Khởi tố vụ án tham ô tài sản tại PVP Land để làm rõ hành vi vi phạm của Trịnh Xuân Thanh

(ĐTCK) Ngày 15/3, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Lê Hòa Bình, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đã khởi tố vụ án tham ô tài sản để làm rõ hành vi vi phạm của Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm.

HĐXX xác định, Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Xây lắp dầu khí - PVC) đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh, Đào Duy Phong, Đặng Sỹ Hùng ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) tại CTCP Xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thị trường để hưởng tiền chênh lệch, gây thiệt hại cho PVP Land.

Khởi tố vụ án tham ô tài sản tại PVP Land để làm rõ hành vi vi phạm của Trịnh Xuân Thanh ảnh 1

Bị cáo Lê Hòa Bình và các đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15/3. 

Theo quyết định khởi tố vụ án, căn cứ dựa trên diễn biến tại tòa, lời khai của các bị cáo Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP xây dựng và dịch vụ 1/5), Đặng Sỹ Hùng (nguyên Trưởng phòng kinh tế kế hoạch PVP Land) và các đối tượng liên quan.

Hành vi này đã diễn ra như thế nào?

Theo cáo trạng, CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương thành lập năm 2007, gồm 5 cổ đông, PVP Land sở hữu 12.120.000 cổ phiếu (chiếm 50,5%). Năm 2009, Công ty được cấp giấy phép xây dựng dự án tổ hợp công trình Nam Đàn Plaza, đường Phạm Hùng, Hà Nội, diện tích 9.584 m2.

Đào Duy Phong, Đặng Ngọc Sinh được PVC cử sang quản lý phần vốn, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của PVP Land.

Năm 2010, do có chủ trương thoái vốn, PVP Land gửi tờ trình xin phép chuyển nhượng 50,5% vốn. PVC đồng ý, yêu cầu PVP Land lập phương án chuyển nhượng và báo cáo. Nhưng PVP Land không tìm được đối tác.

Ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời ra quyết định truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.    

Tháng 3/2010, thông qua Huỳnh Nguyễn Quốc Duy môi giới, Lê Hòa Bình gặp Đặng Sỹ Hùng mua 24 triệu cổ phần của 5 cổ đông sáng lập (giá 20.756,34 đồng/cổ phần, tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án), quy đổi thành 9.584m2 đất dự án Nam Đàn Plaza.

Sau khi thỏa thuận hợp đồng đặt cọc, Lê Hòa Bình sử dụng các pháp nhân của mình để ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với từng cổ đông và dùng tiền đặt cọc thu của khách mua cổ phần.

Sau khi vụ án bị khởi tố, 4 cổ đông này tự nguyện hoàn trả lại tiền. Riêng hợp đồng do Nguyễn Ngọc Sinh ký, giá chuyển nhượng chỉ là 13.578 đồng/cổ phần (tương đương 34 triệu đồng/m2). So với giá thỏa thuận trong hợp đồng giảm 87,1 tỷ đồng.

Việc ký hợp đồng chuyển nhượng với giá thấp hơn giá thị trường, Đào Duy Phong từng khai nhận là do chỉ đạo từ Trịnh Xuân Thanh. Thanh chỉ đạo giá bán thực tế là 40 triệu đồng/m2 đất nhưng chỉ thể hiện trong hợp đồng 35 triệu đồng/m2 còn phần chênh lệch để chia nhau.

Phong thông báo lại với Sinh để triển khai. Sinh đề nghị rút bớt thêm 1 triệu đồng/m2 để lấy tiền chi phí (từ 35 triệu đồng/m2  xuống còn 34 triệu đồng/m2).

Khoảng 2 ngày trước khi vụ án bị khởi tố, Phong nhận được điện thoại của Duy nói sang văn phòng nhận tiền. Tại đây, lái xe của PVP Land đã nhận 10 tỷ đồng và chuyển lại cho Phong. Số tiền này Phong sử dụng 8 tỷ đồng trả nợ và chi tiêu cá nhân.

Như vậy, lợi dụng chức vụ được giao, Đào Duy Phong đã ra nghị quyết HĐQT bán 12.120.000 cổ phần PVP Land giá thấp, hưởng lợi số tiền 10 tỷ đồng từ Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa. Hành vi này gây thiệt hại cho PVP Land và cổ đông.

Đối với hành vi này, các bị cáo Bình, Duy và Phong bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và bị xử phạt tù từ 5 năm - 10 năm tù. Sau đó, các bị cáo đồng loạt kháng cáo.

Ngày 15/3, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy án sơ thẩm về tội danh trên để điều tra lại đối với 3 bị cáo này và quyết định khởi tố vụ án tham ô tài sản tại PVP Land.

Tin bài liên quan