Đây là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại Báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện.
Báo cáo trên cho thấy bức tranh tài chính phát triển ở Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là dòng vốn từ khu vực tư nhân. Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước vào năm 2015 đã tăng gấp đôi so với năm 2002, song chỉ chiếm 40% tổng tài chính cho phát triển và tỷ lệ đầu tư tư nhân trên đầu người của Việt Nam chỉ đạt 490 USD so với mức trung bình của các nước ASEAN là 690 USD, xếp trong nhóm thấp nhất của khu vực.
Điểm sáng trong báo cáo về tình hình đầu tư tư nhân là tỷ trọng đầu tư tư nhân trong nước trong tổng đầu tư ở TP.HCM, đầu tàu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lại đạt gần 65%, tương đương với tỷ trọng của các nước ASEAN.
“Đây là điển hình đáng ghi nhận trong việc mở rộng tài chính tư nhân và đầu tư tư nhân cho phát triển là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam cần được phát huy và cải thiện trong thời gian tới”, ông Haoliang Xu, Giám đốc UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh.
Một vấn đề cũng được báo cáo chỉ ra là dù quy mô đầu tư tư nhân trong nước của Việt Nam có chiều hướng gia tăng trong các năm 2011 - 2016, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt 10,3%/năm, song tỷ trọng tài chính tư nhân trong nước vẫn thấp hơn so với bình quân của khu vực.
“Khu vực kinh tế tư nhân nhỏ hơn ở Việt Nam và quy mô nhỏ hơn của các doanh nghiệp tư nhân khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng với chi phí hợp lý. Đây có thể coi là lý do then chốt lý giải vì sao đầu tư tư nhân trong nước của Việt Nam chỉ đạt mức thấp như vậy”, ông Haoliang Xu nhận định.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn này, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực chiếm số lượng đông đảo nhất, nhưng lại có thể trạng sức khỏe kém nhất trong khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay.
Câu chuyện chủ nhà vườn Vân Thủy, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chuyên canh bưởi Diễn và cây cảnh được doanh nghiệp này chia sẻ gần đây là một ví dụ điển hình. Dù có tài sản trên đất là cây, nhưng doanh nghiệp này vẫn không thể thế chấp để vay vốn vì không được ngân hàng chấp nhận.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại sản xuất khép kín theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng đang rất cần vốn đầu tư, song vẫn rất khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi từ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng của Nhà nước, vì không đáp ứng được các tiêu chí của ngân hàng, trong đó có vấn đề tài sản thế chấp. Để khơi thông nguồn vốn hỗ trợ vào các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhiều chuyên gia đã từng khuyến nghị, rất cần xem xét chính sách cho vay thế chấp từ tài sản trên đất.
Các chuyên gia UNDP cũng chỉ ra một thực tế là, mặc dù tỷ trọng đã có giảm trong thời gian gần đây, song phần lớn trái phiếu chính phủ vẫn do các ngân hàng thương mại nắm giữ. Đây cũng là một trong những lý do gây khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong nỗ lực tiếp cận với tín dụng với chi phí hợp lý.
Trong bối cảnh này, TS. Hồ Đình Bảo, giảng viên Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, ưu tiên then chốt là phải đẩy mạnh sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng đầu tư ở Việt Nam thông qua việc sắp xếp thứ tự ưu tiên ở các lĩnh vực hành động.
Theo đó, Chính phủ cần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân trong nước, trong đó có cả việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước và sửa đổi chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho các công ty tư nhân trong nước gia nhập thị trường.
Đồng thời, thực hiện các chính sách và cung cấp sự hỗ trợ có trọng điểm để các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển về quy mô, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, cải thiện các mối liên kết với các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, đẩy nhanh chuyển dịch từ kinh tế không chính thức sang kinh tế chính thức.
“Cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong việc tiếp cận đất đai và tín dụng, đặc biệt nâng cao năng lực kỹ thuật để áp dụng công nghệ mới và nắm bắt cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Các tổ chức độc lập chuyên cung cấp hỗ trợ về đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vốn đang gặp hạn chế vì quy mô nhỏ và thiếu khả năng đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao và đào tạo nhân lực cần được xây dựng”, ông Bảo kiến nghị.