Ông Lê Gia Huấn

Ông Lê Gia Huấn

Không có “vùng tránh” trong công bố thông tin

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Gia Huấn, Giám đốc Euroland (Thụy Sĩ) - đơn vị cung cấp chiến lược về quan hệ NĐT (IR) cho rằng, DN muốn tạo dựng uy tín yêu cầu đầu tiên là phải minh bạch.

Nhìn diễn biến công bố thông tin gần đây, có vẻ như công tác IR nói chung và công bố thông tin nói riêng ở DN đang bị xem nhẹ, thưa ông?

Từ trước đến nay, hoạt động IR nói chung và công bố thông tin trong DN vẫn chỉ ở chừng mực đối phó, làm theo các yêu cầu, quy định từ phía Nhà nước. Công tác IR theo nghĩa thực sự giao tiếp với NĐT vẫn chưa đạt chuẩn.

Thực tế này xuất phát từ cả lý do khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan, do Việt Nam theo văn hóa phương Đông, nên trong cách ứng xử, giao tiếp thường nghiêng về kín kẽ. Đặc biệt, tại những thời điểm DN khó khăn, TTCK không thuận lợi, DN càng có lý do để im lặng. Về chủ quan, do NĐT của chúng ta hiền. Họ không lên tiếng đòi DN phải thực hiện IR nghiêm túc, trong khi NĐT có quyền đó.

 

Vì sao ông không đề cập đến lý do luật lệ và xử phạt còn thiếu nghiêm khắc?

Minh bạch thông tin quan trọng từ DN và từ phía NĐT. Hai bên phải thấy rõ lợi ích từ việc minh bạch thông tin. Nhà nước thực ra chỉ là cơ quan thứ ba, làm công tác quản lý về luật pháp là chính.

 

Khi IR ở đa số DN vẫn chưa đạt chuẩn, liệu có ảnh hưởng nhiều đến DN nói riêng và TTCK nói chung?

Rất ảnh hưởng. Bởi đa số DN vẫn rất cần vốn để đầu tư, thực hiện dự án. Trong khi đó, vốn trong nước khó đáp ứng. Không ít DN phải nhờ đến vốn nước ngoài. Nhưng một khi muốn kêu gọi vốn từ nước ngoài, DN phải tôn trọng luật chơi của họ, đáp ứng các yêu cầu của họ. Đó là phải công khai, minh bạch thông tin. DN phải thuyết phục và phải chứng minh cho NĐT thấy, đồng vốn họ bỏ ra là an toàn, có khả năng sinh lợi.

Ngoài ra, nếu DN làm IR không tốt, NĐT sẽ không nhận biết đúng về DN. Đến khi DN cần gọi vốn, khả năng thành công sẽ thấp hơn. Thực tế, việc gọi vốn - quan trọng không kém việc bán hàng hóa, đã chưa được tiếp thị đầy đủ.

 

Có những thông tin DN thường chậm trễ trong công bố, vì lý do “nhạy cảm”, bí mật kinh doanh hoặc thời điểm chưa thích hợp. Phải chăng, có “vùng tránh” trong công bố thông tin?

Không có “vùng tránh” trong công bố thông tin. Nhưng có thể tùy theo tiến độ dự án, tùy theo mục đích, tùy theo tình huống mà cách công bố thông tin của DN có khác. Ví dụ, nếu DN cần kêu gọi vốn vào một dự án nào đó theo tỷ lệ lớn, để tăng tính thuyết phục trước NĐT, có khi DN phải minh bạch hết mọi thứ.

 

Nếu cơ quan quản lý ban hành thêm các quy định, cũng như tăng mức phạt vi phạm công bố thông tin, thì theo ông, minh bạch thông tin ở DN có cải thiện hơn không?

Vẫn có những cách để DN thiếu minh bạch thông tin, mà không bị “tuýt còi”. Trong khi đó, cơ quan quản lý khó có thể có đủ lực để giám sát hết hàng trăm, hàng ngàn DN hiện nay. Cơ quan quản lý cũng không thể sâu sát từng DN để phát hiện kịp thời những bất thường, sai phạm trong DN.

Thực tế, khi DN đáp ứng các quy định của cơ quan quản lý trong công bố thông tin chưa hẳn đã thỏa mãn hay đủ thuyết phục đối với NĐT. Vì thế, trong công tác IR nói chung và công bố thông tin nói riêng, những giải pháp đưa ra từ cơ quan quản lý không quan trọng bằng việc DN tự ý thức mình cần làm gì để thu hút dòng vốn từ NĐT.