Không còn là "con cưng" của Phố Wall, Alibaba đang xuống dốc?

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi trí tuệ nhân tạo đang cất cánh thì Alibaba đối mặt với 12 tháng sóng gió, làm dấy lên nghi ngờ về tương lai của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc.
Alibaba bị cơ quan chức năng Trung Quốc tuyên phạt 2,8 tỷ USD vào năm 2021 do vi phạm quy định chống độc quyền. Ảnh: AFP

Alibaba bị cơ quan chức năng Trung Quốc tuyên phạt 2,8 tỷ USD vào năm 2021 do vi phạm quy định chống độc quyền. Ảnh: AFP

Vị thế thị trường đang bị xói mòn

Vốn đã lên dây cót đón bắt cơ hội ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) từ thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đối với đơn dịch vụ điện toán đám mây Cloud Intelligence Group (CIG), nhưng tập đoàn Alibaba đã bất ngờ rút lại kế hoạch niêm yết vào tháng 11/2023. Giá trị thị trường tại Mỹ của tập đoàn này giảm xuống thấp hơn so với đối thủ thương mại điện tử PDD, một chỉ dấu về những khó khăn mà ngành công nghệ đang đối mặt.

Trong quá khứ, Alibaba từng nắm bắt tốt cơ hội từ bùng nổ công nghệ toàn cầu và mua sắm trực tuyến với việc tiến hành thành công thương vụ IPO lớn nhất thế giới vào năm 2014.

Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, Alibaba là "gương mặt" tiêu biểu trong danh sách các công ty công nghệ internet được Trung Quốc áp dụng "nắn gân" pháp lý. Bằng chứng là, "gã khổng lồ" thương mại điện tử này đã phải nhận án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD với cáo buộc hành vi độc quyền vào năm 2021. Tăng trưởng kinh tế chậm lại trong những năm gần đây cũng không giúp ích gì cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.

Kế hoạch niêm yết Cloud Intelligence Group bị hủy bỏ và sự biến động nhân sự ở tầng quản lý vào năm ngoái đã phản ánh những vấn đề lớn của Alibaba - một tập đoàn từng đóng vai trò là đầu mối thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc. Cổ phiếu của Alibaba đến nay đã giảm xuống dưới 77 USD một cổ phiếu, “bốc hơi” 75% so với mốc hơn 300 USD được thiết lập vào năm 2020.

"Tôi cho rằng có một số vấn đề nội bộ sâu sắc. Và do đó, bây giờ chắc chắn phải có… một cuộc đấu tranh nội bộ rõ ràng giữa việc họ (Alibaba - BTV) sẽ thoát khỏi tình trạng này như thế nào vì họ đang thực sự sa sút", ông Duncan Clark, cố vấn thời đầu của Alibaba và hiện là chủ tịch công ty tư vấn đầu tư BDA (Bắc Kinh), đánh giá.

"Điều cốt lõi là vị thế thị trường của họ đang bị xói mòn, những gì họ đang làm về mảng video, livestream (phát trực tiếp - BTV) và cách họ phản hồi Douyin, cộng với cách họ quản lý tất cả các nền tảng khác và tất cả những xáo trộn trong quản lý", ông Clark cho biết.

"Về cơ bản nó là một mớ hỗn độn", ông Clark nhận xét.

Trên thực tế, Douyin, được ví là phiên bản "TikTok" Trung Quốc của ByteDance, từng gặt hái thành công rực rỡ ở thị trường tỷ dân khi hoạt động livestream bán hàng nở rộ. Tuy nhiên, những người tiêu dùng có xu hướng săn hàng giá rẻ ở Trung Quốc đã chuyển sang săn hàng trên nền tảng bán lẻ trực tuyến Pinduoduo.

Được thành lập năm 1999 bởi Jack Ma, Alibaba có "tuổi đời" hơn hẳn so với ByteDance hay Pinduoduo.

Ông Brian Wong, cựu phó chủ tịch Alibaba cho biết: "Về mặt con người mà nói, có những người sẽ rời bỏ tập đoàn này, họ có thể cảm thấy tập đoàn này quá lớn và quan liêu, đó là thực tế".

Đổi “tướng” để tập trung cho dịch vụ đám mây

Alibaba công bố kế hoạch IPO đơn vị dịch vụ đám mây sau khi triển khai thực hiện cuộc đại tu cơ cấu quy mô lớn vào tháng 3 năm ngoái, sau đó là một số thay đổi về vị trí quản lý liên quan đến mảng dịch vụ đám mây.

Ông Eddie Wu trở thành Giám đốc điều hành Alibaba vào tháng 9/2023 và cũng là người đứng đầu mảng kinh doanh dịch vụ đám mây. Ông kế nhiệm Trudy Dai - người đứng đầu mảng kinh doanh thương mại điện tử Taobao và Tmall vào tháng 12.

Trước đó, ông Daniel Zhang, cựu giám đốc điều hành Alibaba, người đã dẫn dắt mảng kinh doanh dịch vụ đám mây của tập đoàn này từ tháng 12/2022, đã bất ngờ nghỉ việc vào tháng 9/2023.

"Sự rút lui của ông Zhang phản ánh một số yếu kém trong quản lý mảng dịch vụ đám mây, điều này rất quan trọng vì họ coi đó là vấn đề cốt lõi thực sự cho quá trình tái cơ cấu của mình", ông Clark nhận xét.

Vấp phải sự cạnh tranh của Huawei

Alibaba từng dẫn đầu ngành kinh doanh dịch vụ đám mây tại Trung Quốc. Theo công ty phân tích thị trường công nghệ Canalys (Singapore), Alibaba hiện vẫn là công ty lớn nhất trên thị trường dịch vụ đám mây Trung Quốc trong quý III/2023, theo sau là Huawei và Tencent.

Nhưng nhà phân tích Yi Zhang của Canalys dự đoán rằng thị phần của Huawei sẽ tăng dần, bởi năm 2022 Huawei đã bắt đầu tập trung cải thiện kết nối với các đối tác kinh doanh nhằm thúc đẩy mảng dịch vụ đám mây, thông qua chiến lược phát triển hệ sinh thái gồm các chuyên gia và nhà phát triển công nghệ. Ngược lại, các đơn vị kinh doanh dịch vụ đám mây của Alibaba và Tencent chỉ mới bắt đầu theo đuổi chiến lược tương tự vào năm ngoái.

Cách tiếp cận như vậy có thể mang lại hiệu quả trong bối cảnh thị trường dịch vụ đám mây tại Trung Quốc đang chậm lại mà Canalys đánh giá là đang "phụ thuộc rất nhiều vào chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy tăng trưởng".

Trang tin kinh doanh Trung Quốc 36Kr trích dẫn các nguồn tin cho biết vào tháng 1/2023 rằng các khách hàng chính phủ đã chốt các giao dịch đám mây với Huawei, sau khi suýt mua dịch vụ từ Alibaba.

Tháng 11/2023, Alibaba đổ lỗi cho những biện pháp hạn chế của Mỹ đối với việc bán chip cho Trung Quốc đã khiến tập đoàn này đi đến đến quyết định rút lại kế hoạch niêm yết đơn vị kinh doanh dịch vụ đám mây.

Alibaba cho biết doanh thu kinh doanh trên nền tảng đám mây của họ trong quý III/2023 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ quý II/2023, Alibaba đã gộp cả doanh thu từ hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây với các mảng kinh doanh khác của tập đoàn.

Ông Clark từ công ty tư vấn đầu tư BDA cho rằng Alibaba đã cố gắng phát triển hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây bằng cách lấy các khách hàng lớn từ tay các đại lý bên thứ ba. "Nó có thể giống như một chiến lược tiếp cận thị trường hoặc chiến lược của người bán lại bị thất bại, bởi nhiều người trong số những người bán lại đó ... đã trở nên rất khó chịu và một số người trong số họ sẽ làm việc với những bên nhà cung cấp khác", ông Clark cho biết.

Thị trường IPO toàn cầu sụt giảm

Alibaba vẫn ấp ủ kế hoạch niêm yết công ty dịch vụ logistics Cainiao và chuỗi cửa hàng tạp hóa Freshippo. Nhưng thị trường IPO toàn cầu đang trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt là đối với các công ty Trung Quốc muốn niêm yết ở nước ngoài.

Tờ The Information (Mỹ) dẫn các nguồn tin cho biết một công ty đầu tư quốc tế chỉ định giá công ty dịch vụ đám mây của Alibaba ở mức dưới 25 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 40 tỷ USD mà công ty này muốn.

Alibaba "có một nền tảng khổng lồ về khách hàng và dữ liệu, và đó là kho báu của bất kỳ đơn vị làm AI nào khác. Họ vẫn có những bộ óc tuyệt vời trong tổ chức", ông Brian Wong, cựu phó chủ tịch Alibaba cho biết.

"Tôi nghĩ rằng tất cả các dữ liệu thô đều ở đó, vấn đề là làm thế nào để họ [thực hiện] việc này vào thời điểm quan trọng", ông Brian Wong nói thêm, đồng thời kỳ vọng rằng Alibaba sẽ "giải quyết được vấn đề của mình để chuẩn bị đón những điều lớn lao phía trước".

Tin bài liên quan