Khơi thông nguồn lực trong khu vực tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
Bài toán nguồn lực cho phát triển dường như đã có lời giải, vấn đề là tư duy lựa chọn cách thức và tốc độ thực thi.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dulico chuyên sản xuất các thiết bị bằng đồng. Ảnh: Đức Thanh

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dulico chuyên sản xuất các thiết bị bằng đồng. Ảnh: Đức Thanh

Nguồn lực còn nhiều

“Nguồn lực trong dân còn nhiều, nhưng không huy động được”, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trăn trở chia sẻ tại Hội thảo Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới, do Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) tổ chức cuối tuần trước.

Có lẽ các thông tin về số vốn đăng ký của doanh nghiệp theo số liệu của Tổng cục Thống kê và con số thực tế chảy vào nền kinh tế mà TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia đưa ra trên cơ sở khảo sát các doanh nghiệp đã tác động đến nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Theo khảo sát của TS. Cấn Văn Lực, số vốn thực góp chỉ chiếm khoảng 10-15% vốn đăng ký trong thời gian ban đầu. Nghĩa là, dù số vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt trên 854.600 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số vốn đã chảy vào nền kinh tế chỉ khoảng 85.000-90.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều các chuyên gia kinh tế lo ngại không phải là con số tuyệt đối, mà là không gian cho các kế hoạch giải ngân của doanh nghiệp. “Nếu một dự án mà thủ tục mất 3-4 năm, thì ai dám làm”, ông Lâm thẳng thắn sau khi nghe nhiều ý kiến trước đó nhắc đến các thể chế về đầu tư, gồm cả đầu tư công và đầu tư tư, các hình thức đầu tư như hợp tác công - tư (PPP) đang có không ít vướng mắc.

Cũng phải nói thêm, trong các doanh nghiệp đăng ký mới và đặc biệt là số doanh nghiệp hoạt động trở lại trong các tháng đầu năm nay, tỷ lệ lớn là các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, sản xuất, phân phối điện, vận tải, kho bãi… Đây là tín hiệu tích cực khi nhìn vào nguồn lực chuẩn bị cho tăng trưởng của nền kinh tế những năm tới.

Thậm chí, tín hiệu này không chỉ nằm ở khu vực đầu tư tư nhân trong nước. Cũng trong cuộc hội thảo trên, TS. Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đã nhắc đến các tín hiệu đang rất sôi động.

Ông Thành chia sẻ, một công ty trong lĩnh vực điện tử ở phía Bắc, thành viên của USABC đang tìm kiếm địa điểm để mở một nhà máy nữa, với nhu cầu 7-10 ha vì nơi họ đầu tư đã hết đất. Ở phía Nam, một doanh nghiệp cũng trong lĩnh vực này đang xuất khẩu với quy mô khoảng 2 tỷ USD/năm, đang làm EOM cho các đối tác nước ngoài, cũng có kế hoạch mở rộng. Trong ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi, một thương hiệu toàn cầu đang lên kế hoạch nâng công suất sản xuất tại Việt Nam lên 15%.

“Lý do là khách hàng của họ đang chịu áp lực phải gia tăng công suất ở Việt Nam khi nhìn vào những biến động của chính trường Mỹ. Nhìn vào số lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với tỷ lệ 70% đổ vào lĩnh vực chế biến - chế tạo, rõ ràng, nguồn lực đổ vào lĩnh vực này rất lớn, sẽ phát huy hiệu quả rất lớn trong vòng 5-10 năm tới, nếu các điểm nghẽn chính sách trong lĩnh vực này được ưu tiên tháo gỡ”, TS. Thành nói khi nhắc đến các kiến nghị lâu nay từ cộng đồng kinh doanh nước ngoài tại Việt Nam, gồm các vấn đề về năng lượng, nguồn nhân lực, hạ tầng, logistics…

Lời giải tối ưu vẫn là thể chế

Tìm lời giải cho bài toán khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, phải chạm được 5 nguyên tắc, gồm đột phá; theo nguyên tắc thị trường; cách thức điều hành kinh tế theo ngưỡng chỉ tiêu định hướng, thay vì chốt chặt; chấp nhận và đánh đổi, không thể vừa tăng trưởng cao, vừa lạm phát thấp; tốc độ khẩn trương.

“Lúc này, nếu không đột phá trong cơ chế, chính sách, thì không thể làm được, vì muốn khẩn trương, muốn đột phá…, thì không thể thực hiện theo nhiều quy định hiện hành. Nhưng để đột phá, phải bắt đầu từ đột phá trong tư duy sử dụng nguồn lực, tài nguyên, trong điều hành kinh tế”, TS. Bích Lâm nhấn mạnh khi gửi trực tiếp khuyến nghị này tới Ban Kinh tế Trung ương.

Tuy nhiên, những thay đổi lớn này cần thời gian, nên các chuyên gia và doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào quyết tâm cải cách mạnh mẽ thể chế, môi trường đầu tư - kinh doanh để đẩy mạnh đầu tư, gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.

Đặc biệt, GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội rất trông chờ vào sửa đổi liên quan đến phương thức đầu tư công, hình thức đầu tư PPP… Đầu tư công không thể giải quyết hết các vấn đề của xã hội, nhưng để đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, bên cạnh dành nguồn lực đầu tư công để gỡ các nút thắt phát triển, như hạ tầng…, cần phải thúc đẩy hình thức đầu tư PPP.

“Nhưng thẳng thắn mà nói, thời gian qua, các nhà đầu tư tư nhân chưa nhìn thấy rõ nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ của hình thức này, nên chưa mặn mà. Hình thức đầu tư BT cũng bị phân biệt đối xử vì áp dụng chưa đúng trong giai đoạn trước, khi bản chất của hình thức này là tạo ra sự sáng tạo mới để huy động nguồn lực cho phát triển…”, GS-TS. Hoàng Văn Cường phân tích.

Cũng phải nhắc lại, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đã dừng thực hiện dự án đầu tư mới theo loại hợp đồng BT từ ngày luật này có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2021). Quyết định này xuất phát từ những bất cập của việc thực hiện loại hợp đồng này, như một số dự án không có mục tiêu đầu tư phù hợp, không cần thiết; giá trị công trình BT được xác định không chính xác, đa số dự án có suất đầu tư cao hơn so với dự án sử dụng vốn đầu tư công; việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức chỉ định thầu không cạnh tranh; công tác giám sát bị xem nhẹ dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm…

Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ trong Đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhắc đến những đóng góp của dự án BT đã triển khai trước đó ở một địa phương, đặc biệt là huy động được nguồn lực của khu vực tư nhân, giúp giảm áp lực về vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, các dự án đối ứng được thanh toán đầu tư cũng góp phần đáng kể cho việc cải thiện kết cấu hạ tầng về nhà ở, dịch vụ, hình thành các đô thị mới, khu dân cư mới…

Hiện nay, Quốc hội đã cho phép 3 địa phương được thí điểm triển khai loại hợp đồng BT, gồm TP. HCM, Hà Nội và Nghệ An. Tuy nhiên, cách thức áp dụng còn chưa thống nhất, tùy thuộc vào điều kiện đặc thù của từng địa phương. Đây là lý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị xem xét tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT theo hướng đổi mới, hoàn thiện cơ chế thực hiện loại hợp đồng này trong phần nội dung sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Liên quan đến nội dung này, ông Cường cho rằng, những sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư cần phải trên nguyên tắc là đặt niềm tin vào khu vực tư nhân. “Nhà nước có thể đặt hàng khu vực tư nhân thực hiện các công trình, dự án công để một mặt thực hiện trách nhiệm của Nhà nước, mặt khác để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các tập đoàn tư nhân mạnh lên…”, ông Cường đề xuất.

Với các văn bản luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh, mục tiêu được chờ đợi, theo các doanh nghiệp, là không gian rộng mở cho các hoạt động đầu tư - kinh doanh. “Chỉ cần các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, sẵn sàng tư vấn, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tin tưởng, họ sẽ đầu tư”, TS. Lâm khẳng định.

Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ tám vào tháng 10/2024, theo quy trình một kỳ họp và soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tin bài liên quan