Ông nhận định thế nào về mối quan hệ giữa chính sách phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế?
Chúng ta đang nói nhiều cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng chất xám rất cao. Trong cuộc cách mạng công nghiệp này, giá trị sản phẩm được quyết định ở hàm lượng chất xám, tạo nên tốc độ tăng trưởng GDP ở cấp số nhân, khác biệt hoàn toàn với cách thức tăng trưởng truyền thống - dựa trên khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ.
TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục - Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Đương nhiên, khi nền tảng phát triển dựa trên hàm lượng chất xám, thì chính sách đầu tư vào giáo dục sẽ quyết định rất lớn tốc độ tăng trưởng.
Tôi lấy ví dụ, Mỹ có tới 70% lao động có trình độ từ cử nhân trở lên, nhưng nước này vẫn thiếu lao động trình độ cao. Biện pháp giải quyết là Mỹ chấp nhận tuyển nguồn từ các quốc gia kém phát triển hơn với quy trình tuyển chọn đáp ứng các điều kiện hết sức nghiêm ngặt. Tình trạng tương tự diễn ra các nhiều nước châu Âu.
Trong khi đó, ở nhiều nền kinh tế đang phát triển đang có sự chuyển dịch công nghệ mạnh mẽ, tăng cường công nghệ cao và thải loại các thế hệ công nghệ cũ. Đi cùng là các chiến lược đầu tư vào giáo dục – đào tạo, thu hút nhân tài và chuyến dịch công nghệ thấp ra các nước khác.
Còn ở Việt Nam thì sao?
Rất tiếc, chúng ta đang đứng trước những thách thức lớn trong xu thế này.
Đó là nguy cơ trở thành nơi nhận chuyển dịch công nghệ thấp, lạc hậu, chỉ cần tuyển dụng lao động tay nghề thấp, thu nhập thấp. Nhìn vào tình trạng đang khá phổ biến là lao động độ tuổi 35 đã bị sa thải để thấy, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động dựa trên lao động phổ thông, chỉ cần sức khỏe, chứ không phải tay nghề.
Nhưng, nếu chiến lược đào tạo nghề phục vụ nhu cầu này của thị trường, chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hơn thế, chiến lược thu hút đầu tư vào công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực đòi hỏi lao động có tay nghề khó đạt nếu không song hành với chiến lược giáo dục – đào tạo tương ứng.
Số liệu thống kê cho thấy, với tỷ lệ tới 70% lao động chưa qua đào tạo, rào cản lớn khiến Việt Nam khó tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thuộc về chính chúng ta.
Nếu không có nguồn nhân lực 4.0, chúng ta đừng kỳ vọng sẽ có nền công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.
Vậy theo ông, đâu là mô hình giáo dục Việt Nam có thể học tập để tạo nguồn lao động chất lượng cao?
Chúng ta không thể hoang tưởng việc hôm nay còn nghèo đói, ngày mai đạt ngay tầm công nghệ 4.0. Công nghệ và nguồn nhân lực sẽ dần dần phải được nâng lên.
Nhưng, trong bước tiến này, nguồn nhân lực đi trước để đáp ứng nhu cầu thay đổi công nghệ. Tất nhiên, khi nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng nhất định sẽ có tích lũy, quay trở lại đầu tư cho giáo dục, từ đó tiếp tục cải thiện nguồn nhân lực. Đó là một vòng tròn liên tục.
Theo tôi, chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải bám rất sát chiến lược phát triển kinh tế, tạo ra cơ cấu lao động phải hợp lý. Cơ cấu này sẽ phải được hoạch định từ những nhà làm chính sách.
Trong các mô hình giáo dục hiện đại, tôi quan tâm tới mô hình giáo dục của tiểu bang California (Mỹ).
California có 3 loại trường, được phân định rõ ràng. Trong đó, 9 trường dẫn đầu là những trường nghiên cứu mạnh, mang tầm thế giới, đào tạo tới trình độ tiến sỹ; 23 trường cấp trung chỉ đào tạo đến trình độ thạc sỹ và 105 trường cao đẳng cộng đồng có mặt khắp tiểu bang.
Cơ cấu nhân lực được chính quyền bang này can thiệp rất mạnh, theo hướng các trường top đầu chỉ được phép tuyển 1/8 học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học; các trường cấp trung tuyển 1/3 số này và số còn lại dành cho các trường cao đẳng cộng đồng.
Điểm đáng lưu ý là ở các trường cao đẳng cộng đồng cũng có 2 chương trình. Chương trình thứ nhất đào tạo đại cương, dành cho những người có nhu cầu học ở trường top trên để lấy bằng cử nhân khi có điều kiện. Chương trình thứ 2 là đào tạo nghề ngắn hạn (một vài tuần) hay đào tạo những nghề dài hạn tới 2 năm cấp bằng cao đẳng thực hành.
Các trường cao đẳng cộng đồng phải đào tạo những nghề mà khu vực trường đóng trụ sở có nhu cầu.
Tính minh bạch trong số liệu tỷ lệ có việc làm quyết định các trường có thu hút được thí sinh hay không. Trong khi, giới tuyển dụng vừa đầu tư vào các trường vừa đặt hàng các trường đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và giáo dục.
Trong khi đó, nhìn vào cách thức đào tạo bậc đại học của Việt Nam, chúng ta đang làm theo hướng thả nổi, thậm chí những trường trọng điểm cấp quốc gia một số ngành chỉ lấy đầu vào bằng điểm sàn. Đây cũng là một lý do khiến đội quân thất nghiệp có bằng đại học gia tăng.
Thông điệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra mới đây là các trường phải công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm làm cơ sở cho thí sinh lựa chọn ngành học. Liệu đây có phải là tín hiệu tốt cho đào tạo nhân lực?
Đấy là tín hiệu tốt, nhưng phải thẳng thắn rằng, đó mới là ý tưởng, cần phải chờ xem thực hiện thế nào.