Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại thấp nhất trong lịch sử

Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại thấp nhất trong lịch sử

Không còn nhiều dư địa hạ lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất tiết kiệm được dự báo giảm nhẹ trong quý đầu năm, nhưng sau đó sẽ duy trì ổn định trong năm nay.

Dư địa giảm lãi suất tiết kiệm không còn nhiều

Đánh giá được đưa ra từ các chuyên gia của VinaCapital, lãi suất có thể bình ổn trong năm 2024, trên cơ sở lạm phát không đáng ngại vì Trung Quốc đang xuất khẩu giảm phát. Đồng USD dự báo sẽ giảm giá khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bước vào lộ trình hạ lãi suất, kéo theo áp lực với tỷ giá năm tới không lớn. Từ những yếu tố trên, chuyên gia VinaCapital cho rằng, Việt Nam ít có khả năng tăng lãi suất trong năm 2024, nhưng cũng không còn quá nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất.

Ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng Đầu tư của VinaCapital nhận định, nền kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn còn đối mặt với những khó khăn và thách thức nhất định. Nhưng ông tin rằng, lạm phát và chu kỳ tăng lãi suất trên thế giới sẽ sớm kết thúc và lãi suất có thể quay đầu giảm trong năm 2024.

Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, để giải quyết bài toán tăng trưởng của nền kinh tế, hàng loạt biện pháp hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa đã được triển khai. Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành trong năm qua, góp phần định hướng mặt bằng lãi suất thấp hơn. Với việc lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và nền kinh tế đang cho thấy đà hồi phục nhất định, vị lãnh đạo trên kỳ vọng, NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5%/năm trong năm nay.

Trong khi đó, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Dragon Capital cho rằng, về chính sách tiền tệ, mặc dù lãi suất cho vay và huy động đều đã về mức thấp hơn giai đoạn đại dịch Covid-19, nhưng mức thấp kỷ lục này vẫn có thể bị phá vỡ.

Trước đó, vào tháng 10/2023, Dragon Capital từng dự báo lãi suất sẽ tiếp tục giảm và quỹ này vẫn tin sẽ có một đợt hạ lãi suất trong vòng vài tháng tới.

Lý giải về nhận định này, TS. Lê Anh Tuấn cho rằng, lãi suất và lạm phát luôn có sự tương quan nhất định. Với tốc độ phục hồi kinh tế tương đối yếu như hiện tại, lạm phát không phải vấn đề đáng ngại, quan trọng là tăng trưởng. Do đó, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng vẫn còn. Thêm vào đó, nhiều tổ chức kỳ vọng Fed có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến với tần suất 6 - 7 lần trong năm 2024. Chỉ cần Fed có sự quay đầu về chính sách, Việt Nam sẽ có đợt hạ lãi suất tiếp theo. Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng tuyệt đối để hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thường độ thẩm thấu của lãi suất từ 9 - 12 tháng. Bối cảnh vĩ mô cũng duy trì sự ổn định khi tỷ giá dự báo được điều chỉnh linh hoạt trong biên độ +/-3% trong năm 2024.

Ngược lại, các chuyên gia phân tích của Ngân hàng Standard Chartered lại bày tỏ lo ngại lạm phát sẽ quay trở lại, đồng thời kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi có thể khiến Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản trong quý IV/2024. Với việc giá trị của USD sẽ giảm khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất, đồng thời lạm phát vẫn đang được kiểm soát, khả năng Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất khó xảy ra. Tuy nhiên, dư địa giảm lãi suất điều hành cũng không còn nhiều. Do đó, các nhà phân tích kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,5%/năm trong suốt năm 2024.

Lãi vay sẽ giảm thêm

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM nhận xét, lãi suất cho vay tại các nhà băng đã giảm sâu so với đầu năm 2023, nhưng nhu cầu vay vốn vẫn chưa tăng lên. Nguyên nhân là doanh nghiệp không bán được hàng hóa nên không thể mở rộng sản xuất. Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn một số khó khăn như tình hình tài chính chưa minh bạch, thiếu tài sản thế chấp… nên tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng còn hạn chế.

Cũng theo ông Tuệ, hiện các ngân hàng cũng có nhu cầu đẩy mạnh tín dụng, song việc kết nối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vẫn còn gặp rào cản. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đã đề nghị ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách hy sinh một phần lợi nhuận để giảm thêm lãi vay cho các doanh nghiệp.

Ông Mai Phạm Tuấn - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Indovina chia sẻ, không riêng ngân hàng nội mà các ngân hàng ngoại cũng đặt mục tiêu phát triển khách hàng SME. Các ngân hàng đều đầu tư chuyển đổi số với mục tiêu tiết giảm chi phí, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng nhanh hơn. Tuy nhiên, phía các doanh nghiệp cũng có vướng mắc về minh bạch tài chính, các doanh nghiệp SME phải thuê công ty tư vấn để làm lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp. Ngân hàng phải đảm bảo nguồn vốn hoạt động an toàn, hiệu quả, do đó chỉ cấp tín dụng khi tài chính doanh nghiệp minh bạch. Vì vậy, doanh nghiệp đảm bảo tài chính rõ ràng, giúp tiếp cận vốn tín dụng nhanh.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, ngành ngân hàng đã thực hiện chương trình nhằm hỗ trợ vốn tốt nhất cho doanh nghiệp. Các ngân hàng tại TP.HCM vẫn nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian giao dịch cũng như chi phí cho doanh nghiệp.

Còn theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong năm 2024, cơ quan quản lý tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng..., phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Từ góc nhìn của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng, sở dĩ lãi suất huy động giảm, tiền gửi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng là do các kênh đầu tư khác còn ảm đạm, do đó, ngân hàng có điều kiện giảm lãi vay kích cầu vốn năm nay.

Chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển cũng cho hay, dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản vẫn có nhiều rủi ro. Lúc này, thanh khoản ngân hàng dồi dào sẽ giảm thêm lãi suất cho vay, nhất là trước thực trạng tín dụng chưa chảy mạnh hiện nay muốn kích cầu tín dụng phải giảm thêm lãi suất để thu hút khách hàng.

Các chuyên gia tài chính cũng đưa ra nhận định rằng, năm 2024, góc độ tiếp cận tín dụng có nhiều điều kiện thuận lợi. Lãi suất thấp và ổn định tạo điều kiện thuận lợi. Ngân hàng Nhà nước đã giao luôn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn ngành là 15% ngay từ đầu năm, giúp các tổ chức tín dụng chủ động trong hoạt động tín dụng. Bên cạnh đó, các khó khăn địa chính trị từ thế giới đã được nhận diện. Cùng với đó, Chính phủ thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư công. Tuy nhiên, trước các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, bản thân các doanh nghiệp phải minh bạch tài chính mới tăng được khả năng tiếp cận vốn vay.

Tin bài liên quan