Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng tại cuộc họp sơ kết 2 tuần ra quân thực hiện việc kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ trọng điểm vừa được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tuần qua.
Xe quá tải mới “nín thở nằm im”
Trái với tình trạng phản ứng manh động, quyết liệt, như lao xe vào trạm cân xe di động hoặc tìm cách né trạm, thì việc kiểm tra tải trọng xe tại TP. Cần Thơ - một trong những địa phương triển khai khá trễ công tác này (ngày 14/4) lại diễn ra khá suôn sẻ.
Tại hai trạm cân xe di dộng tại Quốc lộ 1 gần cầu Cần Thơ và ngã ba Lộ Tẻ (giao điểm của Quốc lộ 91 với Quốc lộ 80), tài xế chấp hành khá tốt các tín hiệu dừng xe, kiểm tra của các lực lượng chức năng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, có nhiều phương tiện lưu thông hướng Vĩnh Long - Cần Thơ đã tránh việc bị lập biên bản xử phạt hành vi chở hàng quá tải bằng cách cho xe vào bãi dịch vụ - dừng chân bên kia cầu Cần Thơ, phía Vĩnh Long để sang hàng nhằm hạ tải trọng.
“Trong ngày đầu ra quân, trạm đã cân được 82 xe, hầu hết đều đảm bảo tải trọng cho phép, chỉ có 5 trường hợp vi phạm chở quá tải trọng”, ông Nguyễn Văn Bình, Chánh thanh tra Sở GTVT Cần Thơ cho biết.
Theo thống kê của Bộ GTVT, chỉ trong 8 ngày (1/4 đến 8/4), các lực lượng chức năng đã kiểm tra 4.122 lượt xe ô tô, trong đó có 750 xe vi phạm được phát hiện (chiếm 18,2%). Số lượng xe vi phạm về tải trọng cho phép sẽ có thể tăng, nếu như 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp đưa các bộ cân lưu động vào hoạt động, trong đó có những địa phương là trọng điểm hoành hành của xe quá tải như: TP.HCM, Long An, Bình Dương, Tây Ninh…
“Điểm nhấn tích cực nhất thu nhận được trong tuần đầu ra quân là xe quá tải giảm đáng kể hoạt động tại địa phương có kiểm tra tải trọng xe liên tục”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận, có khá nhiều xe tải đang tạm dừng hoạt động để theo dõi thái độ và quyết tâm của cơ quan chức năng những ngày tiếp theo.
Đối với các trạm không hoạt động 24/24h, cả đoàn xe quá tải dừng đỗ ở hai phía (có trạm lên đến hàng trăm xe mỗi phía như Thái Nguyên, Cao Bằng, Đà Nẵng, Phú Yên, Hà Tĩnh…), khi trạm nghỉ thì ồ ạt vượt trạm gây mất an toàn giao thông và ùn tắc giao thông. “Tình trạng này phổ biến ở Quốc lộ 1, Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên”, ông Thọ nêu rõ.
Không có “sốc cước” hậu cân xe
Trước tình trạng một số địa phương có biểu hiện “ngập ngừng” khi triển khai kiểm tra tải trọng xe, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt và duy trì liên tục công tác đặc biệt này.
“Các doanh nghiệp vận tải đường bộ không nên hy vọng về sự hạ nhiệt trong công tác kiểm soát tải trọng”, ông Thọ khẳng định.
Được biết, trong văn bản thúc Tuyên Quang chậm nhất ngày 15/4, phải mang ngay bộ cân lưu động đã được trang bị ra hiện trường, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, tỉnh này đã làm ảnh hưởng đến việc kiểm tra tải trọng của các địa phương lân cận, gây dư luận trái chiều trong xã hội.
Thừa nhận tình trạng một số bộ cân xe chưa hoạt động trơn tru như mong đợi, nhưng ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định: “Trong những ngày đầu, anh em mới thao tác, có thể gặp trục trặc như người đi cày ngày đầu đường cày chưa thẳng. Vì vậy, mọi người cũng nên thông cảm và nhìn nhận theo hướng tích cực”.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, vấn đề quan trọng trong việc kiểm soát tải trọng xe chính là, cơ quan quản lý nhà nước phải làm quyết liệt, kiên trì, công bằng và lâu dài để lập lại trật tự.
“Trong mấy ngày đầu, xe quá tải xếp hàng dài trên đường chờ né trạm, vì họ đã trót ký hợp đồng giá cước rẻ và xếp hàng quá tải. Việc này họ tự làm, tự chịu trách nhiệm chứ không vin là sẽ gây ách tắc hàng hóa. Nếu Nhà nước làm nghiêm túc, không đầu voi đuôi chuột thì họ sẽ không thể thi gan được”, ông Thanh khẳng định.
Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, cước vận tải sẽ được điều chỉnh về đúng giá trị thật nhờ việc kiểm soát tải trọng xe, song không tạo nên cú “sốc” cước.
“Vì cước vận tải đường bộ cao hơn đường sắt và hàng hải nhiều, nên các loại hàng nặng, như gạo, xi măng, phân bón... vẫn chọn đi đường sắt, đường biển Đường bộ chỉ trung chuyển hàng từ kho, từ cảng, nhà máy ra ga đường sắt và cảng biển, nên cước vận tải trên cả tuyến như vậy chỉ tăng ở khâu trung chuyển đường bộ”, ông Hoàng Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà Ngọc cho biết.
Ông Ngọc cũng nhận định, sau một thời gian, chắc chắn giá cước sẽ bình ổn trở lại.
“Cước có tăng cũng sẽ không đáng kể do năng lực phương tiện vận tải đường bộ lâu nay vốn vẫn dư thừa, cạnh tranh trên thị trường rất mạnh”, ông Ngọc bổ sung.