Khách hàng tìm hiểu Dự án Aqua City tại Đồng Nai của Novaland

Khách hàng tìm hiểu Dự án Aqua City tại Đồng Nai của Novaland

Khơi thông thị trường bất động sản: Mấu chốt nằm ở pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp đang chờ đợi một quyết sách tổng thể được ban hành sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, với kỳ vọng sẽ xử lý dứt điểm vấn đề pháp lý dự án.

Pháp lý quyết định sự sống còn của doanh nghiệp

Gần 2 tháng của năm 2023 đã trôi qua, nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa có tín hiệu tích cực nào. Trong khi đó, những khoản nợ đến hạn, lãi suất đội lên cao, thanh khoản yếu ớt đang đưa các doanh nghiệp vào trạng thái nguy hiểm.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, diễn ra cuối tuần qua, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes bày tỏ lo lắng: “Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp kịp thời thì nhiều doanh nghiệp địa ốc sẽ phải đóng cửa, phá sản”.

Tương tự, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland cho biết, sau 2 năm Covid-19, các doanh nghiệp đã bị bào mòn nguồn lực, cộng thêm sự bất ổn của thế giới, lạm phát tăng cao, khiến doanh nghiệp càng lao đao. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp chỉ xin hỗ trợ về cơ chế để tự vượt qua. Trong đó, Nhà nước cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho dự án bất động sản 2 - 3 năm; chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước.

“Khu đô thị Aqua City là mấu chốt, là dự án sống còn của Novaland trong thời điểm hiện tại. Nếu dự án này được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Novaland”, ông Nhơn đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chọn dự án này để thí điểm tháo gỡ khó khăn.

Liên tục nhấn mạnh kiến nghị giải quyết vấn đề pháp lý của Novaland cũng là nỗi lòng của hầu hết doanh nghiệp địa ốc phía Nam, dù trước mắt, nguồn vốn đang là lực cản chính.

Có thể thấy, pháp lý vẫn là một trong những vướng mắc lớn với các doanh nghiệp bất động sản, quyết định sự sống còn khi toàn bộ nguồn lực gần như đã đổ vào nhưng không thể thu hồi vốn. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP.HCM cho biết, công ty ông đang trong tình thế tiến không được, lùi cũng không xong khi có 3 dự án căn hộ bị ách tắc vì vướng thủ tục.

Cụ thể, một dự án vướng đất xen cài là kênh rạch không triển khai được, 2 dự án còn lại gần như đầy đủ pháp lý, chỉ còn khâu định giá, tính tiền sử dụng đất để hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tiến tới cấp giấy phép xây dựng, nhưng từ năm 2016 đến nay vẫn mòn mỏi chờ đợi.

Theo vị giám đốc này, doanh nghiệp của ông đã xin tạm nộp tiền sử dụng đất để triển khai dự án, tránh bị khách hàng kiện cáo, nhưng không được. Lãnh đạo Thành phố cũng có chỉ đạo các sở, ngành giải quyết sớm, song đến giờ vẫn chưa được các sở, ngành trả lời khi nào dự án được khởi công. Trong khi đó, vốn đầu tư vào dự án gồm vốn vay ngân hàng và các nguồn khác đã 5 - 6 năm rồi mà chưa thu hồi được.

Cần chính sách toàn diện và hành động thực tâm

Hiện tại, mọi vướng mắc của thị trường bất động sản đã được nhận diện đầy đủ, các thành viên trên thị trường đang nóng lòng chờ đợi một quyết sách tổng thể giúp ổn định và điều chỉnh thị trường.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, thị trường bất động sản đang thể hiện sự bất thường khi hầu như tất cả phân khúc đều “đứng hình”, bất kể sản phẩm tốt hay không. Tình trạng mất thanh khoản diễn ra trên diện rộng, ngoài việc khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, một phần cũng do người mua nhà bị mất niềm tin trước tình trạng ách tắc pháp lý kéo dài.

Ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time dẫn chứng, gần đây có một số dự án căn hộ được rao bán kèm theo các chính sách chiết khấu khá cao, nhưng người mua hầu như không quan tâm vì các dự án này chưa có pháp lý, chưa biết bao giờ xây dựng. Trong khi đó, với những doanh nghiệp muốn bán bớt tài sản để giải quyết dòng tiền cũng bị từ chối do dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý.

“Pháp lý là vấn đề đã tồn đọng trong thời gian dài, đến nay vẫn chưa có phương án nào cụ thể. Nếu Chính phủ có phương án giải quyết những trục trặc và tắc nghẽn pháp lý thì sẽ giải được điểm nghẽn của thị trường”, ông Tiến nói.

Cùng với việc ban hành cơ chế nhằm giải quyết ngay những vướng mắc liên quan đến thủ tục, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ lo lắng về tiến độ thực thi.

Trước khi Hội nghị này diễn ra, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường cũng đã chủ trì một cuộc họp nghe báo cáo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại một số dự án bất động sản. Tại cuộc họp, lãnh đạo Thành phố đã giao các sở, ngành trao đổi, thống nhất và báo cáo UBND Thành phố trước ngày 24/2 để phân công các đơn vị thụ lý, giải quyết các nhóm hồ sơ có cùng vướng mắc theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Song, theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, sau nhiều cuộc họp, lãnh đạo cả Trung ương và địa phương rất lắng nghe, tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan thẩm quyền giải quyết, nhưng kết quả tháo gỡ vẫn rất ì ạch. Do đó, cùng với những trợ lực về mặt chính sách, rất cần cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương quyết liệt, thực tâm và dứt điểm giải quyết vướng mắc.

Tin bài liên quan