Trên TTCK, điểm dễ nhận thấy là đầu tư ngắn hạn chiếm ưu thế và thực tế này nguy hiểm ở chỗ nhà đầu tư mất đi sự quan tâm đến triển vọng dài hạn của DN, của thị trường, không tạo sức ép cải cách. Khi thiếu động lực cải cách, nguy cơ tụt hậu là khó tránh khỏi.
Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Mới đây, tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản) đã đăng tải một bài viết về những tiến bộ mới của Thái Lan trong tham vọng trở thành một trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á. Bài viết đã chỉ ra nhiều thay đổi quan trọng như chính sách thuế ưu đãi hơn và nới lỏng các hạn chế về quyền kinh doanh của các công ty nước ngoài đã phát huy tác dụng.
Sau khi quy định mới về thuế thông qua vào năm 2014, đến năm 2016, Thái Lan đã nhận được 55 đơn xin thành lập hội sở quốc tế (international headquarter, IHQ) và 148 đơn xin thành lập trung tâm kinh doanh quốc tế (international trade center, ITC). Đây là một bước tiến rất quan trọng, vì trong giai đoạn từ năm 2000 - 2014, Thái Lan chỉ thu hút được 150 công ty mở hội sở vùng, thấp hơn nhiều so với Singapore và Hồng Kông với hơn 1.000 hội sở vùng.
Bước tiến của Thái Lan trong chiến lược trở thành trung tâm thương mại và tài chính của khu vực đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Thứ nhất, những hội sở vùng này được thành lập ở Thái Lan có mục tiêu là mở đường tiếp cận thị trường Campuchia - Lào - Myanmar -Việt Nam (CLMV). Một hội sở vùng được thành lập ở Thái Lan đồng nghĩa với việc ít có khả năng một hội sở vùng khác được mở tại các nước CLMV. Tham vọng trở thành cửa ngõ thị trường CLMV và trở thành trung tâm tài chính khu vực CLMV (chứ chưa nói tới Đông Nam Á) của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trước sự lớn mạnh của Thái Lan và vai trò đầu tàu của Singapore.
Thứ hai, sự tồn tại của những hội sở vùng này nhiều khả năng sẽ thúc đẩy nhanh hơn những cải cách về cơ sở hạ tầng mềm như luật pháp, khả năng thu hút đầu tư - thương mại - nhân lực quốc tế và quản trị công ty, cũng như tăng tính cạnh tranh về hạ tầng cứng như cơ sở vật chất kỹ thuật. Việt Nam đang đi sau Thái Lan trong công cuộc cạnh tranh về hạ tầng cứng và mềm, nay họ tăng tốc thì chúng ta càng gặp nhiều khó khăn trong việc bắt kịp họ.
Tụt hậu trong “cuộc chiến” khẳng định vai trò trung tâm của các hội sở vùng sẽ kéo theo tụt hậu trong vai trò trung tâm tài chính, vì suy cho cùng, tài chính chỉ là một mắt xích hỗ trợ cho việc vận hành của các công ty.
Để trở thành một trung tâm kinh doanh và tài chính của khu vực, đòi hỏi cơ sở hạ tầng cứng (cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hệ thống vận chuyển…) và mềm (nền tảng pháp lý, môi trường kinh doanh) hoàn chỉnh hơn đối thủ. Thái Lan thua Hồng Kông và Singapore trong việc giành giật vai trò trung tâm kinh doanh và tài chính khu vực vì họ thua kém về độ sâu hội nhập của hệ thống ngân hàng, số hiệp định thuế quan ký kết với nước ngoài và độ thông thoáng trong kiểm soát vốn và hoạt động kinh doanh. Trong các nhân tố này, không có nhân tố nào Việt Nam tỏ ra vượt trội so với Thái Lan mà cũng không có những đột phá đáng kể trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Chỉ số tạo thuận lợi cho kinh doanh của Việt Nam trong 4 năm trở lại đây không cải thiện đáng kể so với Thái Lan và Malaysia, một số chỉ số đã tụt lại sau Campuchia. Trong ba chỉ số quan trọng cho phát triển một trung tâm tài chính khu vực là thương mại quốc tế, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ và thực thi hợp đồng thì xếp hạng của Việt Nam tụt xa sau Thái Lan. Trong khi đó, Thái Lan còn vượt trội so với các nước CLMV ở chỗ Thái Lan có cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng vượt trội.
"Dù trải qua nhiều năm hoạt động, nhưng xu hướng đầu tư trên TTCK Việt Nam vẫn chủ yếu là lướt sóng, đầu cơ ngắn hạn thay vì đầu tư dài hạn, tạo “sóng” thường xuyên quan trọng hơn tăng điểm bền vững".
Thủ tục thuế, thực thi hợp đồng, giải quyết tranh chấp và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ là những điểm yếu nhiều năm qua của Việt Nam, nhưng chưa có sự cải thiện trong bảng xếp hạng Doing Business. Thực tế này phải chăng vì chúng ta cứ tiến một thì đối thủ tiến hai? Trong bối cảnh cạnh tranh trong hội nhập thương mại và tài chính của khu vực ASEAN và châu Á đang tăng tốc với nhiều sáng kiến về khối thương mại và định chế tài chính quốc tế khu vực, Việt Nam không tiến thì sẽ lùi, tiến chậm cũng sẽ lùi.
Xét ở khía cạnh khu vực, Singapore đã vượt xa Việt Nam và tập trung cạnh tranh với vai trò của Hồng Kông. Thái Lan là đối thủ quan trọng nhắm tới nắm chắc vai trò trung tâm của khu vực CLMV mà Việt Nam có tham vọng muốn trở thành trung tâm. Cơ hội của chúng ta vẫn còn, nhưng Thái Lan đang có những “nước cờ” tấn công mạnh mẽ. Việt Nam thì sao?
Thực tế, động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua trước hết nằm ở luồng vốn đầu tư FDI và xuất khẩu. Hai khu vực này gắn chặt với nhau và gần đây ngày càng thể hiện rõ khi xuất siêu chủ yếu là do khu vực FDI, nhập siêu gắn với khu vực kinh tế trong nước. Việt Nam là một điểm trung chuyển và gia công của các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp này tận dụng nguồn nhân công giá rẻ và ưu đãi với đầu tư nước ngoài ở Việt Nam để thực hiện các công đoạn gia công giá rẻ, ít giá trị gia tăng rồi xuất hàng thành phẩm đi nước khác.
Các nghiên cứu trong 10 năm trở lại đây cho thấy, tác động chuyển giao công nghệ và lan tỏa của đầu tư nước ngoài tới công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam là thấp. Đó là chưa kể nếu không kiểm soát không chặt vấn đề chất thải công nghiệp, Việt Nam dễ trở thành nơi để người ta đặt các ngành công nghiệp ô nhiễm.
Ở khía cạnh thứ hai, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam còn được tạo ra nhờ tăng trưởng của khu vực công nghiệp xây dựng và thị trường nhà đất. Có thể thấy rõ, khi thị trường nhà đất đóng băng, nền kinh tế và ngân hàng đã bị tác động xấu như thế nào. Khi thị trường nhà đất tăng trưởng tốt, nó kéo theo sự tăng trưởng của công nghiệp xây dựng và các ngành công nghiệp liên quan, đồng thời kéo theo sự giàu có của một bộ phận người dân, giảm nợ xấu ngân hàng, gia tăng việc làm và chi tiêu trong nền kinh tế. Thị trường dịch vụ ăn uống, giải trí và dịch vụ phụ trợ phát triển để đáp ứng sức cầu này đóng góp rất lớn trong việc giải quyết việc làm và tạo tăng trưởng kinh tế thực.
Con đường tăng trưởng nhờ bất động sản này bắt nguồn từ lợi thế dân số trẻ và đông. Bất động sản của Việt Nam tăng giá trước tiên là dựa trên nhu cầu nhà ở lớn, do dân số đông. Bên cạnh đó, sự thâm nhập của các công ty nước ngoài vào Việt Nam vì mục tiêu thỏa mãn thị trường hơn 90 triệu dân hay là vì mục tiêu làm hàng xuất khẩu cũng góp phần đẩy phân khúc bất động sản thương mại và công nghiệp lên. Khi người dân giàu lên, cộng thêm lợi thế thiên nhiên của Việt Nam thuận lợi cho phát triển du lịch thì Việt Nam lại có thể phát triển bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng. Cách tăng trưởng này cũng dễ và không cần nhiều cải cách về cơ sở hạ tầng mềm.
Những phân tích trên cho thấy, tăng trưởng nhiều năm qua của Việt Nam chủ yếu dựa trên khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản, môi trường, nhân lực giá rẻ và dân số đông. Con đường tăng trưởng này là dễ dàng và không cần có cải cách lớn về thể chế. Thế nhưng, mô hình tăng trưởng dễ dàng đó lại chèn lấn nhu cầu cải cách để trở thành trung tâm kinh doanh và tài chính của khu vực.
Hồng Kông và Singapore nhỏ hẹp, không có tài nguyên, nên cách duy nhất để cạnh tranh của họ là phải trở thành trung tâm thương mại, công nghệ và tài chính để tạo ra việc làm và thịnh vượng. Để làm việc đó, họ phải không ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng cứng và mềm (luật pháp, quản trị công ty, kiểm soát tham nhũng, bảo vệ môi trường) để thu hút người nước ngoài tới mở công ty và kinh doanh…
Dù trải qua nhiều năm hoạt động, nhưng xu hướng đầu tư trên TTCK Việt Nam vẫn chủ yếu là lướt sóng, đầu cơ ngắn hạn thay vì đầu tư dài hạn, tạo “sóng” thường xuyên quan trọng hơn tăng điểm bền vững. Xu hướng này nguy hiểm ở chỗ nhà đầu tư mất đi sự quan tâm đến triển vọng dài hạn của DN, của thị trường và không quan tâm tạo sức ép cải cách trong quản trị. Vì vậy, chủ thể chính có hy vọng thúc đẩy sự cải cách là các nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, chính hiện trạng hạ tầng mềm kém đã làm giảm sức hút, thậm chí ngăn cản nhà đầu tư tổ chức nhiệt tâm tham gia thị trường. Động lực cải cách dường như bị bỏ ngỏ.
TTCK Việt Nam tuy không đột phá, nhưng cũng không khủng hoảng, không sụp đổ. Làm thế nào để có động lực đột phá? Khi không có động lực đột phá, đó là lúc chúng ta đối mặt với nguy cơ tụt hậu trên đường đua với các thị trường ngay bên ta.