Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc WTO đã triệu tập một cuộc họp kín giữa các nhà sản xuất vắc xin, chính phủ và những người khác về vấn đề tiếp cận bất bình đẳng vì các quốc gia thu nhập thấp chỉ quản lý 0,2% trong số 700 triệu liều vắc xin trên toàn cầu.
Trong bài phát biểu của mình, bà Okonjo-Iweala nói rằng, những lo ngại về chuỗi cung ứng xuyên biên giới, bao gồm hạn chế xuất khẩu và tình trạng thiếu nhân lực có tay nghề cao đã củng cố quan điểm của bà rằng WTO phải đóng vai trò trung tâm trong việc ứng phó với đại dịch.
“Trong những tuần và tháng tới, chúng tôi mong đợi hành động cụ thể tiếp theo. Những vấn đề này không dễ dàng, nhưng ý chí chính trị và sự tham gia của khu vực tư nhân ngày nay cho thấy điều đó là có thể”, bà nói.
Bà cho biết rằng, các thành viên WTO cần giảm các hạn chế xuất khẩu và làm việc để giảm bớt các thủ tục hậu cần và hải quan.
Các quốc gia cũng nên xúc tiến đàm phán về đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi về tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty dược phẩm và được hơn 80 thành viên WTO ủng hộ.
Trước đó, các thành viên WTO đã 8 lần thảo luận về vấn đề này nhưng không có bước đột phá nào.
Các quốc gia phương Tây cho rằng, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ khuyến khích nghiên cứu và việc đình chỉ các quyền đó sẽ không mang lại nguồn cung tăng đột biến cho vắc xin.
Bà Okonjo-Iweala hy vọng một mục tiêu chung sẽ đưa các bên về trung gian và tìm ra giải pháp được tất cả mọi người chấp nhận.
Bà cũng kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin tăng cường chuyển giao công nghệ để mang lại năng lực sản xuất mới và minh bạch về hợp đồng và giá cả.
“Với tư cách là chính phủ và các nhà lãnh đạo của các tổ chức quốc tế, chúng tôi đòi hỏi những tiêu chuẩn cao nhất về lòng dũng cảm và sự hy sinh trong thời kỳ khủng hoảng. Ngành công nghiệp cũng cần đòi hỏi tương tự. Hiện tại, thị trường lại một lần nữa thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu y tế của các nước đang phát triển”, bà nói.
Tuy nhiên, Phòng Thương mại Mỹ không đồng ý về quan điểm này và cho biết, sự phát triển nhanh chóng của nhiều loại vắc xin trong năm qua nhờ sự thúc đẩy lớn trong sản xuất và hơn 260 thỏa thuận đối tác đã được thực hiện để sản xuất và phân phối vắc xin.
Patrick Kilbride, Phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Chính sách Đổi mới Toàn cầu (GIPC) của Phòng Thương Mại Mỹ cho biết: “Ngành công nghiệp vắc xin đã thực hiện vai trò của mình bằng cách đầu tư vào R&D trong nhiều thập kỷ”.
Ông nói rằng, cuộc tranh luận về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ gây phân tâm từ vấn đề lớn hơn là đảm bảo các cách phân phối và quản lý vắc xin nhanh chóng ở các nước đang phát triển. Phòng Thương mại Mỹ lập luận rằng, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ có thể cho phép Trung Quốc và các quốc gia khác hưởng lợi một cách không công bằng từ các nỗ lực phát triển của Mỹ.