Giới hoạch định chính sách và bình luận cảnh báo rằng, sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với sự suy giảm cấu trúc trong thanh khoản thị trường, có thể là một loại cốc-tai độc hại, đặc biệt nếu các nhà đầu tư nhỏ lẻ bỏ chạy. Tuy nhiên, đợt bán tháo trái phiếu lợi suất cao toàn cầu - bắt đầu trong tháng 7 và được dẫn đầu bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ - chẳng phải là cái gì đó nghiêm trọng.
Điệp khúc cảnh báo “cao quá rồi” của nhiều người, trong đó có Chủ tịch Fed Janet Yellen, trùng hợp với những căng thẳng địa chính trị lên cao, sự sụp đổ của ngân hàng Bồ Đào Nha Banco Espírito Santo và vụ vỡ nợ công của Argentina, vô hình trung đã tạo nên một cơn bão hoàn hảo đối với thị trường lợi suất cao toàn cầu.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã rút khoảng 3,7 tỷ USD khỏi thị trường trái phiếu doanh nghiệp hôm thứ Sáu, 1/8, và sau đó thoái thêm 2,1 tỷ USD vào thứ Hai sau đó (theo dữ liệu từ EPFR). Lưu lượng này không cách quá xa so với khối lượng giao dịch bình quân ngày trong nửa đầu năm nay. Chênh lệch lãi suất cho vay đã mở rộng đáng kể và lợi suất bình quân của các trái phiếu doanh nghiệp của Mỹ đạt mức cao 5,9%/năm từ mức thấp kỷ lục 4,8%/năm hồi cuối tháng 6.
Sàng lọc thị trường
Trong những thị trường làm tốt chức năng của mình, khi giá giảm, hoạt động bán sẽ dịu bớt, người mua gia nhập thị trường và một mức giá thanh lọc mới được thiết lập. Điều này chính xác đã xảy ra trên thị trường lợi suất cao, mặc dù có 16 tỷ USD lũy kế chảy ra khỏi thị trường từ tháng 6 đến 6/8, gần bằng mức kỷ lục 16,3 tỷ USD chạy khỏi thị trường trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 năm ngoái, khi Fed quyết định thu hẹp gói QE.
Bán tháo là một sự sắp xếp thành trật tự mới hơn là hoảng loạn, với những người bán tìm được người mua và khoảng cách giữa giá bán và giá mua - một chỉ báo về thanh khoản thị trường - chỉ mở rộng vừa phải trong giai đoạn này. Dòng chảy ra của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã chậm lại đến mức nhỏ giọt và giá trái phiếu lợi suất cao đã bắt đầu hồi phục.
Khả năng phục hồi của thị trường trái phiếu lợi suất cao trong những tuần gần đây cho thấy các nhà đầu tư tổ chức và các nhà quản lý danh mục đầu tư đang bù lấp cho phần suy giảm về cấu trúc thanh khoản trên các thị trường thứ cấp.
Cán cân tiền mặt đang cao hơn và có ít hơn các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính trên thị trường tín dụng doanh nghiệp so với giai đoạn trước khủng hoảng tài chính. Tiền mặt nhiều hơn và đòn bẩy ít hơn cho phép thị trường thích ứng được với dòng tiền thoái lui của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, không để xảy ra vòng xoáy bán tháo - hạ giá.
Các nhà đầu tư tổ chức và các nhà quản lý danh mục, từng cắt giảm lượng trái phiếu lợi suất cao nắm giữ trong tháng 5 và tháng 6 khi lợi suất trái phiếu tiếp cận các mức thấp trong lịch sử, đã phản ứng với sự tháo chạy các nhà đầu tư nhỏ lẻ bằng cách tái gia nhập thị trường ở các mức giá thấp hơn. Theo đánh giá của các nhà đầu tư tổ chức này thì xu hướng đầu tư cơ bản vào các trái phiếu lợi suất cao vẫn chưa suy chuyển.
Lãi suất được dự báo sẽ vẫn ở mức thấp khi bảng cân đối của khu vực doanh nghiệp vẫn mạnh khỏe. Cán cân tiền mặt và khả năng thanh toán lãi vay vẫn ở các mức cao kỷ lục và báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty Mỹ trong quý đầu năm nay vẫn ổn định.
Lời cảnh tỉnh
Khác biệt cơ bản giữa đợt bán tháo mùa hè này và cơn hoảng loạn mang tên “cắt gói QE” năm ngoái là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn giảm thay vì tăng mạnh. Sự kiện năm ngoái là một lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư kỳ vọng rằng gói nới lỏng định lượng và chính sách lãi suất thấp sẽ kéo dài.
“Chúng tôi tin rằng, thực tế có nhiều nhà đầu tư hơn đã cơ cấu lại danh mục tín dụng của mình để đề phòng khả năng lợi suất trái phiếu chính phủ tăng. Và nếu việc nâng lãi suất được hỗ trợ bởi tăng trưởng kinh tế mạnh hơn, nền tảng tín dụng doanh nghiệp cũng sẽ được cải thiện”, David Riley nói. “Vì lý do này, chênh lệch lãi suất đã thu hẹp đáng kể trong những chu kỳ tăng lãi suất của Fed trước đây, và trái phiếu lợi suất cao đã hồi phục mạnh hơn các công cụ đầu tư thu nhập cố định khác. Với nhu cầu lợi nhuận không ngừng nghỉ, lãi suất tăng sẽ không thể khiến nhà đầu tư bỏ chạy khỏi các thị trường tín dụng”.