Không còn “đất” cho doanh nghiệp chuyên buôn bán hóa đơn

0:00 / 0:00
0:00
Thống nhất áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên toàn quốc là một trong những nhiệm được Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP.

“Khi HĐĐT thay thế hoàn toàn hóa đơn giấy kể từ ngày 1/7/2022 (hiện tại mới triển khai tại 6 địa phương) chắc chắn sẽ giảm thiểu tình trạng buôn bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp”, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) khẳng định.

Sau 2 tháng chính thức sử dụng HĐĐT (kể từ 21/11/2021) tại tại 6 địa phương, thưa ông, tình hình triển khai HĐĐT thế nào?

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế)
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế)

Bước đầu kết quả rất khả quan. Đến nay, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận đề nghị, ký hợp đồng và đăng tải công khai thông tin của hàng chục tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT lên Cổng thông tin điện tử để doanh nghiệp, người nộp thuế lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ theo yêu cầu.

Chính việc triển khai HĐĐT bước đầu rất thành công nên Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã yêu cầu năm nay, ngành tài chính nói chung, ngành thuế nói riêng phải đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, thống nhất quản lý, sử dụng HĐĐT, áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022.

Tôi tin chắc rằng, việc xóa sổ hóa đơn giấy kể từ ngày 1/7/2022 sẽ thực hiện được vì 6 địa phương đi tiên phong trong triển khai HĐĐT đã chiếm 60% số doanh nghiệp đang hoạt động và 70% lượng hóa đơn của cả nước.

Trên thực tế, HĐĐT đã được thí điểm áp dụng từ năm 2010, nhưng tình trạng gian lận hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn không hề giảm. Ông có kỳ vọng việc thay thế hoàn toàn hóa đơn giấy bằng HĐĐT sẽ giảm được tình trạng này?

Trong hơn chục năm qua, HĐĐT mới được thí điểm áp dụng, chủ yếu do doanh nghiệp tự nguyện, chứ không bắt buộc, nên số lượng HĐĐT không nhiều. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ chủ yếu vẫn sử dụng hóa đơn giấy, nên tình trạng gian hóa đơn, thậm chí là mua bán hóa đơn bất hợp pháp chủ yếu được thực hiện với hóa đơn giấy.

Trước đây, doanh nghiệp được khởi tạo và phát hành HĐĐT không phải theo định dạng của cơ quan thuế. Doanh nghiệp cũng không phải truyền dữ liệu về cơ quan thuế, nên việc gian lận thuế thông qua hóa đơn, thậm chí chiếm đoạt ngân sách nhà nước thông qua hoàn thuế giá trị gia tăng chắc chắn sẽ xảy ra khi thay thế hóa đơn giấy bằng HĐĐT. Chính vì vậy, HĐĐT mới bao gồm cả loại có mã và không có mã của cơ quan thuế cũng như hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền bắt buộc pháp lập theo định dạng chuẩn, thống nhất của cơ quan thuế và khi sử dụng, bắt buộc người nộp thuế phải chuyển dữ liệu về cơ quan thuế.

Dữ liệu mà cơ quan thuế có được sẽ phục vụ công tác quản lý thuế, trong đó có việc ngăn chặn gian lận tiền thuế, trốn thuế, chiếm đoạt ngân sách nhà nước thông qua hóa đơn. Dữ liệu này còn phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của các cơ quan khác, đồng thời phục vụ chính bản thân người nộp thuế.

Tựu trung, liệu HĐĐT có chấm dứt được tình trạng gian lận thuế, chiếm đoạt ngân sách nhà nước?

Lợi ích của HĐĐT đã đem lại cho các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, cơ quan thuế nói riêng, cho xã hội, cho nền kinh tế đã được chứng minh ở rất nhiều nước và với những doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn này trong hơn 10 năm vừa qua. Còn việc chấm dứt được tình trạng buôn bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế là mong mỏi không chỉ của cơ quan thuế, mà của toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp làm ăn chân chính luôn mong muốn có môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng, không thể ngăn chặn hoàn toàn được việc gian lận hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, nhưng chắc chắn, tình trạng này sẽ giảm hơn rất nhiều so với sử dụng hóa đơn giấy, vì hiệu quả quản lý sẽ cao hơn rất nhiều. Những doanh nghiệp thành lập ra chỉ nhằm buôn bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế sẽ không có đất để tồn tại.

Ông có thể minh chứng?

Khi sử dụng hóa đơn giấy, doanh nghiệp mua bán hóa đơn bất hợp pháp lòng vòng qua nhiều doanh nghiệp, tại nhiều địa phương, nhưng phải mất ít nhất 3-4 tháng sau cơ quan thuế mới phát hiện ra và phải mất rất nhiều thời gian để truy tìm đường đi của từng tờ hóa đơn, đặc biệt với hóa đơn được mua bán với “doanh nghiệp ma” (doanh nghiệp không có địa chỉ kinh doanh).

Nhưng với HĐĐT, ngay sau khi doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phát hành, toàn bộ dữ liệu đã được chuyển về Hệ thống HĐĐT và được xử lý tự động hóa.

Đối với những doanh nghiệp mới hoạt động mà xuất ngay cả ngàn hóa đơn thì ngay lập tức, Hệ thống đưa ra cảnh báo. Doanh nghiệp đột xuất xuất hóa đơn có giá trị lớn hơn rất nhiều so với bình thường cũng sẽ được Hệ thống cảnh báo. Hay một doanh nghiệp sản xuất chỉ mới được cấp giấy chứng nhận thành lập đã có khối lượng hàng hóa bán ra rất lớn cũng sẽ bị cảnh báo. Các giao dịch với những doanh nghiệp thuộc diện rủi ro cao cũng sẽ bị cảnh báo.

Khi được cảnh báo kịp thời, cơ quan thuế sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay tức khắc nên chắc chắn, tình trạng gian lận hóa đơn sẽ giảm mạnh.

Doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục về HĐĐT, nhưng xuất hóa đơn không kèm theo hàng hóa, dịch vụ; giá trị hàng hóa, dịch vụ cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi trên hóa đơn rất nhiều là có thể “lách” được HĐĐT, thưa ông?

HĐĐT chỉ là một trong những giải pháp để cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước liên quan thực hiện việc quản lý nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng gian lận, góp phần làm minh bạch môi trường đầu tư, kinh doanh, chứ không phải là phép màu có thể chấm dứt được tình trạng gian lận. Còn tình trạng người bán xuất hoá đơn khống cho người mua cần phải thực hiện tổng thể các giải pháp.

Hiện tại, Luật Quản lý thuế đã có quy định về quản lý rủi ro. Cơ quan thuế đã đưa ra các tiêu chí phân loại rủi ro trong tất cả các khâu từ đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế. Doanh nghiệp nào có mức độ rủi ro cao sẽ nằm trong danh sách ưu tiên thanh tra, kiểm tra và khi phát hiện ra hành vi trốn thuế, cơ quan thuế sẽ gửi hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, truy tố, khởi tố theo tội danh trốn thuế.

Trong sản xuất-kinh doanh, đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác, nên trường hợp ghi khống hóa đơn dễ dàng được Hệ thống HĐĐT của Tổng cục Thuế phát hiện và cảnh báo.

Tin bài liên quan