Không có đường riêng để niêm yết sau IPO

(ĐTCK) “Trong vòng 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. 
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg trên vừa được Bộ Tài chính hướng dẫn bằng văn bản số 2660/BTC-UBCK do Thứ trưởng Trần Xuân Hà ký ban hành.

Theo văn bản này, DN cổ phần hóa, kể cả DN đủ điều kiện niêm yết, đều phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM. Quy định này có thể đi ngược lại với mong muốn của nhiều DN lớn như: Vietnam Airlines, Đạm Phú Mỹ, Vinatex…, khi DN cần một cơ chế cho phép họ niêm yết thẳng sau đấu giá. Tuy nhiên, với quy định mới, không có con đường nào khác đến với sàn niêm yết nếu DN không có thời gian trải nghiệm trên UPCoM.

Thị trường cổ phiếu đăng ký giao dịch (UPCoM) hoạt động từ năm 2009 với mục tiêu thu hẹp dần thị trường giao dịch tự do, mở rộng thị trường có quản lý của Nhà nước. Hiện sàn này có 173 công ty đăng ký giao dịch, với quy mô vốn hóa trên 37.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thanh khoản trên UPCoM luôn là bài toán lớn, khi năm 2013, giá trị giao dịch chỉ đạt vài tỷ đồng/phiên, năm 2014 có cải thiện lớn hơn, nhưng cũng chưa đầy 22 tỷ đồng/phiên.

Nếu các DN tuân thủ đúng quy định trên, sàn UPCoM năm 2015 dự kiến sẽ đón hàng trăm DN mới lên sàn. Tuy nhiên, như tính chất vốn có của UPCoM là sàn bước đệm (sàn này không có tiêu chuẩn, chỉ yêu cầu DN thuộc diện công ty đại chúng là cổ phiếu được đăng ký giao dịch), các DN kinh doanh hiệu quả, mạnh khỏe sẽ sớm bước lên sàn niêm yết. Theo Bộ Tài chính, DN muốn niêm yết tại Sở GDCK Tp.HCM phải tuân thủ các quy định pháp lý, phải có báo cáo tài chính trong vòng 2 năm, trong đó năm trước năm đăng ký niêm yết phải được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập được chấp thuận. Còn DN muốn niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội thì chỉ phải có báo cáo tài chính kiểm toán trong vòng 1 năm, báo cáo năm trước năm đăng ký niêm yết phải được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập được chấp thuận.

Như vậy, so với các công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, DNNN cổ phần hóa khi niêm yết được miễn trừ 2 điểm. Điểm thứ nhất là DN không cần có thời gian bắt buộc hoạt động theo hình thức công ty cổ phần (sàn HOSE là 2 năm, HNX là 1 năm) và cũng không cần phải có đủ 300 cổ đông nắm tối thiểu 20% cổ phần có quyền biểu quyết (theo quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP). Tuy nhiên, DNNN cổ phần hóa lại bắt buộc phải lên UPCoM trước khi lên sàn niêm yết và muốn lên niêm yết, DN vẫn phải đảm bảo các điều kiện tài chính như ROE tối thiểu 5%, hoạt động có lãi, không có nợ quá hạn quá 1 năm…

Bức tranh TTCK được dự báo sẽ có nhiều thay đổi khi các đợt bán đấu giá cổ phần hóa DNNN sẽ liên tiếp được thực hiện trên 2 Sở (năm 2015, dự kiến mỗi tháng có 20-30 DNNN bán đấu giá). Nếu DNNN sau đấu giá tuân thủ đúng trình tự lên sàn, UPCoM sẽ đầy ắp hàng mới, nhưng sàn UPCoM chỉ hấp dẫn nếu thanh khoản được kích hoạt và giao dịch sôi động mỗi ngày.

Tin bài liên quan