Các quỹ ETF ngoại đang trong tình trạng sẵn sàng hành động khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi

Các quỹ ETF ngoại đang trong tình trạng sẵn sàng hành động khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi

Khơi thông hàng tỷ USD từ quỹ ETF ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi được kỳ vọng mở ra cơ hội rất lớn thu hút vốn ngoại, đặc biệt từ các quỹ ETF ngoại.

Hàng tỷ USD đang chực chờ

Tương tự xu hướng chung của các quỹ đầu tư toàn cầu, các quỹ hoán đổi danh mục (quỹ ETF) tại Việt Nam cũng đang gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và quy mô, đặc biệt là từ năm 2020. Tuy nhiên, nếu so với toàn thị trường thì các quỹ ETF vẫn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 1,6% tổng giá trị vốn hóa sàn HOSE, với tổng tài sản đạt hơn 3,2 tỷ USD. Danh mục nắm giữ của các quỹ ETF cũng khá đa dạng, bên cạnh nhóm vốn hóa lớn như VN30 cũng mở rộng tới các nhóm vốn hóa trung bình, giúp hạn chế mức độ tập trung ở mỗi cổ phiếu.

Theo thống kê, tổng giá trị giao dịch trung bình của các quỹ ETF kể từ năm 2020 là 100 tỷ đồng/ngày, cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với con số 18.000 tỷ đồng/ngày của toàn thị trường, trong bối cảnh giao dịch của nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo.

Do đó, tác động của nhóm quỹ ETF hiện nay đến giao dịch hàng ngày thường không đáng kể. Tuy nhiên, các quỹ ETF cũng có những phiên giao dịch đột biến vào các kỳ tái cơ cấu danh mục hàng quý, với giao dịch có thể lên tới 20% tổng tài sản của quỹ, gây tác động đáng kể lên thị trường, đặc biệt ở các cổ phiếu có nền thanh khoản thông thường không cao.

Hiện Fubon FTSE Vietnam ETF (Đài Loan, Trung Quốc) và VanEck Vietnam ETF (Mỹ) là hai quỹ ETF ngoại lớn nhất tại Việt Nam, với tổng tài sản khoảng 857 triệu USD và 529 triệu USD. Trong đó, Quỹ Fubon FTSE mới vào thị trường Việt Nam và với lượng vốn khủng, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ góc độ cơ cấu thị trường, các quỹ ETF ngoại đóng vai trò kênh dẫn vốn quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Nếu dòng vốn này tăng lên sẽ có tác động lớn và trở thành động lực để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn. Theo các tổ chức, để nguồn vốn này chảy mạnh hơn, động lực chính là việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên thị trường mới nổi.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế sẽ đổ vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030 nếu được nâng hạng bởi cả FTSE Russel và MSCI.

Còn theo tính toán của Dragon Capital, hiện tại có khoảng 700 - 800 tỷ USD đang đầu tư vào nhóm thị trường mới nổi theo phân loại của FTSE. Nếu Việt Nam được nâng hạng trong năm 2025 theo tiêu chí của FTSE, thì dự kiến tỷ trọng của Việt Nam sẽ dao động khoảng 0,22 - 0,24%, tương đương với khoảng 1,5 - 1,9 tỷ USD. Số tiền này sẽ được đầu tư dàn trải trong 6 tháng sau khi quyết định nâng hạng thị trường Việt Nam chính thức có hiệu lực. Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp theo tiêu chí của FTSE Russell trước dự kiến sẽ là bước đầu để Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI trong tương lai và khi đó dòng vốn sẽ đổ vào mạnh hơn nữa.

Tương tự, theo dự báo của SSI Research, nếu được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nhận được khoảng 1,7 - 2,5 tỷ USD vốn nước ngoài mới từ các quỹ chủ động và các ETF tham chiếu vào chỉ số FTSE Emerging Market Index and FTSE Global Index.

Sẵn sàng khơi thông

Trong tháng 3/2024 (tính đến 26/3), dòng tiền qua các quỹ ETF ghi nhận bị rút ròng hơn 4.000 tỷ đồng, nâng lũy kế giá trị bị rút ròng ở các quỹ ETF từ đầu năm 2024 lên hơn 7.500 tỷ đồng. Trạng thái rút ròng diễn ra ở 11 quỹ bao gồm cả quỹ ngoại và quỹ nội, nhưng tập trung chủ yếu ở Quỹ VFM VNDiamond ETF.

Từ tháng 9/2018, Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russel lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ. Việc nâng hạng thị trường sẽ là lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, Việt Nam được MSCI và FTSE Russel phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên (FM). Cho đến nay, thị trường Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số FM với hơn 30% tổng tài sản quản lý (AUM )và đã đạt được đến giới hạn có thể kỳ vọng trong rổ chỉ số cận biên.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện nay Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí về nâng hạng lên thị trường mới nổi, hiện còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện là ký quỹ trước giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Với quyết tâm nâng hạng thị trường vào năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rốt ráo trong thời gian vừa qua. Cụ thể, ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2025. Cuối tháng 2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành chứng khoán năm 2024. Tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Báo cáo kết quả trước ngày 30/6/2024.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đang tích cực tháo gỡ các vướng mắc cho câu chuyện nâng hạng. Mới đây, ngày 20/3/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố thông tin lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Trong đó, nội dung đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài khi giao dịch không phải ký quỹ 100% như quy định hiện hành. Thay vào đó, sẽ giao cho công ty chứng khoán hỗ trợ thanh toán và chịu trách nhiệm thanh toán với nhà đầu tư nước ngoài.

Đây là động thái nhằm tháo gỡ vướng mắc lớn nhất về tiêu chí ký quỹ và nếu được ban hành trong thời gian tới, thì có kỳ vọng cao thị trường Việt Nam sẽ được nâng hạng trong năm 2025 như mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, về dài hạn, theo các chuyên gia, cần xây dựng hệ thống Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) để có thể thực hiện nghiệp vụ loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch một cách hoàn chính.

Ông Mathew Smith, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích tại Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, năm 2025 thị trường Việt Nam được nâng hạng theo FTSE là rất khả thi và trong năm 2026 - 2027, có thể được MSCI đồng ý nâng hạng. Khi các quỹ đầu tư toàn cầu hiểu rằng Việt Nam đang trên lộ trình gần bước vào thị trường mới nổi, họ sẽ tham gia tích cực hơn.

“Từ các nguồn thông tin riêng, chúng tôi biết được các nhà đầu tư quốc tế đã bắt đầu nghiên cứu để tìm hiểu về thị trường Việt Nam, có thể chưa giải ngân ngay, nhưng họ cũng cho thấy sự sẵn sàng hành động khi được nâng hạng để tránh bỏ lỡ cơ hội”, ông Mathew cho biết.

Tin bài liên quan