Dữ liệu cá nhân là “tài sản” quan trọng của nền kinh tế số và cũng có thể hiểu là “tài sản” quan trọng của các công ty tài chính, thưa ông?
Dữ liệu cá nhân là những đặc tính, đặc tả liên quan đến cá nhân. Do đó, nếu tài sản với tư cách là khách thể quyền sở hữu thì dữ liệu cá nhân chưa phải là tài sản. Ví dụ: Hồ Minh Tâm là tên tôi, là dữ liệu cá nhân tôi, nhưng tôi không sở hữu tên này, vì tên này ai cũng có thể đặt được. Chỉ khi dữ liệu được tập hợp lại, cấu trúc lại, hệ thống lại… mới tạo thành cơ sở dữ liệu có thể khai thác để đưa ra thông tin.
Tổ chức bỏ nguồn lực thu thập cơ sở dữ liệu, sau đó mới tiến hành phân tích và khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Do đó, nói một cách chính xác hơn, cơ sở dữ liệu mới là tài sản. Đối với các công ty tài chính, cơ sở dữ liệu là “tài sản” quan trọng do nó tạo ra nguồn thông tin chủ yếu để ra các quyết định kinh doanh và vận hành hàng ngày.
Các công ty tài chính sẽ sử dụng dữ liệu cá nhân như thế nào?
Công ty tài chính có hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ lưu trữ nhiều dữ liệu cá nhân tại cơ sở dữ liệu của mình. Dữ liệu của một cá nhân khi sắp xếp lại sẽ tạo ra “chân dung” một khách hàng.
Công ty tài chính sử dụng thông tin này để thực hiện 2 việc chính: một là, xác thực khách hàng là một thực thể có thật, xác định các dữ liệu về khách hàng là chân thực, chính xác; hai là, sử dụng phương pháp đối chiếu với một thang đo để đánh giá mức độ khả tín (creditability) của khách hàng. Mức độ khả tín không chỉ nằm ở phạm vi khách hàng có đủ điều kiện “tín chấp” hay không, mà còn ở việc với một trường hợp cụ thể, mức cấp tín dụng nên là bao nhiêu để duy trì được khả năng trả nợ, từ đó đảm bảo độ khả tín.
Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit |
Chắc hẳn, dữ liệu cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí trong hoạt động của các công ty tài chính?
Khả năng phân tích được thông tin có ý nghĩa, có giá trị để trợ giúp ra quyết định từ cơ sở dữ liệu sẽ giúp tổ chức ra nhiều quyết định đúng đắn và đi liền với đó là giảm chi phí hoạt động, giảm chi phí tổn thất đến từ rủi ro hoạt động.
Hàng năm, ước tính tổn thất do gian lận thẻ tín dụng của riêng khu vực châu Âu lên tới hàng tỷ USD, phổ biến nhất là các tổn thất đến từ việc đối tượng chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng (số thẻ, số CVV) và kể cả mã xác thực OTP của khách hàng, từ đó thực hiện các giao dịch như rút tiền mặt, mua hàng hóa… mà khách hàng không hề hay biết cho đến khi sự việc được phát giác.
Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn nữa, khi công ty tài chính ứng dụng công nghệ sử dụng hình ảnh khuôn mặt của khách hàng để xác thực khách hàng trong khâu thanh toán của thẻ tín dụng, tình trạng tổn thất gian lận thẻ tín dụng khả năng sẽ giảm triệt để. Hình ảnh khuôn mặt khách hàng cũng chính là một loại hình dữ liệu cá nhân và ví dụ ở trên cho thấy, nếu biết khai thác và sử dụng dữ liệu cá nhân đúng đắn thì công ty tài chính, người tiêu dùng và cả xã hội sẽ được hưởng lợi.
Quản lý cơ sở dữ liệu cá nhân đứng trước 2 bài toán tưởng chừng như mâu thuẫn là chia sẻ và bảo mật |
Với tầm quan trọng như vậy, chính sách bảo vệ dữ liệu chắc hẳn các công ty tài chính phải áp dụng rất nghiêm ngặt?
Nếu đứng từ góc nhìn cấu thành chi phí lớn nhất là chi phí thu thập cơ sở dữ liệu thì rõ ràng, chính sách bảo vệ dữ liệu phải nghiêm ngặt là đương nhiên. Thực tế, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến thất thoát dữ liệu: một là sự thất thoát dữ liệu do bị tấn công đánh cắp (tin tặc) từ bên ngoài; hai là sự rò rỉ dữ liệu từ bên trong vốn xuất phát từ nhân sự hoặc quy trình không hoàn hảo của nội bộ công ty.
Do vậy, mọi biện pháp bảo vệ dữ liệu đều phải được đầu tư xây dựng và rà soát liên tục, không có điểm dừng. Ngoài phương pháp, mô hình, trình độ chuyên môn của nhân sự phân tích, thống kê, một trong những yếu tố tiên quyết là cơ sở dữ liệu phải “sạch” từ đầu vào là dữ liệu “sạch”, mà muốn có điều này thì chi phí đầu tư máy móc thiết bị, con người, quy trình, bảo vệ và bảo mật là con số không hề nhỏ.
Chi phí lớn thứ hai chính là bảo vệ và bảo mật, vì cơ sở dữ liệu là tài sản số, mà đã là tài sản số thì nó có thể bị nhân bản. Lấy ví dụ, chúng ta có chiếc xe hơi trị giá hàng tỷ đồng, nhưng để nhân bản nó là bất khả thi. Song, đối với cơ sở dữ liệu thì khác, nó có thể được nhân bản lên vô số lần chỉ bằng một câu lệnh máy tính và khi đã nhân lên nhiều bản thì tài sản sẽ bị giảm giá trị, cho dù không suy giảm chất lượng.
Ông dự báo về tương lai của các công ty tài chính trước “làn sóng” dữ liệu cá nhân được mở rộng trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Việc Nhà nước nỗ lực chuyển đổi căn cước công dân sang thẻ chip cho thấy tầm quan trọng của dữ liệu và cơ sở dữ liệu cá nhân. Đây là yếu tố đóng vai trò chi phối trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Khi cơ sở dữ liệu này hoàn thiện và có những quy định trong việc chia sẻ thì các công ty tài chính sẽ không còn phải đầu tư nguồn lực cho cơ sở dữ liệu xác thực của chính mình. Điều này sẽ giúp tiết kiệm rất lớn chi phí vận hành cho công ty tài chính trong công đoạn xác thực khách hàng (Know Your Customer - KYC).
Thế nhưng, một vấn đề nữa được đặt ra là liệu khách hàng có được hưởng lợi từ việc này? Liệu chi phí giảm thiểu này sẽ được công ty tài chính chuyển thành giảm lãi suất cho khách hàng, hay được sử dụng để chi cho các chiến dịch marketing mở rộng khách hàng ồ ạt khiến hệ số nợ của khách hàng tăng và mắc vào “bẫy nợ”? Trên thực tế, trường hợp thứ hai đã xảy ra ở một số quốc gia trong khu vực. Chúng ta cần tỉnh táo để chuyển đổi số đem lại lợi ích cho số đông và cũng chính là lợi ích lâu dài, bền vững của tổ chức tài chính.
Xu hướng chuyển đổi số là không thể đảo ngược. Những bước đi đầu tiên của cách mạng 4.0 đã chứng thực một năng suất vượt trội. Việc quản lý cơ sở dữ liệu cá nhân tối ưu cũng đứng trước bài toán tưởng chừng như mâu thuẫn là chia sẻ và bảo mật. Chỉ khi giải được các bài toán này thì chúng ta mới tận hưởng được thành quả của năng suất lao động xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là không đánh đổi quyền riêng tư và các giá trị nhân bản của con người.