Việc nhập khẩu tăng bùng nổ trước hết và chủ yếu là do sốt nóng giá nguyên liệu thế giới.

Việc nhập khẩu tăng bùng nổ trước hết và chủ yếu là do sốt nóng giá nguyên liệu thế giới.

Không chỉ vì gia nhập WTO

(ĐTCK-online)Hẳn nhiên, việc nhập khẩu liên tục “leo thang” trong những tháng đầu năm “hậu WTO” là tín hiệu không vui. Nhưng nếu đưa ra nhận định đó là kết quả của việc gia nhập WTO thì e rằng có phần phiến diện.

“Thủ phạm chính”: sốt nóng giá nguyên liệu thế giới

Trong những tháng qua, giá nguyên liệu trên thị trường thế giới liên tục tăng, khiến những nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu này như nước ta càng thêm khó khăn.

Số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, nếu như bình quân năm 2006, chỉ số giá nguyên liệu nói chung trên thị trường thế giới là 238,6 điểm, thì trong 5 tháng đầu năm nay đã liên tục tăng từ 218,6 điểm lên 255,9 điểm, tức là tăng 17,06%, hay tăng 7,25% so với giá bình quân năm 2006. Đây là mức giá rất cao, bởi chỉ số này năm 2003 là 119,7 điểm (năm 1995 = 100 điểm); năm 2004 tăng 151,5 điểm, năm 2005 tiếp tục tăng vọt lên 195,7 điểm. Trong đó, chỉ số giá dầu mỏ (chiếm 39,9% “rổ hàng hoá nguyên liệu thế giới”) trong 5 tháng đầu năm nay tăng từ 310,4 điểm lên 378,4 điểm, hay tăng 21,91%, tức là vẫn cao hơn so với bình quân 373,6 điểm của năm 2006.

Bên cạnh đó, tuy tăng thấp hơn, nhưng diễn biến giá cả của nhóm hàng nguyên liệu phi dầu mỏ (chiếm 52,2% “rổ hàng hoá nguyên liệu thế giới”) mới là tác nhân hết sức đáng lo ngại đối với nền kinh tế nước ta. Cụ thể, nếu như chỉ số giá của nhóm hàng này năm 2003 là 82,1 điểm; năm 2004 bắt đầu tăng mạnh, nhưng cũng chỉ là 97,3 điểm (tăng 18,51%); năm 2005 tăng 10,28% và bắt đầu vượt ngưỡng 100 điểm của năm 1995 (107,3 điểm); năm 2006 tăng lên 137,8 điểm, tức là tăng 28,42%; còn trong 5 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng vọt lên 166,9 điểm, tức là tiếp tục tăng 21,12% so với giá bình quân của năm 2006.

Có thể nói, tuy còn bị tác động đồng thời bởi những tác nhân khác, nhưng bức tranh nhập khẩu của nước ta cũng chính là “bản sao” của bức tranh sốt nóng giá cả nguyên liệu thế giới nói trên.

Cụ thể, theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tuy tổng kim ngạch nhập khẩu của 13 loại nguyên liệu chủ yếu (gồm: thép, phôi thép, kim loại thường khác, phân bón, xăng dầu, giấy, chất dẻo nguyên liệu, sợi, bông, clinker, lúa mỳ, bột giấy và cao su) đã tăng mạnh lên 9,139 tỷ USD, tức tăng 1,965 tỷ USD và 27,39% so với mức 7,174 tỷ USD cùng kỳ năm 2006, nhưng nếu quy về giá năm 2006 thì chỉ là 7,936 tỷ USD, tức là chỉ tăng 762 triệu USD và 10,62%, còn lại 1,203 tỷ USD, hay 16,77% trong tổng mức tăng thực tế là do tác nhân sốt nóng giá cả nguyên liệu thế giới.

Điều này có nghĩa là, chỉ có 38,78% trong tổng mức tăng bùng nổ của kim ngạch nhập khẩu là do nhu cầu tăng khối lượng hàng hoá, còn lại tới 61,22% là do sốt nóng giá cả nguyên liệu thế giới đã khuếch đại lên.

Nói cách khác, nếu như giá nguyên liệu thế giới ở những mặt hàng này không tăng mạnh, hiển nhiên tốc độ tăng nhập khẩu những mặt hàng này trong 6 tháng vừa qua đã không thể là 27,39%, mà đã “co bớt” 61,22%, nên chỉ còn 10,62%. Đây chính là tốc độ tăng đích thực của nhập khẩu.

Từ thực tế đó, có lẽ có đủ căn cứ để khẳng định rằng, việc nhập khẩu tăng bùng nổ trước hết và chủ yếu là do sốt nóng giá nguyên liệu thế giới, bởi trong “rổ hàng hoá nhập khẩu” của nước ta hiện nay, nhóm hàng này đang chiếm tỷ trọng 65-70%. Điều này cũng có nghĩa là, việc gia nhập WTO không hề có “lỗi” trong việc bùng nổ gia tăng nhập khẩu.

 

Tác động “kép ba” chủ yếu

Hiển nhiên, các cơn sốt nóng triền miên của giá nguyên liệu thế giới đã và đang đặt nền kinh tế nước ta vào tình thế hết sức bất lợi. Trong đó, ít nhất có 3 tác động bất lợi chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, do giá các loại nguyên liệu đầu vào liên tục tăng trong khi giá thành phẩm không tăng tương ứng, nên lợi nhuận của doanh nghiệp “mỏng” dần.

Cụ thể, các kết quả tính toán của IMF cho thấy, nếu như ngay trước thời điểm sốt nóng giá nguyên liệu thế giới (năm 2003), tuy giá dầu mỏ tăng mạnh 15,8%, nhưng giá nguyên liệu phi dầu mỏ chỉ tăng 6,9%, nên giá nguyên liệu nói chung chỉ tăng 11,15%, còn giá hàng chế tạo tăng mạnh 14,1%, thì từ khi sốt nóng giá nguyên liệu thế giới đến nay, hàng chế tạo đã mất giá ngày càng mạnh. Đó là, nếu như năm 2004, trong khi giá hàng chế tạo còn tăng 9,3%, nhưng giá nguyên liệu tăng 24,33%, thì giá hàng chế tạo năm 2005 chỉ tăng 3,4%, còn giá nguyên liệu vẫn tăng 25,12% và cặp số liệu này năm 2006 tiếp tục là 4,4% và 24,62%.

Như vậy, tính chung lại, trong 3 năm sốt nóng giá nguyên liệu thế giới vừa qua, trong khi giá hàng chế tạo chỉ tăng xấp xỉ 18%, thì giá nguyên liệu nói chung đã tăng đại nhảy vọt 93,86%. Với tỷ lệ tăng “khập khiễng” như vậy, hiển nhiên hiệu quả sản xuất, kinh doanh giảm mạnh.

Thứ hai, với một nền kinh tế “sống nhờ” vào nguyên liệu nhập khẩu như nước ta, hiển nhiên các cơn sốt nóng triền miên của giá nguyên liệu thế giới đã và đang là tác nhân hết sức quan trọng liên tục đẩy tỷ lệ lạm phát của nước ta lên cao.

Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê cho thấy, nếu như trong 3 năm “tiền sốt nóng” giá nguyên liệu thế giới 2001-2003, nhịp độ lạm phát của nước ta chỉ là 2,60%/năm, nên hệ số giữa lạm phát và tăng trưởng (7,10%/năm) cũng rất “đẹp” với 0,37 lần, thì trong 3 năm sốt nóng giá nguyên liệu thế giới vừa qua, trong khi nỗ lực vượt bậc cũng chỉ đẩy nhịp độ tăng trưởng lên được 8,13%/năm, còn lạm phát tăng vọt lên 8,15%/năm, tức là tăng cao gấp 3,13 lần so với 3 năm “tiền sốt nóng”, nên hệ số giữa lạm phát và tăng trưởng cũng đã vọt lên 1 lần.

Sở dĩ như vậy là do, bên cạnh những tác nhân nội tại của nền kinh tế, với giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu liên tục tăng vọt, nếu như giá các sản phẩm ở đầu ra không tăng thì đã có hàng loạt doanh nghiệp, thậm chí các ngành sản xuất của nước ta “sập tiệm”. Rõ ràng, một phần giá trị không nhỏ (khoảng 43.000 tỷ đồng) do sốt nóng giá nguyên liệu thế giới đã khuếch đại tốc độ nhập khẩu của nước ta vượt ngưỡng 30% trong 6 tháng đầu năm phải được thực hiện ở thị trường trong nước, bởi đây cũng chính là một trong hai “chiếc túi đựng” chủ yếu. Việc các nhà quản lý hai lần điều chỉnh tăng giá xăng để đưa giá mặt hàng này sát mức cao kỷ lục năm 2006, hay việc giá thép trong nước tăng cao kỷ lục đủ cho thấy tác động rất mạnh của sốt nóng giá nguyên liệu thế giới đối với thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, tuy ít hơn, nhưng sốt nóng giá cả thế giới cũng thông qua các kênh xuất khẩu hàng hoá tác động vào thị trường trong nước. Việc chỉ số giá lương thực tăng cao hơn mức tăng chung của giá tiêu dùng trong 6 tháng qua là thí dụ điển hình trong trường hợp này.

Thứ ba, cũng do nhập khẩu tăng bùng nổ, tác động dễ thấy nhất là nhập siêu cũng tăng bùng nổ. 

Trong 6 tháng đầu năm nay, với tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 27,232 tỷ USD, trong khi xuất khẩu ước đạt 22,455 tỷ USD, nên kim ngạch nhập siêu đạt tới 4,777 tỷ USD, vượt tổng kim ngạch nhập siêu năm 2005 và gần bằng tổng kim ngạch nhập siêu cả năm 2006, còn tỷ lệ nhập siêu thì đã tăng vọt lên 21,27%, cao nhất kể từ năm 2004 trở lại đây.

Hẳn nhiên, việc kim ngạch nhập siêu và tỷ lệ nhập siêu tăng cao kỷ lục như vậy cũng có phần do xuất khẩu chẳng những đã không thể tăng bùng nổ như nhập khẩu, mà thậm chí còn tăng thấp nhất kể từ năm 2003 trở lại đây (trong 4 năm này, xuất khẩu lần lượt tăng 20,77%, 31,36%, 22,41% và 22,76%). Điều này chắc chắn càng không thể do việc gia nhập WTO của nước ta, bởi lẽ việc xuất khẩu tăng tốc có phần chậm lại là do mặt hàng xuất khẩu “đầu vị” dầu thô, cũng như xuất khẩu một loạt mặt hàng chủ lực khác đồng loạt giảm mạnh và một số mặt hàng chủ lực khác lại tăng rất chậm.

Nói cách khác, trong các cơn sốt nóng giá cả thế giới hiện nay, trong khi “bị lãnh đủ” ở phía đầu vào nhập khẩu, nhưng ở phía đầu ra xuất khẩu, chúng ta cũng có cơ hội vàng để hưởng lợi do giá tăng, nhưng do năng lực sản xuất của nước ta có hạn, nên đành phải “khoanh tay đứng nhìn”.