Không còn đường lùi tránh cổ phần hóa

Không còn đường lùi tránh cổ phần hóa

Không thể có bất cứ lý do gì để kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong 2 năm 2014-2015 không thực hiện được. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp nào không thực hiện, thì xử lý nghiêm, có thể cắt chức, điều chuyển công việc…

Thông điệp này đã được đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp gửi tới các bộ trưởng các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế trong Hội nghị Triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN năm 2014 - 2015.

Như vậy, động lực để kiên quyết thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa DNNN hai năm tới đã không chỉ là yêu cầu tự thân của từng doanh nghiệp, của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, mà còn là áp lực chính trị của người đứng đầu Chính phủ tới từng vị trí lãnh đạo doanh nghiệp.

Thậm chí, nếu danh sách 432 doanh nghiệp này được công bố công khai, mở rộng cơ hội giám sát thực thi tới cộng đồng xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước, sẽ có không có đường lùi nào cho các doanh nghiệp này.

Cũng phải nói thêm, tại Hội nghị Triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN năm 2014 – 2015, Thủ tướng cũng yêu cầu những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty này cũng phải chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi phụ trách khi chỉ ra rằng, sự chậm trễ trong thực hiện cổ phần hóa DNNN trong 2 năm vừa qua, cho dù có nguyên nhân khách quan từ bối cảnh kinh tế khó khăn, cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện…, song nguyên nhân chính là do sự thiếu quyết liệt trong thực hiện.

Điều này đã khiến yêu cầu tạo ra khu vực DNNN có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và sức cạnh tranh cao hơn, từ đó góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế của mục tiêu tái cơ cấu DNNN đến năm 2015 trở nên áp lực hơn.

Theo các đề án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011-2015 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 531 DNNN sẽ được cổ phần hóa.

Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2013 mới thực hiện cổ phần hóa 99 doanh nghiệp, chưa đầy 19% kế hoạch. Có những bộ, ngành, địa phương có số doanh nghiệp cổ phần hóa lớn nhưng thực hiện rất chậm như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Định, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Đó là chưa kể số lượng doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa không thuộc diện nhà nước cần chi phối có tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp trên 51% còn cao, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng rất chậm trễ. Mới thoái được 4.164 tỷ đồng trong tổng số 21.797 tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính.

Có nghĩa là, mục tiêu mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển doanh nghiệp, cải thiện năng lực quản trị của khu vực doanh nghiệp nhà nước, phát huy hết được nguồn lực hiện có chưa đạt được.

Khi đánh giá về tình hình thực hiện tái cơ cấu DNNN hai năm qua, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng đã phải thừa nhận, hiệu quả của doanh nghiệp chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh thấp, vốn nhà nước tăng mạnh nhưng doanh thu, tỷ suất lợi nhuận, nộp ngân sách, tỷ suất lợi nhuận trên vốn tăng không tương ứng. Một số doanh nghiệp tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao, không an toàn, năng lực cạnh tranh hạn chế. Việc tách bạch giữa hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích vẫn chưa thực hiện được. Đặc biệt, chưa đánh giá được đầy đủ hiệu quả kinh tế - xã hội của DNNN…

Trong khi đó, bức tranh hiệu quả hoạt động của DNNN sau khi sắp xếp, cổ phần hóa lại sáng sủa hơn rất nhiều. Báo cáo của 3.576 doanh nghiệp sau khi đã sắp xếp, cổ phần hóa gửi Bộ Tài chính cho thấy, 85% doanh nghiệp có doanh thu năm sau cao hơn năm trước khi sắp xếp, cổ phần hóa; gần 90% doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn, 86% doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhà nước cao hơn…

Tin bài liên quan