Bên cạnh đó, đại diện một số ngân hàng khác vẫn muốn được cho vay mua nhà với lãi suất phải chăng tại dự án này, nhưng chưa được đơn vị phân phối đồng ý với lý do ‘sợ loãng sự tập trung của khách hàng vào các sản phẩm tín dụng’.
Theo đánh giá của ông Hà, các ngân hàng hiện nay dường như đang quá ế vốn, không thể cho vay sản xuất - kinh doanh thông thường. Đối với ngành bất động sản, việc tìm được các chủ đầu tư có uy tín, tình hình tài chính lành mạnh và dự án hấp dẫn khách hàng cũng không đơn giản. Có thể đó là lý do khiến những dự án có tiến độ tốt, giá cả hợp lý được nhiều ngân hàng săn đón và cử nhân viên đến tận chân công trình để tiếp thị cho vay mua nhà.
Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land cũng cho rằng, thị trường bất động sản khó khăn về thanh khoản khiến nhiều DN trong ngành tiếp tục phải điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Chẳng hạn như thay vì đầu tư cho dự án cao cấp thì chuyển sang nhà bình dân, kết hợp nhà ở xã hội với nhà ở thương mại trong một dự án...
Với các ngân hàng, huy động về nhiều, cho vay ra lại khó nên tất yếu họ cũng phải thay đổi, phải đưa ra những gói tín dụng riêng, với lãi suất và thời hạn cho vay phù hợp, đồng thời liên kết với đơn vị phân phối để cho khách mua nhà vay vốn.
Theo ông Hà, hiện cơ chế giải ngân của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đang được xem xét điều chỉnh sau một thời gian dài ì ạch. Việc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam muốn cùng 4 ngân hàng thương mại lớn đưa ra gói tín dụng lên tới 75.000 - 100.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi và điều kiện cho vay cởi mở, dù mới chỉ là ý tưởng, cũng cho thấy, cả các nhà hoạch định chính sách lẫn các ngân hàng đều muốn đẩy mạnh cho vay bất động sản.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng cho biết, trước khi có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, các DN địa ốc đã phải điều chỉnh sản phẩm theo phân khúc thị trường đang cần và có thanh khoản cao nhất để bán sản phẩm. Đến khi xuất hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, những công bố điều chỉnh dự án càng nở rộ khi các chủ đầu tư muốn dự án của mình và khách mua nhà được tiếp cận tài chính từ gói tín dụng này.
Thế nhưng, việc điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với tiêu chí của gói 30.000 tỷ đồng tại một số dự án vừa qua, theo ông Điệp là chỉ mang màu sắc “quảng cáo” cho dự án nhiều hơn là thực chất. Bởi trên thực tế, rất ít khách hàng tại các dự án có thể vay được tiền từ gói hỗ trợ. Các chủ dự án cũng dè dặt trong việc thực hiện các xác nhận liên quan để khách hàng của mình vay tiền, vì họ sợ trách nhiệm liên đới với khoản vay cá nhân.
Tuy nhiên, với các gói tín dụng thương mại thì khác. Các ngân hàng thương mại đã có quy trình thẩm định chặt chẽ trong việc lựa chọn dự án cho vay, trong khi lãi suất cũng hấp dẫn không kém gói hỗ trợ là bao, nên chủ đầu tư khá yên tâm trong việc hợp tác. Theo ông Điệp, các ngân hàng hiện nay đều đang ế vốn vì khó cho vay ra. Ý tưởng thành lập gói tín dụng hỗ trợ thị trường bất động sản lên đến 100.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi, đối tượng và cơ chế cho vay khá thoáng, nếu có cũng chính là vì ế vốn và áp lực tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.
Cũng theo ông Điệp, những gói tín dụng kiểu này, dù không có sự tham gia của Nhà nước, nhưng rất cần được khuyến khích. Bởi nó sẽ thị trường hóa được hoạt động cung cấp tín dụng bất động sản, mà không phụ thuộc vào những quyết định hành chính như gói 30.000 tỷ đồng hiện nay.