Động lực tăng trưởng dài hạn đến từ khu vực kinh tế tư nhân cần nhiều cải thiện hơn.

Động lực tăng trưởng dài hạn đến từ khu vực kinh tế tư nhân cần nhiều cải thiện hơn.

Khơi thông thị trường vốn để tiếp đà tăng trưởng

(ĐTCK) Với dự báo tăng trưởng GDP 2019 ước đạt 6,8%, Việt Nam tiếp tục được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là một trong không nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chững lại. Để tiếp đà tăng trưởng này, WB khuyến nghị, cần khơi thông tiềm năng thị trường vốn, tạo nền tảng cho các khu vực kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân phát triển.

Hai yếu tố đóng góp chính cho tăng trưởng cao của năm 2019 được WB chỉ ra là tăng trưởng xuất khẩu và sức cầu trong nước của các doanh nghiệp, hộ gia đình.

Cụ thể, xuất khẩu dự kiến tăng trưởng trên 8% trong năm 2019, cao hơn gần 4 lần so với bình quân của thế giới.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bình quân dòng vốn FDI cam kết gần 3 tỷ USD mỗi tháng.

Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình là một yếu tố đóng góp ngày càng quan trọng cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu ngày một lớn mạnh và mức lương tăng lên. Đầu tư của doanh nghiệp ở khu vực tư nhân tăng ở mức 17% so với cùng kỳ.

Theo WB, triển vọng trong ngắn và trung hạn của nền kinh tế là tích cực với dự báo GDP tăng trưởng quanh mức 6,5% trong những năm tới.

Dẫu vậy, động lực tăng trưởng dài hạn đến từ sự bền vững và khỏe mạnh của khu vực kinh tế tư nhân dựa trên một môi trường kinh doanh lành mạnh và thị trường vốn phát triển dường như vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Con số khảo sát doanh nghiệp năm 2016 được tổ chức này đưa ra tại Báo cáo Điểm lại năm 2019 vừa công bố cho thấy, cùng với các vấn đề về thủ tục hành chính, cơ hội tiếp cận tài chính vẫn được coi là trở ngại lớn nhất đối với 22% doanh nghiệp được khảo sát.

“Cần tìm cách tăng cường huy động các nguồn tài chính dài hạn ở Việt Nam. Việc xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm cao nhất của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm, hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Thực trạng phát triển thiếu cân đối của thị trường vốn Việt Nam khiến doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận tín dụng dài hạn trên thực tế đã được cảnh báo lâu nay.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), cho đến nay, vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp và cả nền kinh tế vẫn chủ yếu phải dựa vào nguồn tín dụng, tạo nhiều áp lực và dồn rủi ro lên hệ thống ngân hàng khi phần lớn vốn huy động là vốn ngắn hạn.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán với vai trò là kênh huy động vốn trung - dài hạn cho đầu tư phát triển vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng chưa thực sự phát triển, các định chế tài chính như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư chứng khoán tuy đã có cơ chế chính sách, song vẫn khó khăn trong thành lập và hoạt động.

Để giúp doanh nghiệp tăng khả năng huy động được vốn, giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng của ngân hàng, theo VBMA, vấn đề cần sớm giải quyết hiện nay là phát triển thêm nhiều công cụ tài chính khác như các sản phẩm phái sinh, các sản phẩm quỹ…

Đánh giá về mức độ phát triển của thị trường vốn Việt Nam gần đây, báo cáo của WB cho rằng đã có sự cải thiện tích cực, nhưng quy mô và thanh khoản còn nhỏ so với Thái Lan,  Malaysia và vẫn chủ yếu do một vài tổ chức lớn chi phối, bao gồm cả Chính phủ.

“Tuy thị trường cổ phiếu và trái phiếu tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể thời gian qua, nhưng giá trị vốn hóa thị trường vẫn còn thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Đây là sự hạn chế, nhưng cũng cho thấy tiềm năng phát triển của các thị trường này vẫn còn nhiều”, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nhận định.

Các chuyên gia WB khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục cải cách để khuyến khích phát hành các sản phẩm tài chính mới, cải thiện sự vận hành của thị trường nhằm đem lại nguồn tài chính dài hạn cho khu vực tư nhân.

Trên quy mô tổng thể, phát triển các thị trường vốn vận hành tốt sẽ là nền tảng bền vững cho sự thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai.

Theo đó, 5 lựa chọn chính sách để đẩy mạnh sự phát triển của các thị trường vốn được WB đề xuất bao gồm: Hiện đại hóa nền tảng quy phạm pháp luật về thị trường vốn; cải thiện quản trị và công bố thông tin; mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư; phát triển các sản phẩm sáng tạo và tăng cường vai trò của Chính phủ trong phát triển các nguồn huy động tài chính dài hạn.

Tin bài liên quan