Không còn tình trạng CTCK hụt thanh khoản

(ĐTCK) “Qua triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, nhất là xử lý các hành vi vi phạm của CTCK, dù là nhỏ nhất, nên từ đầu năm đến nay, không có CTCK nào rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản…”, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết.
Ông Phạm Hồng Sơn

Ông Phạm Hồng Sơn

Thị trường đang có những quan ngại về tình trạng “vượt rào” của CTCK trong cung cấp dịch vụ cho vay giao dịch ký quỹ (margin). Qua hoạt động thanh, kiểm tra, UBCK đánh giá hiện trạng này có nghiêm trọng không và đang áp dụng các biện pháp xử lý nào để giảm thiểu hành vi vi phạm này, thưa ông?

Đến thời điểm này, UBCK cho phép gần 50 CTCK được cung cấp dịch vụ margin, trong đó 38 công ty đã triển khai dịch vụ này, số còn lại đang hoàn chỉnh các công việc liên quan để triển khai. Kết quả thanh tra, kiểm tra của UBCK cho thấy, các CTCK chấp hành các quy định về margin tương đối tốt. Hầu hết các CTCK đều sử dụng các phần mềm trong cung cấp dịch vụ margin, thay vì chủ yếu triển khai theo phương thức thủ công như trước đây, nên đảm bảo công bằng hơn cho khách hàng, giúp CTCK hoạt động an toàn hơn, đồng thời các lỗi vi phạm (nếu có) đều được thể hiện trên hệ thống.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng như CTCK đã có nhận thức tốt hơn về những lợi ích và rủi ro của dịch vụ margin, nên bản thân họ ngày càng nâng cao ý thức trong quản trị rủi ro. Điều này giúp giảm thiểu những mặt tác động không tích cực của dịch vụ margin. Đây cũng là một trong những lý do giúp TTCK vận hành ổn định trong 10 tháng qua, mặc dù giá trị giao dịch và mức độ sử dụng dịch vụ margin tăng khá cao. Thời điểm cuối tháng 10/2014, tổng số tiền mà các CTCK cho vay margin khoảng 17.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với 15.000 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2014.

Với những trường hợp vi phạm quy định về margin, dù là với lỗi nhỏ nhất, UBCK cũng nghiêm khắc xử phạt. Đơn cử trường hợp của CTCK An Bình, tuy lỗi vi phạm xảy ra từ năm 2013, khi cho 2 khách hàng vay margin để giao dịch chứng khoán ngoài danh mục công bố với số tiền 100 - 200 triệu đồng và Công ty đã khắc phục lỗi này, nhưng qua hoạt động kiểm tra định kỳ năm 2014, UBCK vẫn xử phạt, để đảm bảo minh bạch, công bằng, tạo sự răn đe… Với những CTCK vẫn còn hợp đồng hợp tác đầu tư, UBCK yêu cầu phải khẩn trương tất toán dứt điểm và các CTCK chấp hành tương đối tốt. 

Không chỉ việc cung cấp dịch vụ margin, theo ý kiến của một số CTCK, các hoạt động khác cũng đang bị UBCK kiểm soát quá chặt. Quan điểm của UBCK về vấn đề này, thưa ông?

Thời gian đầu khi áp dụng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính, có CTCK không đồng thuận triển khai. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế các hành vi vi phạm của CTCK thường tác động tiêu cực đến khách hàng, thị trường, nên quan điểm của UBCK là luôn quản lý chặt chẽ hoạt động của khối công ty này. UBCK cũng thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của các CTCK, trên cơ sở đó xem xét thấu đáo để vấn đề gì tháo gỡ được nhằm hỗ trợ CTCK thuận lợi hơn trong hoạt động, sẽ sẵn sàng tháo gỡ, còn những vấn đề thuộc về nguyên tắc quản lý chặt chẽ hoạt động của khối CTCK, thì tiếp tục duy trì, thậm chí áp dụng theo hướng siết chặt hơn, đảm bảo cho sự phát triển an toàn, lành mạnh của thị trường. Chẳng hạn, theo lộ trình, năm 2015 mới áp dụng Quy chế hướng dẫn xếp loại CTCK (Quy chế Camel), nhưng UBCK đã ban hành và áp dụng sớm 2 năm... Những giải pháp này đã mang lại kết quả tích cực, khi sức khỏe của các CTCK đang có sự cải thiện rõ rệt trong thời gian gần đây. 

Cụ thể đó là những cải thiện nào, thưa ông?

Nhờ theo đuổi các giải pháp quản lý quyết liệt trên, cũng như mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm, nên từ đầu năm 2014 đến nay, không có CTCK nào rơi vào diện bị mất thanh khoản. Đây là bước tiến đáng mừng, vì từ đầu năm đến nay, có những phiên giá trị giao dịch lên tới 3.000 - 4.000 tỷ đồng, với khối lượng khách hàng giao dịch lớn, khoảng 200.000 lượt/phiên, nhưng hệ thống hạ tầng giao dịch của các CTCK, cũng như toàn thị trường vẫn vận hành an toàn, thông suốt. Các CTCK ngày càng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đảm bảo thanh khoản. Nếu để xảy ra tình trạng mất thanh khoản, không chỉ ảnh hướng xấu đến uy tín của chính công ty, mà còn bị UBCK, Sở GDCK, Trung tâm lưu ký vào cuộc xử lý nghiêm khắc. Qua thực tế kiểm tra hoạt động của các CTCK cho thấy, các CTCK ngày càng coi trọng quản trị rủi ro. Nhiều CTCK đã thuê công ty kiểm toán lớn tư vấn, xây dựng hệ thống quản trị rủi ro đồng bộ, bài bản.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các CTCK, UBCK tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp, nhằm ngày càng nâng cao tính tuân thủ của các CTCK trên 3 trụ cột: tuân thủ các chỉ tiêu an toàn tài chính, quy chế Camel và quy chế quản trị rủi ro. UBCK cũng đang lên kế hoạch triển khai các chính sách mới nhằm nâng cao tính minh bạch, sức khỏe hoạt động của các CTCK. Trong đó, nổi bật là Thông tư 146/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với CTCK, công ty quản lý quỹ, sẽ có hiệu lực từ ngày 21/11 tới, với việc lần đầu tiên định ra cơ chế cho phép CTCK được trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán chưa niêm yết và chưa đăng ký giao dịch (OTC).

Theo cập nhật của UBCK, TTCK có tín hiệu khởi sắc đã giúp kết quả kinh doanh của các CTCK khả quan hơn. Quý III/2014, 78% CTCK kinh doanh có lãi, đảo ngược so với cùng kỳ năm ngoái khi có tới gần 70% CTCK thua lỗ. Gần 20% CTCK báo lỗ trong quý III/2014, nhưng số lỗ giảm đáng kể, chỉ khoảng 36 tỷ đồng.

Tin bài liên quan