Không bàn lùi

Không bàn lùi

(ĐTCK) Với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tại Phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương để đánh giá kết quả thực hiện điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019, kế hoạch 6 tháng cuối năm diễn ra ngày 4/7, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự báo cả năm GDP có thể đạt mục tiêu 6,8%.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, kinh tế trong nước đối mặt với không ít khó khăn bởi giải ngân vốn từ khu vực nhà nước vẫn chậm; dịch bệnh, hạn hán phức tạp; lạm phát cần được tăng cường kiểm soát…, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay ở mức 6,8% cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ.

Ðiều này đồng nghĩa với việc có những yêu cầu cao hơn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra cho năm nay.

Liên quan đến vấn đề tìm dư địa mới cho tăng trưởng, với vai trò là cơ quan tham mưu kinh tế tổng hợp cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ vừa đề xuất nhiều phương án mới, vừa thực thi các giải pháp thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Theo đó, để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước, trong tháng 6 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã tổ chức 3 đoàn công tác liên ngành, nhằm nắm bắt vướng mắc, tháo gỡ khó khăn về giải ngân vốn đầu tư công ở 12 tỉnh, thành phố. Ðồng thời tiếp tục thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ðể tiếp sức cho tăng trưởng GDP, cần tập trung các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng của các ngành, các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm, nhất là những dự án còn dư địa tăng trưởng lớn như: Lọc hóa dầu Nghi sơn, Lọc hóa dầu Dung Quất, Ô tô VinFast…

Ði liền với đó phải tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhất là khi kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy còn không ít hạn chế, thậm chí có lúc, có nơi còn làm hình thức, nên doanh nghiệp vẫn phải than phiền.

Trong bối cảnh dư địa tăng trưởng xuất khẩu còn nhiều, ngay cả khi một số hiệp định thương mại lớn chưa có hiệu lực, yêu cầu đặt ra là cùng với cơ cấu lại các ngành hàng, cần kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa để tận dụng cơ hội xuất khẩu mới.

Ðồng thời, triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị đồng bộ các nguồn lực nhằm nắm bắt cơ hội xuất khẩu mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA… mang lại.

Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không bàn lùi, mà phải quyết liệt tiến hành để thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2019.

Ðiều này đòi hỏi các bộ, ngành phải linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu…

Tin bài liên quan