Nhiều ngân hàng vẫn rộng cửa cho vay bất động sản, nhất là đối với tín dụng cá nhân mua nhà để ở.

Nhiều ngân hàng vẫn rộng cửa cho vay bất động sản, nhất là đối với tín dụng cá nhân mua nhà để ở.

Không bít cửa cho vay bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số ngân hàng có động thái tạm dừng cấp tín dụng, giải ngân đối với mảng cho vay bất động sản. Tuy nhiên, đây là một trong những chỉ đạo bình thường trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Tập trung cho cá nhân vay mua nhà

Mới đây, Sacombank chỉ đạo các chi nhánh, điểm giao dịch trong hệ thống về kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022, trong đó không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua/xây/sửa bất động sản để ở). Ngoài ra, Sacombank yêu cầu các đơn vị không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ cùng lúc. Việc kiểm soát tín dụng bất động sản này tại Ngân hàng sẽ kéo dài đến ngày 30/6/2022.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, đây là một trong những chỉ đạo bình thường trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Với hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước tạm cấp cho năm 2022 không nhiều, mục tiêu kinh doanh năm nay của Sacombank là tổng tài sản đạt 573.500 tỷ đồng, tăng 10%; tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 10% và 12%, đạt 512.700 tỷ đồng và 435.000 tỷ đồng; lợi nhuận 5.280 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Sacombank sẽ tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logictics…

Về việc Tập đoàn FLC đang có khoản vay hơn 1.800 tỷ đồng tại Sacombank, trong khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC vừa bị bắt tạm giam, Sacombank khẳng định, khoản vay của FLC tại Ngân hàng đảm bảo đúng quy định.

Trước đó, Techcombank tạm ngừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản, nhưng chỉ kéo dài đến hết quý I và tiếp tục thực hiện từ đầu quý II/2022. Techcombank hiện là một trong những ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho bất động sản lớn nhất toàn ngành, nhưng lãnh đạo Ngân hàng này cho hay, bất động sản là lĩnh vực mà Ngân hàng có lợi thế và có thể kiểm soát được rủi ro.

Ông Nguyễn Văn Lộc tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ, ông dự kiến vay vốn tại Ngân hàng Shinhan Việt Nam để mua nhà cho con trai chuẩn bị lập gia đình, sau khi tìm hiểu mức lãi suất cho vay của ngân hàng này hiện là 3,9%/năm, cố định 6 tháng; lãi suất 7,6%/năm, cố định 36 tháng; lãi suất 7,9%/năm cố định 60 tháng.

Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối cho vay khách hàng cá nhân, Shinhan Việt Nam nhận định, dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, tín dụng cá nhân sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng tới trên cơ sở các nhu cầu về vay vốn tiêu dùng, mua xe, mua và sửa chữa nhà…, đặc biệt tại các thành phố lớn. Lãi suất cho vay có thể sẽ tăng, nhất là với các khoản vay nhỏ lẻ như cho khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà, do áp lực lạm phát gián tiếp làm tăng lãi suất huy động.

An toàn vẫn phải kiểm soát chặt

Theo Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, việc một số ngân hàng tạm dừng giải ngân lĩnh vực bất động sản là chính sách riêng biệt, nội bộ của từng tổ chức tín dụng. Tại OCB, tỷ lệ cho vay bất động sản hiện nay dưới 8% tổng dư nợ và Ngân hàng vẫn đang giải ngân bình thường, chỉ cần khách hàng có đủ điều kiện vay và hạn mức tín dụng vẫn còn.

Việc kiểm soát tín dụng bất động sản nhằm thanh lọc doanh nghiệp trong lĩnh vực này để thị trường nhà đất phát triển bền vững hơn, vì các doanh nghiệp hiện chủ yếu dựa vào vốn vay.

Liên quan đến khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu của Bamboo Airways (một hãng hàng không thuộc FLC), tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng bất động sản mà OCB nắm giữ hiện có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với khoản vay của FLC tại OCB nên không đáng ngại.

“Thông thường, ngân hàng chỉ cho vay 70 - 80% tổng giá trị tài sản bảo đảm. Tính đến cuối năm 2021, số dư nợ của FLC tại OCB ở mức 1.392 tỷ đồng. Do đó, OCB khẳng định, nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản bảo đảm thì Ngân hàng cũng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ”, ông Tùng nói.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng tại TP.HCM chia sẻ, tín dụng bất động sản là loại hình cho vay an toàn khi có tài sản thế chấp là bất động sản nên ngân hàng không dừng cho vay. Tuy nhiên, để kiểm soát rủi ro, ngân hàng hạn chế rót vốn cho chủ đầu tư dự án.

Thực tế, sau thông tin Chủ tịch FLC và Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh bị bắt tạm giam có liên quan đến trái phiếu bất động sản và khoản vay ngân hàng, nhiều nhà băng cẩn trọng hơn khi cho các chủ đầu tư địa ốc vay vốn.

Về chính sách điều hành chung của cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương kiểm soát chặt hoạt động cho vay bất động sản. Cụ thể, trong năm 2022, cơ quan này sẽ kiểm soát chặt hơn nữa dòng tiền chảy vào bất động sản, trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành.

Bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tín dụng bất động sản có xu hướng giảm về tỷ trọng trong những năm gần đây, từ mức 26% năm 2018 xuống 11,89% năm 2020, nhưng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản, vào những khách hàng lớn, dự án lớn, các dự án BOT, BT giao thông.

Việc thắt chặt tín dụng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp yếu về năng lực tài chính, không có khả năng cân đối tài chính, không đủ năng lực để huy động vốn trên cả thị trường vốn lẫn thị trường nợ. Còn những chủ đầu tư lớn, có dòng tiền, khả năng quản lý tài chính, khả năng tiếp cận vốn tốt vẫn có cơ hội để phát triển.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính nhìn nhận, việc kiểm soát tín dụng bất động sản nhằm thanh lọc doanh nghiệp trong lĩnh vực này để thị trường nhà đất phát triển bền vững hơn, vì các doanh nghiệp hiện chủ yếu dựa vào vốn vay.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính cảnh báo, nếu không siết chặt tình trạng ngân hàng cho vay “sân sau”, bắt tay với doanh nghiệp bất động sản mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ…, thì đến một lúc nào đó, mức độ nguy hiểm sẽ lan rộng và ngoài tầm tay của Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Đáng chú ý, dư nợ nói chung đang tăng mạnh trở lại sau thời kỳ giãn cách nhằm phòng chống Covid-19. Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối quý I/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 5,04%, gấp 4 lần mức tăng của cùng kỳ năm ngoái.

Tin bài liên quan