“Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xăng dầu, Bộ Công Thương đang thực hiện theo đúng lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống tại Quyết định 53 được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Với những tính năng ưu việt đối với môi trường, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn coi trọng công tác tuyên truyền với mong muốn đẩy nhanh hơn lộ trình này nhằm khuyến khích cộng đồng sử dụng nhiên liệu xăng sinh học E5”, ông Cường cho biết.
Trong khi đó, ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cũng quả quyết, theo báo chí đăng tải, chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến ngày 1/6 sẽ tiến hành bán xăng thay thế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Saigon Petro vẫn chưa nhận được bất cứ một văn bản chỉ đạo nào từ UBND thành phố cũng như Bộ Công Thương về vấn đề này. Hoạt động kinh doanh xăng dầu của Saigon Petro vẫn diễn ra bình thường, các loại xăng được bán ra thị trường bao gồm cả các loại xăng khoáng truyền thống RON 92, RON 95 và xăng E5.
"Nếu muốn đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học ra thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước nhất định phải đánh giá hiệu quả của việc thực hiện thí điểm lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho biết."
Ông Đặng Vinh Sang cũng cho biết, kể cả khi có chỉ đạo thay thế hoàn toàn xăng khoáng bằng xăng E5, hệ thống phân phối của Saigon Petro cũng vẫn đủ khả năng đáp ứng nguồn cung xăng E5 theo tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, ông Sang cho rằng, hiện vẫn còn thiếu những chính sách ưu đãi để phát triển và mở rộng việc kinh doanh mặt hàng nhiên liệu mới này. Xăng E5 phải được sự hỗ trợ nhất định bởi vì loại xăng này phục vụ đắc lực cho mục đích môi trường.
“Thuế môi trường của xăng E5 đang gần bằng với mức thuế môi trường của xăng khoáng RON 92 như thế sẽ là không hợp lý. Trong khi giá bán xăng E5 còn quá cao, nên nhất thiết phải giảm thấp hơn so với xăng khoáng từ 1.000 – 1.500 đồng/lít. Mặt khác, xăng E5 không được trích Quỹ Bình ổn giá trong khi xăng khoáng lại được trích quỹ 300 đồng/lít. Nếu cứ sử dụng quỹ của 2 loại xăng giống nhau nhưng xăng E5 không được trích quỹ sẽ ngày càng “teo tóp”, ông Sang chỉ rõ.
Đại diện cho quyền lợi của người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ quan điểm: Nếu muốn đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học ra thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước nhất định phải đánh giá hiệu quả của việc thực hiện thí điểm lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, theo Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2014 đến nay.
“Người tiêu dùng có quyền được lựa chọn cho nên thị trường xăng dầu vẫn cần phải có nhiều sự lựa chọn thay bằng một lựa chọn duy nhất. Người tiêu dùng cũng có quyền được đảm bảo an toàn cho nên phải khẳng định và chứng minh được tính an toàn của xăng E5 trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, người tiêu dùng còn có quyền được thông tin trung thực xung quanh xăng E5 và xăng A92 từ các cơ quan có trách nhiệm, sau cùng mới là yếu tố giá cả”, ông Hùng đề cập.
Thời gian qua cũng có thông tin cho rằng, việc đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5 ra thị trường nhằm “gỡ khó” cho các nhà máy sản xuất cồn - ethanol tại Việt Nam hiện đang trong tình trạng “sống dở chết dở”. Phân tích về điều này, chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ bày tỏ: Đây là vấn đề mang tính kĩ thuật nhưng cũng liên quan nhiều đến lĩnh vực kinh tế, đến thói quen và lòng tin. Cần phải tạo cho dư luận một sự hiểu biết với những thông tin cần thiết để người dân có thể tin được.
“Thực sự với những công nghệ mới cũng có cái khó nhất định cho nên nói đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5 là hỗ trợ và tăng sản lượng sản xuất Elthanol cũng là lẽ đương nhiên. Bởi vì nếu kết hợp được và có những lý do để kết hợp sẽ là rất cần thiết, trong khi chúng ta đang rất ủng hộ việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước thì cũng cần phải vượt qua một số hạn chế nhất định nào đó”, TS. Lưu Bích Hồ nhận định.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, bên cạnh những khó khăn của một mặt hàng mới, chưa được nhiều người tiêu dùng chấp nhận, tin dùng thì việc tiêu thụ xăng sinh học hiện nay còn gặp thách thức bởi giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn đang ở mức thấp. Trong khi chi phí cho sản xuất nhiên liệu sinh học cao dẫn đến giá các loại xăng sinh học chưa đủ sức cạnh tranh so với xăng khoáng truyền thống như RON 92, RON 95.
Do đó, để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học vì mục đích môi trường, Nhà nước cần xây dựng thêm nhiều chính sách ưu đãi cho cả đối tượng kinh doanh và tiêu thụ xăng sinh học; Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chất lượng xăng sinh học - trên cơ sở thực tiễn quá trình áp dụng thí điểm thời gian qua.