Khởi tố mới 877 vụ phạm tội tham nhũng, chức vụ, tăng 75%

0:00 / 0:00
0:00
Một số vụ án về tội tham nhũng, chức vụ với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, có quy mô tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Khởi tố mới 877 vụ phạm tội tham nhũng, chức vụ, tăng 75%

Đây là số liệu tính từ 1/10/2022 đến 30/9/2023, tại báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, gửi Quốc hội.

Viện trưởng đánh giá, năm 2023, trên phạm vi cả nước, tình hình an ninh, chính trị cơ bản được bảo đảm, tuy nhiên, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.

Đáng lưu ý, xảy ra vụ án hoạt động khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân tại tỉnh Đắk Lắk. Trong lĩnh vực trật tự xã hội, xuất hiện tình trạng các đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật.

Trong lĩnh vực kinh tế, sai phạm trong các hoạt động đấu thầu, đấu giá, đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán xảy ra nhiều; một số vụ án về tội tham nhũng, chức vụ với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, có quy mô tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước...

Trong bối cảnh đó, toàn ngành kiểm sát nhân dân đã có nhiều nỗ lực, bảo đảm các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kịp thời đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự (tăng 20,4% so với năm 2022), Viện trưởng khái quát.

Riêng về tội phạm tham nhũng, chức vụ, Viện trưởng cho biết đã đã khởi tố mới 877 vụ (tăng 75%). Các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, chứng khoán, trái phiếu, y tế, giáo dục và đăng kiểm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Điển hình như Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động Ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường đã khởi tố 39.206 vụ (tăng 23,6%), trong đó, phát sinh nhiều tội phạm với phương thức, thủ đoạn, hoạt động tinh vi, phạm tội có tổ chức, hoạt động núp bóng doanh nghiệp, liên quan đến các lĩnh vực, như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, y tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao, Viện trưởng cho hay.

Điển hình, theo Viện trưởng, là vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật với tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Vụ án Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm, có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian 2018-2019.

Đáng lưu ý, báo cáo nêu, xuất hiện ngày càng nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng; cưỡng đoạt tài sản kiểu băng nhóm xã hội đen dưới hình thức đòi nợ, đòi nợ thuê cho cá nhân, tổ chức núp bóng doanh nghiệp.

Điển hình, như vụ án Nguyễn Quốc Hùng thuê pháp nhân đứng tên Công ty TNHH Luật Việt Pháp (TP.HCM) ký hợp đồng tư vấn pháp lý với các ngân hàng, công ty tài chính thực chất là đòi nợ thuê, nhận công 20-35% số tiền đòi được, hưởng lợi hơn 73 tỷ đồng.

Vụ án Trần Hồng Tiến (TP.HCM) thành lập Công ty TNHH mua bán nợ DSP mua khoảng 3.550 tỷ đồng nợ khó đòi của một số công ty, tổ chức tín dụng với giá mua bằng 12%-15% giá trị của tổng số tiền khách nợ, thu lợi bất chính khoảng 37 tỷ đồng. Vụ án Công ty cổ phần kinh doanh F88 đăng ký kinh doanh cầm đồ, cầm cố tài sản, tổ chức phân công các đối tượng liên hệ, nhắn tin, đe doạ người vay, người thân của họ để đòi nợ khi không thanh toán đúng hạn;...

Viện trưởng lý giải, nguyên nhân một số loại tội phạm mới khởi tố tăng là do ảnh hưởng tình hình kinh tế xã hội có nhiều khó khăn đã tác động tiêu cực dẫn đến gia tăng nhiều loại tội phạm; công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực thiếu chặt chẽ, tạo kẽ hở để một số cán bộ lợi dụng phạm tội; sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân.

Mặt khác, trong năm 2023, công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm của các cơ quan chức năng được đẩy mạnh và ngày càng hiệu quả hơn, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhiều tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, xã hội được phát hiện điều tra, xử lý, Viện trưởng nhìn nhận.

Tin bài liên quan