ luật Dân sự 2015 cũng không quy định tiêu chí xác định một sự kiện được xem là không thể lường trước được. Tuy nhiên, có thể hiểu, một sự kiện xảy ra không thể lường trước được khi sự kiện đó xảy ra nằm ngoài dự đoán của các bên. Vấn đề đặt ra là thời điểm hợp lý mà các bên phải lường trước được việc một sự kiện bất khả kháng có thể xảy ra khi Bộ luật Dân sự 2015 không có quy định về vấn đề này. Liệu có thể hiểu, sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện mà các bên không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hợp đồng hay không?
Thứ ba, bên bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, nhưng không thể khắc phục được.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện không thể khắc phục được, mặc dù bên có nghĩa vụ đã nỗ lực áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép để khắc phục tác động của sự kiện đến việc thực hiện hợp đồng. Theo đó, bên có nghĩa vụ phải áp dụng mọi biện pháp trong khả năng cho phép để thực hiện các cam kết và nghĩa vụ ghi nhận tại hợp đồng, thì mới có căn cứ miễn trách nhiệm thực hiện hợp đồng.
Tại Việt Nam, ngày 1/2/2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 173/QĐ-TTg công bố Covid-19 là “Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu”. Do đó, Covid-19 là sự kiện khách quan, nằm ngoài ý chí của các bên tham gia hợp đồng, các bên không thể lường trước được hậu quả mà Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên, để Covid-19 có thể được xem là sự kiện bất khả kháng, cần đáp ứng thêm các điều kiện, như bên có nghĩa vụ đã nỗ lực áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép để khắc phục tác động của Covid-19 tới việc thực hiện hợp đồng hay chưa? Covid-19 có phải là nguyên nhân trực tiếp làm bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng hay không?
Bà có thể đưa ra và phân tích một vài ví dụ về trường hợp bất khả kháng liên quan tại Việt Nam? Có thể coi Covid-19 là một sự kiện bất khả kháng để xem xét áp dụng trong các hợp đồng vay vốn không?
Khoản 2, Điều 351, Bộ luật Dân sự quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng, thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Liên quan nghĩa vụ thanh toán trong các hợp đồng hợp đồng vay, khoản 1, Điều 466, Bộ luật Dân sự quy định: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn”.
Dù pháp luật Việt Nam không nêu rõ, nhưng có thể hiểu, nghĩa vụ thanh toán là nghĩa vụ không thể được miễn trừ, vì sự kiện này có thể khắc phục được (doanh nghiệp hoàn toàn chưa mất thanh toán hoặc đi vay bên thứ ba...) và rất khó để chứng minh việc đã “áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Do vậy, theo tôi, quy định sự kiện bất khả kháng để miễn trừ nghĩa vụ là rất khó có thể áp dụng trong thực tiễn.
Chính phủ cần có những chính sách như thế nào để bảo vệ nhà đầu tư và doanh nghiệp trước nguy cơ bị phá sản hoặc không thể thực hiện được dự án?
Theo tôi, Chính phủ cần có những biện pháp để hỗ trợ, kích thích tài chính của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Các hình thức hỗ trợ có thể là gia hạn nợ, giảm lãi suất, điều chỉnh linh hoạt thời điểm thanh toán nợ hay lãi, khoanh nợ, giãn nợ, lùi thời gian nộp các khoản nghĩa vụ với ngân sách, giảm các khoản nộp, phí để giảm bớt một phần gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Chính phủ và chính quyền địa phương và các bộ, ngành có thể hỗ trợ thông tin, nhằm giúp doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, tìm các nguồn cung ứng thay thế...
Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và phải điều chỉnh các khuôn khổ pháp lý của mình theo thông lệ quốc tế và thông lệ chung của các đối tác. Bà có khuyến nghị gì về vấn đề này?
Theo tôi, chúng ta cần hoàn thiện thể chế, hoàn thiện khung pháp lý hơn nữa. Cần tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực quản lý, đồng thời cải cách thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư.