Nếu phá sản, hơn 1.200 lao động nhà máy đóng tàu Dung Quất đang có nguy cơ mất việc làm.

Nếu phá sản, hơn 1.200 lao động nhà máy đóng tàu Dung Quất đang có nguy cơ mất việc làm.

Không có ai mua, Nhà máy đóng tàu Dung Quất sẽ phải phá sản

PVN kiến nghị cho phép bán Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS), trường hợp bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản đấu giá tài sản. Từ khi nhận bàn giao DQS từ Vinashin, PVN đã chuyển cho DQS hơn 5.095 tỷ đồng…

Tại báo cáo về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, ngày 25/7/2017 Tập đoàn đã có báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ Công Thương về phương án xử lý các khó khăn đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủ Dung Quất (DQS).

Theo đó, PVN đưa ra 4 kiến nghị. Trong đó, PVN kiến nghị cho phép Tập đoàn bán doanh nghiệp theo hành lang quy định của Nghị định 128 ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Trường hợp bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản đấu giá tài sản.

Đồng thời, uỷ quyền cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai thực hiện phương án được duyệt.

PVN cũng kiến nghị có cơ chế giao cho DQS thực hiện các công việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của DQS khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị trong PVN có nhu cầu, để đảm bảo đời sống, việc làm và ổn định tư tưởng, tâm lý cho cán bộ, công nhân viên chức của DQS.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương sớm có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán hồ sơ đối với tàu 104.000 DWT để xác định giá trị bàn giao nhằm xử lý dứt điểm việc bàn giao giữa PVN và Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam.

Tại văn bản này, PVN cho biết, hiện PVN đang chờ các chỉ đạo tiếp theo.

Như tin đã đưa trước đó, liên quan tới phương án xử lý dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương hồi tháng trước, ông Phan Tử Giang - Giám đốc DQS cho biết, trên thực tế, từ khi chuyển giao từ Vinashin sang PVN tới nay thì Nhà máy đóng tàu Dung Quất chưa xử lý được bất cứ vấn đề gì.

"Dù là dự án thua lỗ nhưng DQS chưa dừng sản xuất 1 ngày nào, dòng tiền cho sản xuất vẫn thực dương, âm chỉ là vì các khoản lỗ tồn tại trước đó. Tuy nhiên, để giải quyết vướng mắc về công việc thì phải có cơ chế đặc biệt: đấu thầu, chỉ định thầu", ông Giang nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng giám đốc PVN - đơn vị đang tiếp quản DQS lại thẳng thắn cho biết: "Tôi nghĩ phương án phá sản là tốt nhất dù phá sản thì vẫn phải tiếp tục đối mặt với những khoản nợ DQS đang phải gánh", ông Sơn nói.

Trong một báo cáo của Bộ Công Thương trình lên Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm ngoái cho biết, trên thực tế, DQS đã lâm vào tình trạng phá sản, việc thực hiện thủ tục phá sản là phù hợp với các quy định hiện hành.

PVN sẽ không phải tiếp tục chịu rủi ro trong tương lai khi tiếp tục duy trì hoạt động của DQS.

Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS.

Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí thực hiện thủ tục phá sản. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế trong khi vấn đề giải quyết quyền sở hữu.

Tin bài liên quan