Không có tiến triển nào được công bố trong đàm phán Nga-Ukraine, giới đầu tư giao dịch thận trọng

Không có tiến triển nào được công bố trong đàm phán Nga-Ukraine, giới đầu tư giao dịch thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chỉ số chính của phố Wall hầu hết giảm trong phiên ngày thứ Hai (14/3), khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ và những tên tuổi tăng trưởng lớn trước cuộc họp của Fed vào tuần này.

Phiên này, lĩnh vực công nghệ và tiêu dùng là những nhóm tác động lớn nhất đến chỉ số S&P 500, do Fed dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm trong cuộc họp kéo dài hai ngày tới đây. Lãi suất cao hơn là một tiêu cực đối với cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng vì định giá phụ thuộc nhiều hơn vào dòng tiền trong tương lai.

Trong đó, cổ phiếu của Apple giảm 2,7% và ảnh hưởng nặng nề nhất đến S&P 500 và Nasdaq, sau khi Foxconn, một đơn vị sản xuất iphone chính cho Apple đã tạm dừng hoạt động tại Thâm Quyến do ảnh hưởng từ việc phong tỏa bởi dịch Covid-19.

Còn cổ phiếu Qualcomm, một trong những mã giảm mạnh nhất thuộc S&P 500, lao dốc 7,2%. Cổ phiếu các nhà sản xuất chip khác cũng đều chìm trong sắc đỏ, với Marvell giảm 4,5% và Nvidia giảm 3,4%.

Chỉ số ngành năng lượng giảm 2,9% do dầu thô Brent giảm xuống dưới 110 USD/thùng, một tuần sau khi tăng cao tới 139 USD do cuộc khủng hoảng Ukraine.

Chỉ số Russell 2000 với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã giảm 1,9% và giảm hơn 20% so với mức cao kỷ lục đóng cửa tháng 11 năm ngoái.

Chỉ số biến động VIX, còn được gọi là thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall đã tăng hơn 3% lên 31,77 điểm.

Trong khi đó, Dow Jones đóng cửa đi ngang, nhờ cổ phiếu tài chính và chăm sóc sức khỏe đã hỗ trợ chỉ số này.

Mặt khác, diễn biến trong cuộc xung đột Ukraine-Nga càng khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn, khi các phái đoàn Nga và Ukraine tổ chức vòng đàm phán thứ tư vào thứ Hai, nhưng không có tiến triển nào được công bố.

Kết thúc phiên 14/3, chỉ số Dow Jones tăng 1,05 điểm (+0,00%), lên 32.945,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 31,20 điểm (-0,74%), xuống 4.173,11 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 262,59 điểm (-2,04%), xuống 12.581,22 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, nhờ kỳ vọng nỗ lực ngoại giao của Ukraine và Nga nhằm chấm dứt xung đột kéo dài nhiều tuần.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1,24% lên 436,52 điểm, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin báo hiệu một sự thay đổi tích cực trong các cuộc đàm phán với Ukraine.

Chris Beauchamp, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại sàn giao dịch IG, cho biết: “Cuộc giao tranh ban đầu ở Ukraine đã khiến bùng phát tâm lý ngại rủi ro trên các thị trường tài chính, nhưng hiện tại tình hình dường như đã lắng xuống. Sự can thiệp của phương Tây có vẻ rất khó xảy ra. Bây giờ, có vẻ như tâm lý lạc quan sẽ hồi sinh, nhưng vẫn còn rất nhiều ẩn số cần giải quyết”.

Phiên này, nhóm cổ phiếu ô tô tăng 3,3% dẫn đầu mức tăng giữa các ngành, trong đó, Volkswagen tăng 4,4% nhờ giá xe cao và sự kết hợp sản phẩm thuận lợi hơn đã thúc đẩy lợi nhuận kinh doanh của hãng.

Các nhà đầu tư hiện chờ đợi các quyết định chính sách từ Fed và Ngân hàng Trung ương Anh vào cuối tuần này, với dự kiến cả hai ​​sẽ tăng lãi suất.

Kết thúc phiên 14/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 37,83 điểm (+0,53%), lên 7.193,47 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 301,00 điểm điểm (+2,21%), lên 13.929,11 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 109,69 điểm (+1,75%), lên 6.369,94 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, khi các nhà đầu tư lạc quan hơn về các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine.

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc, với các cổ phiếu liên quan đến tiêu dùng và du lịch bị bán tháo ồ ạt, khi các cơ quan y tế báo cáo sự gia tăng liên tục của các trường hợp nhiễm mới Covid-19, trong bối cảnh triển vọng kinh tế ngày càng u ám.

Chứng khoán Hồng Kông bị bán tháo ồ ạt, khi nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc gây tác động mạnh.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, bị đè nặng bởi lo ngại về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đang diễn ra, trong khi tâm lý phổ biến về việc tăng lãi suất của Fed cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Kết thúc phiên 14/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 145,07 điểm (+0,58%), lên 25.307,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 86,21 điểm (-2,60%), xuống 3.223,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.022,13 điểm (-4,97%), xuống 19.531,66 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 15,63 điểm (-0,59%), xuống 2.645,65 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Hai giảm mạnh nhờ kỳ vọng đàm phán Nga- Ukraine đã giảm bớt tâm lý trú ẩn tài sản của giới đầu tư.

Kết thúc phiên 14/3, giá vàng giao ngay giảm 38,1 USD xuống 1.953 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 5 giảm hơn 10 USD xuống 1.992,8 USD/ounce.

Giá dầu thô giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần nhờ hy vọng về tiến triển đàm phán giữa Nga và Ukraine sẽ thúc đẩy nguồn cung toàn cầu.

Kết thúc phiên 14/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 6,32 USD (-6,14%), xuống 103,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 5,77 USD (-5,40%), xuống 106,90 USD/thùng.

Tin bài liên quan