Sự việc khăn lụa Khaisilk - thương hiệu thường được quảng bá là hàng Việt chất lượng cao nhưng thực chất là "made in China" đang thu hút sự quan tâm.
Tuy nhiên, câu chuyện lụa Trung Quốc được bày bán trên các quầy hàng và gắn mác Việt không phải mới, mà có cả ở cổng làng Vạn Phúc (Hà Đông) - nơi được biết đến là làng lụa lâu đời nhất Việt Nam, hay trong những cửa hàng lớn, nhỏ ngay trung tâm Hà Nội.
Khảo sát của pv, tại Vạn Phúc, giá cả các sản phẩm lụa trong cửa hàng có giá dao động từ vài chục nghìn đồng cho đến vài triệu đồng.
"Cửa hàng nào cũng có lụa Vạn Phúc chuẩn. Ngoài ra, chúng tôi cũng bán thêm những mặt hàng của làng nghề khác, thậm chí cả hàng Trung Quốc để đa dạng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, mặt hàng có xuất xứ như thế nào chúng tôi đều giải thích rõ cho khách", chủ một cửa hàng nói. Bà cũng cho biết, để tránh sự nhầm lẫn của khách hàng, gần đây nhiều hộ dệt lụa đã chú trọng hơn tới việc xây dựng thương hiệu lụa Vạn Phúc – Hà Đông bằng cách dệt chữ nổi ngay trên mép của tấm vải.
Bày bán cùng lụa Vạn Phúc là những mặt hàng xuất xứ từ nhiều nguồn, từ hàng Trung Quốc, hàng gia công... giá rẻ, chỉ từ vài chục nghìn. Ảnh: Anh Tú
Chỉ vào những mặt hàng khăn, quần áo... chất liệu sợi công nghiệp, hoa văn dập máy, bà cho biết đây là mặt hàng xuất xứ Trung Quốc được nhập từ một mối đổ buôn cho một loạt cửa hàng tại đây. Mức giá của những sản phẩm này dao động từ 40.000 đến 500.000 đồng, rẻ hơn nhiều lần lụa Vạn Phúc.
Trong khi đó, lụa được dệt tại Vạn Phúc 100% tơ tằm có giá bán từ 500.000 - 1,2 triệu đồng mỗi m2, tùy độ dày, mỏng và họa tiết, vân hoa...
Mỗi sản phẩm quần, áo, váy may từ chất liệu này được bán với giá từ một triệu đồng. Các loại khăn quàng cổ từ 400.000 đồng, cà vạt 500.000 đồng trở lên...
Tuy nhiên, theo nghệ nhân Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, loại đắt nhất là vải đũi gai có giá khoảng 2 triệu đồng mỗi m2 nhưng không phải cửa hàng nào cũng có vì sản xuất có hạn.
Ngoài ra, tại đây cũng có những mặt hàng lụa từ 150.000 đến 250.000 đồng mỗi mét vuông, với tỷ lệ 50-70% tơ tằm tự nhiên, pha sợi công nghiệp.
"Đây vẫn là những sản phẩm được sản xuất tại Vạn Phúc, không phải hàng nhái. Tuy nhiên, do loại lụa 100% tơ tằm tự nhiên giá thành cao nên người trong làng nghề sản xuất cả những mặt hàng này để đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của người tiêu dùng", ông Hà lý giải.
Bà Lê Thị Kim Thư - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Phát triển Lụa Vạn Phúc cho biết, giá thành sản phẩm có những năm tăng cao bởi nguồn nguyên liệu hiện nay phải nhập từ Bảo Lộc, Lâm Đồng.
"Nếu giá thành cao quá và chỉ bán duy nhất mặt hàng 100% sợi tơ tằm thì không hiệu quả. Do đó, việc đa dạng sản phẩm, sản xuất những loại có giá thành phù hợp hơn, tôi cho rằng cũng là để khuyến khích các hộ theo nghề", bà Thư cho hay.
Cũng vì bài toán đa dạng hàng hóa, giá thành nên ông Hà cho biết, hiện tại Vạn Phúc, người dân cũng bán cả lụa của làng nghề khác trong nước như Nha Xá (Hà Nam), lụa Lâm Đồng...
Trước câu hỏi liệu có lụa Trung Quốc giả gắn mác lụa truyền thống Vạn Phúc, ông Hà cho biết, nếu nói một số quầy hàng ở đây không có hàng Trung Quốc thì không đúng.
Tuy nhiên, ông khẳng định, trong Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc (khoảng 20 gian hàng) chỉ bán lụa của làng nghề này và chắc chắn không có chuyện trà trộn hàng. Bởi những sản phẩm được bày bán tại đây được Hiệp hội làng nghề thẩm định, kiểm tra rất chặt chẽ.
Bên cạnh lụa Vạn Phúc thì có một số mặt hàng thủ công như ví, túi xách, khăn... của những làng nghề khác thông qua chương trình giao lưu, hỗ trợ bán chéo lẫn nhau, nhưng đều là hàng Việt Nam.
Ngược lại, tại những cửa hàng do các hộ kinh doanh tự triển khai ở ngoài khu vực trung tâm kinh doanh thì ông Hà cho rằng cũng khó để kiểm soát về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ.
Khu vực bán lụa Vạn Phúc chuẩn, được Hiệp hội làng nghề thẩm định, kiểm tra chặt chẽ. Ảnh: Anh Tú
"Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng như hiệp hội luôn nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh phải minh bạch về nguồn gốc sản phẩm.
Nếu lụa là hàng ngoại nhập thì phải ghi rõ là hàng nhập, hàng Việt Nam ghi rõ là Việt Nam, và lụa của Vạn Phúc phải có in tên tuổi đàng hoàng", ông Hà nói.
Không riêng Vạn Phúc, khảo sát một số tuyến phố cổ tại Hà Nội - con phố tơ lụa được khách du lịch ưa chuộng như Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đào..., chỉ số ít sản phẩm là lụa tơ tằm Việt Nam, có mác "Made in Vietnam", được bán với giá từ 1,5 triệu đồng mỗi chiếc váy, áo, khăn, cà vạt... tùy vào tỷ lệ tơ tằm tự nhiên. Còn lại, chiếm phần lớn trong cửa hàng là lụa nhập từ Trung Quốc.
"Lụa Trung Quốc cũng có loại cao cấp, đẹp và giá hợp lý hơn lụa Việt Nam. Nguồn hàng thì phong phú, dễ nhập", chủ một cửa hàng lý giải.
Tuy nhiên, tiểu thương này cũng cho hay vì khách du lịch nước ngoài cũng như khách Việt không thích hàng Trung Quốc nên khi nhập về phải cắt bỏ mác xuất xứ, thay vào đó là mác riêng của cửa hàng rồi đóng hộp.
Ngoài ra, tại đây cũng có loại khăn, áo váy được quảng cáo là "lụa" xuất xứ Trung Quốc nhưng giá rẻ từ 200.000 đồng mỗi chiếc.
Bà Lê Thị Kim Thư - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Phát triển Lụa Vạn Phúc cho hay, mỗi máy dệt, nếu làm việc trơn tru thì một ngày hoàn thành được 6-8m2 vải.
Chưa kể những ngày máy hỏng, phải chờ sửa chữa nên không phải công suất lúc nào cũng đạt tối đa. Ngoài ra, công đoạn xe sợi, nhuộm màu cũng rất mất thời gian.
Vì vậy, chủ một số cơ sở sản xuất lớn tại Vạn Phúc cũng cho hay sản lượng không lớn, hàng chỉ đủ để bán tại chỗ, trả các đơn hàng bán buôn và một phần rất nhỏ xuất khẩu nhưng chủ yếu theo đường tiểu ngạch.
Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cho biết, hiện sản lượng lụa hàng năm của cả phường vào khoảng 2 triệu mét.
Ở miền Bắc, đứng thứ 2 về danh tiếng sau lụa tơ tằm Vạn Phúc phải kể đến làng Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam). Tuy nhiên, đến nay, theo UBND huyện Duy Tiên, những năm gần đây sản lượng mỗi năm chỉ vào khoảng 300.000 mét.